Nghề lái taxi ăn đường ngủ chợ, "cày" suốt ngày đêm mà nóng cũng không dám bật điều hòa
- Bác sĩ
- 20:58 - 28/06/2020
Các tỉnh Bắc Bộ nói chung và thủ đô Hà Nội nói riêng đang oằn mình trải qua những ngày nắng nóng đỉnh điểm. Tại thời điểm giữa trưa, ghi nhận tại nhiều tuyến đường có nhiệt độ thực tế vượt ngưỡng 60 độ C.
Người lao động ngoài trời, đặc biệt là việc làm có đặc thù phải di chuyển nhiều đã có khoảng thời gian không mấy dễ chịu để hoàn thành công việc. Họ phải chủ động sắp xếp thời gian làm việc hợp lí, đồng thời điều chỉnh khối lượng công việc để có thể thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.
Nếu như nhiều người vẫn nghĩ rằng, tài xế taxi nhàn hạ hơn xe ôm rất nhiều bởi làm việc "mưa không đến mặt, nắng không đến đầu", lại hưởng điều hòa mát lạnh cả ngày thì sự thật lại là một câu chuyện khác. Nếu không trực tiếp trải qua, không thể biết nghề tài xế taxi cũng lắm vất vả không dễ nói ra.
Anh Hoàng Duy, 40 tuổi, tài xế của một hãng taxi truyền thống đã hơn 10 năm nay cho biết: "Trời nắng bỏng da, chúng tôi bị ảnh hưởng nhiều lắm. Lượng khách ít đi thấy rõ. Nếu như ngày thường họ thích đi chơi, mua sắm thì bây giờ họ ngại ra ngoài, hạn chế di chuyển. Một phần cũng vì ảnh hưởng sau dịch bệnh, người dân vẫn còn tâm lí đề phòng, cẩn thận hơn chứ".
"Thời gian nghỉ ngơi, không có khách, đôi khi tôi ngồi trong xe bật điều hòa, chỉ ra ngoài khi muốn uống cốc trà đá hay hút điếu thuốc cho tỉnh táo thôi. Được nhiều hôm trời mát, tôi tranh thủ mở cửa ô tô cho thoáng. Lúc xe không bật làm lạnh, đến khi khách lên xe không thấy mát ngay, họ đổi ý sang xe khác mà mình cũng phải chịu ấy chứ! Tôi ngồi điều hòa nhiều bị khô da, ngạt mũi, ăn nghỉ vạ vật chứ không phải nhàn tênh như mọi người vẫn nghĩ đâu." – anh Duy trải lòng.
Là tài xế taxi của một hãng taxi công nghệ mới, anh Đỗ Mạnh Tùng (30 tuổi, ngụ Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội) cho biết: "Anh em tài xế bọn mình cứ đến mùa nắng là mùa "thất thu", chứ không ăn nên làm ra như mọi người vẫn nghĩ đâu. Nắng gay gắt như thế, làm gì có ai ham hố đi ăn đi chơi. Để khắc phục cái nóng, mình thường mang theo chai nước 1 lít rưỡi nhưng chẳng bao giờ đủ, toàn phải mua thêm trà đá để giải tỏa cơn khát. Mình chạy xe từ sáng sớm đến 11 giờ trưa rồi về nghỉ, khoảng 4 giờ chiều lại tiếp tục vì giờ ấy hầu như không có khách.
Để bám trụ nghề này, cần nhiều sức khỏe lắm, mà anh em mình còn sướng hơn chán những tài xế xe khách đường dài. Họ ở trên xe nhiều hơn ở nhà ấy chứ, còn mình thì gặp xe cũng nhiều hơn gặp vợ con".
"Những lúc rảnh, mình ngồi trà đá vỉa hè hoặc mở cửa ô tô cho thoáng. Vì nếu ngồi điều hòa nhiều trong khi mái ô tô thấp, cái nóng ở ngay bên trên, nhiều đêm về đau đầu, nằm mãi không ngủ được".
Trong khi đó, bạn Trung Dũng, một tài xế trẻ tuổi lại có những chia sẻ khác: "Ra Tết, em định sẽ đi chạy taxi ngay nhưng vướng vào dịch. Tháng trước, bắt đầu công việc mới, lại gặp ngay khó khăn về thời tiết và ảnh hưởng sau dịch bệnh nên nhiều lúc em nản lắm. Mấy hôm trời oi bức, em chưa quen nên nhiều lúc sốc nhiệt khi bước từ ô tô ra bên ngoài.
Sau này, được các anh chỉ cho nên em tắt điều hòa rồi ngồi trong xe vài phút rồi mới ra ngoài. Có hôm, em chạy cả ngày được hơn 200 nghìn chưa trừ tiền xăng, nhưng nghề nào cũng có vất vả riêng nên mình cố gắng khắc phục thôi!".
Theo ghi nhận của chúng tôi, trong khoảng thời gian chiều tối, khi thời tiết trở nên râm mát hơn là lúc các tài xế taxi tranh thủ để chạy xe, bù lại khoảng thời gian nắng nóng trong ngày. Không ít lái xe còn cố gắng chạy đến đêm muộn để cân đối lại nguồn thu khi bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt.
Trong khi nhiệt độ ngoài trời là con số khiến nhiều người thoáng nghe đã nhăn mặt, các công việc phải "đội nắng đội mưa" mong muốn nhận được sự cảm thông hơn từ phía những khách hàng sử dụng dịch vụ.
Đôi khi, chỉ một hành động nhỏ hay câu hỏi thăm nhẹ nhàng, ta đã làm cái nóng trưa hè như dịu đi nhiều phần. Mỗi người cũng cần tự trang bị cho mình những biện pháp thiết thực để tránh nóng: uống đủ nước, không lạm dụng điều hòa để xảy ra tình trạng sốc nhiệt đột ngột và che chắn cẩn thận khi ở ngoài trời.
Mùa hè còn dài phía trước, để bước qua cái nóng, ta không chỉ cần sức khỏe ổn định mà việc trang bị cả "tinh thần thép" cũng quan trọng không kém.