CHỦ NHẬT, NGÀY 10 THÁNG 11 NĂM 2024 10:41

Nghề khắc con dấu thủ công ở phố cổ Hà Nội

 

Khi đi bộ trong phố cổ của Hà Nội, khách tham quan có thể bắt gặp những cửa hiệu nhỏ làm nghề khắc dấu thủ công, trong đó tập trung nhiều nhất ở phố Hàng Quạt, Tố Tịch. Đặc trưng của cửa hàng này là những người thợ cặm cụi làm việc bên một chiếc bàn nhỏ ở trước cửa, bao quanh bởi hàng loạt khuôn gỗ cùng những con dấu với nhiều hình vẽ và kích cỡ khác nhau.

 - Ảnh 1


Khắc dấu thủ công là một nghề lâu đời của Hà Nội, đã có từ hàng trăm năm nay. Bên cạnh họa tiết thường thấy, những con dấu ngày nay còn là món quà lưu niệm với nội dung đa dạng theo sở thích của khách du lịch trong và ngoài nước, giá 70.000 - 100.000 đồng.

 - Ảnh 2


Ông Phạm Văn Toàn, người làm nghề hơn 45 năm ở phố Hàng Quạt cho biết, gỗ thừng mực là loại thích hợp nhất để làm con dấu, có đặc tính nhẹ, mịn và thấm mực đều. Ông Toàn thường đặt sẵn các phôi gỗ, khi có khách mua con dấu sẽ mài nhẵn bề mặt và khắc hình lên

 - Ảnh 3


Khách có thể chọn hình trực tiếp tại cửa hàng hoặc gửi file ảnh theo sở thích. Các hình này được người thợ in hoặc vẽ lên bề mặt rồi đo, khắc bằng tay. Ông Phạm Văn Quang, một người làm dấu khác ở đầu phố Hàng Quạt chia sẻ, công việc này đòi hỏi sự tập trung và tỉ mỉ. “Dù công cụ cũng chỉ có dao với đục nhưng mỗi người thợ lại có nét riêng, thể hiện trong sản phẩm mình làm ra”.

 - Ảnh 4

 

Dao để khắc các chi tiết nhỏ như đường viền, nét chữ; đục dùng cho những mảng lớn. Suốt quá trình làm, con dấu được đặt trên một dụng cụ bằng gỗ, rỗng ruột để người thợ tiện thao tác.

 - Ảnh 5


Con dấu in hình cỏ bốn lá cùng tên người được tặng sau khi đã hoàn thành. Ông Phạm Văn Toàn mất khoảng nửa giờ để hoàn thành sản phẩm. Đây là con dấu do một du khách ở TP. HCM đặt làm để tặng bạn trong chuyến tham quan phố cổ Hà Nội, với hình ảnh được cho là tượng trưng của sự may mắn.

 - Ảnh 6

 

Theo các nhà nghiên cứu, nghề khắc dấu ở Hà Nội có nguồn gốc từ tỉnh Hà Tây cũ, cách đây hàng trăm năm. Những cửa hiệu khắc dấu lâu đời ở Hà Nội vẫn duy trì việc chế tác họa tiết cổ truyền như chữ triện, các bản khắc tranh thờ, tranh dân gian và khuôn làm bánh thủ công.

 - Ảnh 7


Vài năm gần đây, các cửa hàng còn nhận làm thêm con dấu in hình chân dung, phong cảnh với giá cao gấp bốn đến năm lần các họa tiết thông thường (khoảng 250.000 - 350.000 đồng). Một người thợ làm nghề giải thích, loại dấu chân dung này đòi hỏi phải có tay nghề cao, cần nhiều thời gian để hoàn thiện nên giá sẽ đắt hơn.

 - Ảnh 8


Ông Toàn cho biết đã quen với những con dấu từ nhỏ do đây là nghề gia truyền. Với những người muốn theo học, mất khoảng 2 năm đào tạo để thạo nghề. Người có năng khiếu sẽ học nhanh và làm được sản phẩm cầu kỳ hơn.

Theo VNEXPRESS

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh