Nghe “nhạc sến” chọn loa gì cho hợp?
- Công nghệ mới
- 18:24 - 28/07/2015
Dòng nhạc sến là gu nghe nhạc khá phổ biến của người Việt, nhưng dường như người nghe chưa chú ý đến chọn loa cho phù hợp khi nghe dòng nhạc này. Vì thế, trong bài viết dưới đây, chúng tôi sẽ chia sẻ với bạn đọc về đề tài thú vị này.
Người nghe nhạc sến trữ tình thường có xu hướng thích sự mềm mại ấm áp của giọng hát, sự sâu lắng của bè trầm, sự da diết của tiếng đàn. Phần lớn vẫn thích có dải âm trầm ấm được tái tạo từ trống, tiếng guitar bass, dải âm cao qua sự réo rắt của đàn tranh ở các đoạn dạo đầu và giữa của bài nhạc, tiếng nỉ non, mênh mang của đàn bầu. Và hơn hết là giọng ca ngọt ngào của ca sĩ. Tuy nhiên, không phải hệ thống âm thanh nào cũng đáp ứng được yêu cầu trên.Bên cạnh những lựa chọn về nguồn phát CD, đầu đọc, Amply thì loa là một trong những yếu tố rất quan trọng để đáp ứng các nhu cầu thẩm mỹ của dòng nhạc này. Nhiều câu hỏi và thảo luận xuất hiện trên các diễn đàn âm thanh xoay quanh nhu cầu nghe nhạc vàng và chơi loa nào cho phù hợp.
Có hai lựa chọn để người nghe nhạc vàng trữ tình: Hoặc chơi những dòng loa toàn dải, phù hợp để tái hiện âm nhạc ám màu thời gian hoặc đầu tư đôi loa ba đường tiếng có chất âm phù hợp.
Loa 3 đường tiếng:
Loa 3 đường tiếng
Giới nghiền dòng nhạc này vẫn xưng tụng AR (Acoustic Research - Mỹ) và Celestion (Anh) như hai dòng loa cổ, hợp với nhạc vàng. Một số mẫu loa ba đường tiếng trên thị trường gồm AR 4, AR 2, AR 3 và AR 9. Chuyển sang Celestion, người chơi chuộng nhất dòng Ditton15, 22, 33, 44, 66 và 88 (cực hiếm). Ngoài ra, người chơi có thể tham khảo thêm một số dòng loa cổ khác có thể chơi nhạc sến hay như: KLH, Allison, TDL, Wharfedale, Spendor…
Loa toàn dải:
Ở Việt Nam trong một thời gian dài khi nói đến loa toàn dải thì một số ít người chơi sành điệu sử dụng còn đa số người chơi ít để ý và nhóm chơi này cho rằng dòng loa này chỉ là loa ở các thiết bị như radio, cassette, máy tính. Tuy nhiên loa toàn dải cổ là dòng loa được dân chơi audio trên thế giới sử dụng khá phổ biến và thuộc phân khúc cao cấp cho audio. Có thể kể đến nhiều hãng nổi tiếng trên thế giới đã sử dụng những cặp loa toàn dải cổ quý hiếm để đóng thùng cho những bộ đồ chơi audio cao cấp. (tham khảo tại http://www.schweigerdt.de/de/home.htm )
Một mẫu loa toàn dải độc đáo
Nếu lấy tiêu chí nhạc tính hàng đầu, thì không phải cặp loa 3 đường tiếng nào cũng có thể giải mã. Vì vậy người chơi sành vẫn chọn cho mình dòng loa toàn dải cổ để đáp ứng đước các yêu cầu nhạc tính của các dòng nhạc trữ tình này.
Các loại loa toàn dải cổ cao cấp được dân chơi audio hướng tới là các dòng loa được sản xuất hầu hết tại Đức vào những năm 1950’ của các hãng: Siemens, Saba, Grundig, Isophon…và nhiều nhãn hiệu khác nữa (về các dòng loa này có thể tham khảo tại (http://www.german-vintage-loudspeakers.com) Hoặc ở Anh như hiệu Lawthe, ở Mỹ như hiệu Altec, ở Nhật như hiệu Fostex.
Các dòng loa này có nhạc tính cao, trung âm trong trẻo, ấm áp, âm treble ngọt ngào không chói gắt, độ nhạy rất cao thường từ 95-103 db, dễ phối ghép ampli. Nếu có điều kiện, người chơi nên sử dụng ampli đèn chạy đèn đốt trực tiếp như: 300B, 2a3... để chơi với loa độ nhạy cao hoặc ampli mạch đẩy kéo chạy đèn EL34, KT88 hay 6L6... với loa độ nhạy trung bình. Tuy nhiên chi phí cho dòng loa này cũng là vấn đề cho các audio phile cân nhắc, nhưng thực sự khi đã được nghe các dòng loa này thì khó có thể cưỡng lại được sự lôi cuốn của nó./.