CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:21

Nghề nhàn hạ mà “hái ra tiền” đã đến Việt Nam

Nghề “hái ra tiền”, “khát” người làm

Đó là nghề phân loại giới tính gà. Nghe có vẻ lạ, nhưng người làm nghề này ở nhiều nước như Anh, Pháp, Trung Quốc… và ở cả Việt Nam đều có mức thu nhập cao ngất ngưởng

Phân loại giới tính gà là công việc được trả lương rất cao.

Có nhiều phương pháp để xác định giới tính gà như thông qua lông cánh, thông qua màu lông trên lưng gà, xác định giới tính qua lỗ huyệt… Trong đó, phương pháp cho kết quả chính xác nhất và được nhiều nước áp dụng là xác định giới tính gà qua lỗ huyệt.

Phương pháp này được sáng tạo vào năm 1933 bởi người Nhật Bản. Phát minh này đã làm chấn động ngành công nghiệp gia cầm ở Nhật và đưa xứ sở này trở thành một trong những quốc gia hàng đầu về chăn nuôi.

Ngay sau đó, các nhà nhân giống gia cầm phương Tây đã thuê những người được đào tạo ở Nhật Bản về làm hoặc cử người đại diện đến đất nước này để học tập

Ở nước Anh, mỗi năm, người lao động phân loại giới tính gà sẽ nhận mức lương là 40.000 bảng - tương đương 1,3 tỉ đồng.

Hiện nước Anh chỉ có khoảng 100-150 người làm công việc này (Ảnh: Incognito)

Còn ở Việt Nam, ông Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam khẳng định, nghề phân loại giới tính gà cũng đã xuất hiện.

Nhưng hiện rất ít người biết đến nghề này, đặc biệt, rất hiếm người có thể chọn được gà bằng phương pháp nhìn qua lỗ huyệt. Chính vì thế, dù nhu cầu cao, mức thu nhập khá hậu hĩnh, nhưng hiện nghề này vẫn rất “khát” người làm.

“Muốn thành nghề, phải có chuyên gia đào tạo. Hơn nữa, có làm được hay không còn phụ thuộc vào khả năng của mỗi người. Hầu hết các trang trại, lò ấp ở Việt Nam đang thiếu người và phải thuê người chọn gà”, ông Trúc cho hay.

Ông Nguyễn Văn Ái, chủ một trang trại ở xã Hòa Tiến (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) tiết lộ, mỗi tháng ông phải chi tới gần 30 triệu đồng để thuê người chọn giới tính gà.

“Tôi phải thuê người vì công việc này cũng khá khó khăn. Trang trại của tôi cung cấp gà theo nhu cầu của các đại lý. Có đại lý mua gà để đẻ trứng, có đại lý mua gà để thịt. Gà chọn ra sẽ có những phương pháp chăm sóc khác nhau để có mức lợi nhuận cao nhất”, ông Ái nói.

Phân loại gà qua lỗ huyệt có độ chính xác cao

PGS. TS Nguyễn Duy Hoan, Giám đốc Trung tâm Học liệu - nguyên Trưởng khoa  Khuyến nông và Phát triển Nông thôn (ĐH Thái Nguyên), người có hàng chục năm nghiên cứu về các phương pháp chọn giống gia cầm cho biết, phương pháp lựa chọn giới tính gà qua lỗ huyệt có tỉ lệ chính xác cao và hiện được nhiều lò ấp ở Việt Nam áp dụng.

Để phân loại được giới tính, yêu cầu trước tiên phải là gà mới nở sau vài giờ, chưa được cho ăn.

“Hiện nhiều trang trại dùng đũa thủy tinh gạt lỗ huyệt để phân loại giới tính. Đây là đũa chuyên dùng cho công việc này. Dùng đũa thủy tinh sẽ dễ xác định bộ phận sinh dục gà hơn”, ông Hoan nói.

Ông Hoan cũng cho biết, học phân loại giới tính gà không quá khó, nhưng với những người có năng khiếu làm sẽ nhanh hơn. Người thành thạo nghề trung bình mỗi giờ phân loại được từ 500 – 1.000 con gà. Những người không có kỹ năng sẽ làm chậm, làm gà chết nhiều và độ chính xác thường thấp.

Vị phó giáo sư này cũng cho hay, hiện có hai cách phổ biến để phân loại gà là xem trực tiếp qua lỗ huyệt và lai tạo theo đặc điểm giới tính.

Việc lai tạo gà theo đặc điểm giới tính là tận dụng những đặc trưng gắn liền với giới tính  gà. Lai tạo làm sao để gà trống và gà mái khác nhau một cách rõ rệt. Ví dụ, sau lai tạo có thể phân biệt gà qua màu lông ở lưng. Hoặc có một cách phố biến là dựa vào tốc độ phát triển của lông cánh. Thông thường, lông cánh của gà mái sẽ mọc nhanh hơn gà trống. Trong vòng 24 giờ đồng hồ, lông ống ở cánh gà mái sẽ dài, so le. Còn gà trống mọc chậm, ngắn và đều.

“Phương pháp xác định giới tình gà trực tiếp qua lỗ huyệt có độ chính xác cao, lên đến 98% và áp dụng được cho tất cả các loại gà. Thông thường, học viên phải tham dự các khóa huấn luyện và thực hành nhiều lần mới thành thạo được”, ông Hoan cho biết.

Hiện không ít nông dân Việt Nam đã trở nên giàu có nhờ công việc chọn giới tính gà. Chị Nguyễn Thị Dung (SN 1986, ở xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội) là một trong những người đó. Dù chỉ phân loại gà quay vòng tại một số trang trại ở tỉnh Bắc Ninh, huyện Hoài Đức, huyện Đông Anh (Hà Nội), chị Dung vẫn có thể kiếm từ 50 đến 90 triệu đồng mỗi tháng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh