THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 04:52

Nghệ An: Gian nan xử lý rác thải nông thôn

 

Bãi rác tập trung, nỗi ám ảnh của người dân

Nằm khuất trong đồi thông, thuộc xóm 5, xã Ngọc Sơn (H.Quỳnh Lưu-Nghệ An), nhưng nhìn từ xa đã thấy đã "đồi" rác. Do tích tụ lâu ngày, dưới chân “đồi" rác này, nước đen quánh chảy thành dòng dồn ứ vào các ao nước bên cạnh. Các ao nước ở đây được phủ trên bề mặt một lớp váng màu vàng như mỡ gà không một loài cây cỏ nào sống được trong ao. Năm 2007, huyện Quỳnh Lưu được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt dự án xây dựng Bãi rác thải chôn lấp lộ thiên có quy mô hơn 5 ha, tại xóm 5, xã Ngọc Sơn. Đến năm 2011 bãi rác này chính thức đi vào hoạt động. Tuy nhiên, theo Công ty TNHH Thái Bình Nguyên, đơn vị được giao trách nhiệm quản lý bãi rác này, lượng rác phát sinh gấp hàng chục lần so với dự tính ban đầu (hơn 90 tấn/ ngày), dư lượng nước thải từ bãi xử lý rác cũng tăng, dẫn đến tình trạng hệ thống xử lý nước thải không thể bảo đảm nên gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân các xã Quỳnh Tân và Ngọc Sơn.

Sống cách bãi rác không xa là những cư dân xóm 5, xã Ngọc Sơn, mùi hôi thối khuếch tán trong không khí đã thành thảm họa thường trực của người dân ở đây. Thời gian gần đây họ còn cộng thêm nỗi lo về nguồn nước ngầm bị ô nhiễm. Chị Nguyễn Thị Tình, xóm 5, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu than thở: “Ngày xưa ăn cá bắt ở đây nhưng giờ không dám ăn nữa”.

 

Hàng chục bãi rác đang ngày đêm phân hủy ngấm xuống nguồn nước ngầm. 


Bãi rác thải tạm của xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu được đặt tại xóm 5, nơi giáp ranh với các xã Diễn Kỷ và Diễn Bích. Đây là bãi rác được đưa vào sử dụng vào năm 2012 với diện tích 1.200m2 nhằm phục vụ cho 12 xóm với hơn 15 nghìn nhân khẩu. Tuy nhiên, với lượng rác thải phát sinh khoảng 6 tấn/ ngày cùng với người dân các xã giáp ranh đổ trộm thì sau 5 năm đưa vào sử dụng bãi rác đã trở nên quá tải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân xung quanh. Vì thế, xã Diễn Ngọc đã quyết định đóng cửa bãi rác này và hiện nay xã đang thuê một doanh nghiệp bốc rác chở vào Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nghi Yên, huyện Nghi Lộc để xử lý.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: “Mặc dù địa phương khó khăn nhưng chúng tôi cũng quyết tâm đóng cửa bãi rác này. Đồng thời thuê xe, máy di dời lượng rác ở đây để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm”.

Huyện Hưng Nguyên là một trong những địa phương làm tốt công tác thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn gặp không ít khó khăn do người dân vẫn đổ rác thải bừa bãi ở nhiều nơi không đúng quy định. Đặc biệt, những bãi rác thải tạm mà trước đây các địa phương tự xây dựng hiện nay đã cấm đổ rác nhưng lượng rác tồn dư lớn chưa thể di chuyển như bãi rác xã Hưng Tây, thị trấn Hưng Nguyên… cũng đang gây khó khăn không nhỏ cho địa phương này. Ông Nguyễn Hữu Hà - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: “Hiện tại chúng tôi tiếp tục tuyên truyền để người dân đưa rác ra các điểm tập trung. Các điểm rác nằm trên trục đường chính làm mất cảnh quan môi trường phải tìm điểm mới phù hợp. Các bãi rác gây ô nhiễm các khu dân cư sẽ di chuyển đến bãi rác tập trung”.

 

Rác thải đổ khắp nơi.


Khó khăn chồng chất

Tại các huyện, thị đã hình thành hoạt động thu gom rác sinh hoạt theo hình thức tổ, nhóm, hợp tác xã, công ty tư nhân với sự hỗ trợ kinh phí từ chính quyền địa phương và nguồn thu từ phí vệ sinh môi trường do các cơ sở sản xuất - kinh doanh, các hộ gia đình đóng góp. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành thu gom, xử lý rác thải, đơn vị thu gom, các xã, thị trấn gặp rất nhiều khó khăn. Các bãi rác tạm đã quá tải, một phần rác vẫn còn tồn đọng trong dân. Một số địa phương, do ngân sách còn hạn hẹp nên việc xây dựng các điểm trung chuyển rác đang gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay ở một số địa phương rác thải hàng năm không ngừng tăng, gây áp lực đối với môi trường và công tác thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải.

Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều nơi rác sinh hoạt chưa được thu gom, nhất là ở vùng núi, khu vực khó khăn trong vận chuyển rác nên đã tạo ra những điểm ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, các bãi chôn lấp rác sinh hoạt tự phát, không đúng quy hoạch, không hợp vệ sinh, không được kiểm soát, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là vấn đề cần được quan tâm hiện nay.

 

Các bãi rác đang ngày càng quá tải, rất khó khăn để xử lý.


Không chỉ các địa phương như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên còn nhiều khó khăn trong việc xử lý rác thải sinh hoạt như đã phản ánh, hiện nay nhiều địa phương khác cũng đang gặp khó với bài toán… xử lý rác thải.

Ông Đinh Sỹ Khánh Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An cho biết: “Để làm tốt công tác xử lý rác thải, chính quyền địa phương từ cấp xã đến cáp huyện, thị cần xây dựng các đề án về thu gom và xử lý chất thải rắn, rác sinh hoạt ở nông thôn. Tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân. Tiếp tục thành lập các tổ tự quản về thu gom và vận chuyển rác. Đầu tư xây dựng các bãi tập kết rác thải để chuyển đến các khu xử lý rác tập trung”.

HOÀNG TÙNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh