THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:19

Nghĩ xanh về công trình xanh

Nghĩ xanh về công trình xanh - Ảnh 1.

Không chỉ là nơi có nhiều cây xanh

Các đô thị ở Việt Nam đang phát triển từng ngày và số người sinh sống tại đó cũng tăng theo hằng năm. Với tốc độ đô thị hóa nhanh, các mảng xanh ở ven các đô thị giảm dần. Thay vào đó là bề mặt công trình - vốn hấp thụ mạnh bức xạ mặt trời, làm nhiệt độ đô thị tăng lên theo. Cùng các chất thải (rắn, khí, lỏng) từ sinh hoạt của con người, giao thông vận tải, công nghiệp, khiến môi trường đô thị bị thay đổi mạnh, bất lợi không chỉ đối với con người mà còn gây đột biến đối với hệ sinh thái và môi trường trong đô thị và toàn cầu. Các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục cố gắng trồng cây đô thị trên phố nhằm tạo thêm mảng xanh. Phía các gia đình cũng tích cực trồng hoa trong khuôn viên, đưa lên ban công các ngôi nhà, căn hộ cốt để "đưa thiên nhiên vào nhà". Nhiều gia đình còn biến ngôi nhà của mình thành… vườn xuân, với bốn mùa hoa ngát thơm. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Bởi thế, việc phát triển các công trình xanh, phù hợp môi trường sinh thái là vô cùng cần thiết.Theo giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, công trình xanh là một trong những giải pháp để thích ứng với việc biến đổi khí hậu và giảm thiểu khí thải nhà kính. Việc phát triển công trình xanh đã lan tỏa ra nhiều nước trên thế giới và trở thành xu thế tất yếu trong lĩnh vực xây dựng.Nhìn vào thực tế trong thời gian qua, nhiều chủ đầu tư xây dựng đã "ôm" các diện tích cây xanh công viên, hoặc trồng một số cây xanh trong khuôn viên các công trình nhà chung cư để chào bán, và nói rằng đó là công trình xanh, nhằm thu hút sự quan tâm của người mua. Song phải xác định lại, công trình xanh không chỉ là công trình có nhiều cây xanh, mà là sản phẩm của quá trình xây dựng đã cân nhắc tác động môi trường và tính hiệu quả trong sử dụng tài nguyên của công trình trong suốt vòng đời của chúng (từ thiết kế, xây dựng, vận hành, bảo dưỡng và phá dỡ). Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan, Phó Viện trưởng Kiến trúc quốc gia cho biết: "Điểm cốt lõi để kiến tạo nên một công trình xanh là công trình sử dụng vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường".

Nghĩ xanh về công trình xanh - Ảnh 2.

Tạo đà cho phát triển

Ở Việt Nam, khu nhà ở Thăng Long Number One (số 1 Đại lộ Thăng Long, TP.Hà Nội) là công trình xanh đầu tiên, được Bộ Xây dựng cấp giấy chứng nhận và gắn biển vào ngày 9/10/2014. Ở Hà Nội còn một số công trình xanh tiêu biểu như: Trường liên cấp Genesis (nằm trên đường Nguyễn Văn Huyên); trường Quốc tế Concordia (trụ sở tại huyện Đông Anh); trụ sở Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (nằm trên đường Tôn Thất Thuyết)…Theo Bộ Xây dựng, hiện Việt Nam có khoảng 165 công trình xanh được đánh giá, chứng nhận bởi các hệ thống, tiêu chuẩn của quốc tế. Trong đó, công trình có vốn đầu tư nước ngoài, vốn ngoài ngân sách chiếm đa số, số công trình có vốn đầu tư công chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Công trình xanh quan trọng, nhưng phải đến những năm gần đây, xu thế xanh đã được cơ quan chức năng, một số chủ đầu tư xây dựng, giới kiến trúc sư quan tâm. Giáo sư Phạm Ngọc Đăng cho rằng thế giới đang diễn ra cuộc "cách mạng xây dựng xanh" sôi nổi, còn ở nước ta đang ở giai đoạn khởi đầu của phát triển. Ở góc độ chính sách, từ năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về "Tăng trưởng xanh", ban hành theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/9/2012, Bộ Xây dựng đã ban hành Quy chuẩn quốc gia QCVN 09:2013/BXD, đây là tiêu chí quan trọng đối với việc định hướng phát triển bền vững công trình xanh ở Việt Nam trong tương lai. Tiếp đó là Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020 (năm 2010), Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (năm 2010), Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (2017), Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020 (2017); Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030 (2018), Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030 (2019)… Gần đây, Luật Xây dựng sửa đổi (2020) cũng một lần nữa khẳng định quan điểm khuyến khích phát triển công trình xanh. Kiến trúc sư Phạm Thúy Loan cho biết: "Công trình xanh đang có rất nhiều triển vọng và sẽ trở thành một trong những nội dung trọng tâm của Chiến lược phát triển kiến trúc Việt Nam, cũng như chiến lược "xanh hóa" ngành xây dựng, chuyển đổi thị trường xây dựng theo hướng tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường". 

Nghĩ xanh về công trình xanh - Ảnh 3.

Đồng quan điểm, kiến trúc sư Nguyễn Trung Kiên (Công ty Vilandco) cho biết thêm: Hiện Việt Nam có tiêu chuẩn cho công trình xây dựng là TC 09-2017 nhưng vẫn cần có tiêu chuẩn riêng về công trình xanh để phù hợp mục đích, điều kiện xây dựng tại Việt Nam.Thạc sĩ Đỗ Hữu Nhật Quang, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Tư vấn Công trình xanh GreenViet chia sẻ, rào cản phát triển công trình xanh chủ yếu nằm ở tâm lý ngại thay đổi và thiếu động lực thay đổi của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế; nhà thầu chưa quan tâm đúng mức; thiếu sự quyết liệt từ cơ quan quản lý. Vai trò của chủ đầu tư rất lớn trong việc yêu cầu tư vấn thiết kế, nhà thầu phải thực hiện công trình xanh.Để thúc đẩy phát triển các công trình xanh, nhiều chuyên gia cho rằng, trước hết cần củng cố cơ sở pháp lý liên quan đến tiết kiệm năng lượng và công trình xanh. Đồng thời Nhà nước cần tiên phong thực hiện các dự án đầu tư xây dựng mới hoặc cải tạo quy mô lớn công trình sử dụng vốn công theo hướng công trình xanh; xây dựng khung hướng dẫn ưu đãi thực hiện công trình xanh thuộc khu vực đầu tư vốn tư nhân; xây dựng bằng các cơ chế ưu tiên, ưu đãi liên quan tài chính, phi tài chính; chú trọng việc đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực thiết kế và công nghệ xây dựng công trình xanh.

Nghĩ xanh về công trình xanh - Ảnh 4.

Ở góc độ khác, mỗi cá nhân cũng cần có thái độ xanh trong tư duy xây dựng công trình. Bởi hơn lúc nào hết, họ là những người có quyền quyết định với những công trình ấy. Một khi có ý nghĩ hướng về công trình xanh sẽ có động lực và tạo ra động lực để thực hiện.

Diên Khánh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh