Nghị định 155 có hiệu lực từ ngày 1/2: Bị phạt tiền vẫn vô tư xả rác
- Y học 360
- 23:45 - 08/02/2017
Công an, chủ tịch xã có quyền xử phạt
Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chính thức có hiệu lực thi hành. Nghị định trên thay thế cho Nghị định 179/2013 Chính phủ ban hành năm 2013. Trong nghị định mới, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt nhiều lần đối với hàng loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Cụ thể, hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu vực chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng sẽ bị phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 là từ 200 - 300 nghìn đồng). Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải sinh hoạt không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng (mức phạt ở Nghị định 179/2013 là từ 100 - 200 nghìn đồng). Các hành vi vứt, thải rác thải sinh hoạt trên vỉa hè, đường phố hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt trong khu vực đô thị sẽ bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng.
Tùy vào hành vi và mức độ vi phạm, người có thẩm quyền xử phạt sẽ ra quyết định xử phạt. Cụ thể, UBND phường, xã đến Chủ tịch UBND huyện, quận hay tỉnh, thành phố đều có chức năng xử phạt với các hành vi vi phạm trên. Đối với lực lượng công an, trưởng công an xã, phường hay trưởng trạm công an cửa khẩu, khu chế xuất có quyền xử phạt tối đa 2,5 triệu đồng….
Tuy nhiên theo ghi nhận của chúng tôi sau gần 10 ngày Nghị định 155 có hiệu lực các hành vi xả rác bừa, tiểu bậy vẫn diễn ra khắp nơi. Cụ thể tại các tuyến phố như Thanh Xuân, Quang Trung (Hà Đông), Nguyễn Chí Thanh, Cầu Giấy, Trần Huy Liệu, đường Đại Lộ Thăng Long… vẫn còn tình trạng tiểu bậy, túi ni lông, vỏ bánh kẹo vứt khắp nơi. Con đường đi bộ chạy quanh hồ Giảng Võ trên những thảm cỏ, gốc cây đầy những mẩu thuốc lá, vỏ các chai nhựa, giấy lau…
Chị Nguyễn Thị Thu có quán nước nằm trên đường đại lộ Thăng Long cho biết: Tôi bán nước ở đây gần chục năm nay và thường xuyên hứng chịu những bịch rác của người đi đường vứt vào. Một số người không hiểu sao cứ cầm bịch rác, chạy xe ngang rồi vứt vào. Có hôm tôi đang ngồi trong quán của mình thì bỗng bị một bịch nước từ ngoài đường vứt trúng người. Chưa hết, mấy người đi xe khách còn kinh khủng hơn. Bịch nôn, chai nước tiểu cứ thường xuyên bị quăng trước cửa quán. “ Tôi cũng mong rằng cần có sự trừng trị nghiêm khắc những hành vi xả rác bừa ra đường của một số người” – chị Thu nói.
Cần tuyên truyền trước xử phạt sau
Chia sẻ về những qui định mới của Nghị đinh 155, chị Thanh Mai ở Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hiện nay người Việt vẫn còn thói quen xả rác “tự do”, bất kỳ đâu cũng có thể vứt rác, ném tàn thuốc được, nhả kẹo cao su bừa bãi. Việc xử phạt nặng các hành vi nêu trên là một trong những giải pháp tốt để ngăn ngừa được những thói quen xấu, gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị. Tuy nhiên trước hết cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu và thay đổi những thói quen xấu xưa nay vẫn làm.
Trả lời báo chí Thiếu tướng Trần Thế Quân – Phó Cục trưởng Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, chất lượng môi trường hiện nay ngày càng suy giảm nghiêm trọng vì vậy để cải thiện cần nhiều giải pháp, việc tăng mức phạt là một biện pháp. Tuy nhiên, quan trọng hơn vẫn là nâng cao ý thức của người dân. “Một số người dân vẫn thiếu ý thức gìn vệ sinh nơi công cộng, họ cũng chưa nắm được các quy định xử phạt hành vi vi phạm môi trường. Vì vậy, chúng ta cần tuyên truyền, giáo dục cho người dân hiểu các quy định pháp luật và ý thức văn hóa nơi công cộng thì họ mới không vi phạm. Ngoài ra, chúng ta cần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng nơi công cộng.
Cũng về vấn đề này, ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cho rằng, việc tăng mức xử phạt đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện và hành vi vứt mẩu, tàn thuốc lá không đúng quy định tại nơi công cộng là cần thiết. Tuy nhiên, chỉ tăng mức phạt tiền thôi là chưa đủ, vì đây liên quan đến ý thức văn hóa của mỗi người dân nên cần đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân biết rõ để không vi phạm.
Trao đổi về vấn đề này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho rằng, pháp luật cần đi trước, phải quy định được hành vi nào cho phép, hành vi nào không cho phép, hành vi nào bị cấm, bị xử phạt còn khả năng thực thi đến đâu phải dựa vào cơ quan quản lý Nhà nước và toàn xã hội. Ông Hà cho biết ở một số quốc gia ngay láng giềng Việt Nam như Singapore, Trung Quốc, họ quy định rất chặt chẽ với các hành vi như tiểu tiện, đại tiện bừa bãi, vứt rác ra đường. Singapore chẳng hạn, nếu xả rác ra đường, người dân không chỉ bị phạt tiền mà còn phải tham gia số giờ lao động công ích, bị nêu tên trên phương tiện truyền thông.
Về giải pháp để tăng tính khả thi của các quy định trên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan quản lý đang nghiên cứu để có những quy định cụ thể hơn nữa nhằm làm rõ nội dung ai phạt, phạt ai với các hành vi nêu trên.