THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 01:44

Ngày tựu trường tại ngôi trường đặc biệt !

 

Các em học sinh trường Tiểu học Bình Minh trong buổi lễ khai giảng năm học mới 2016 - 2017.

 

Đó là những hình ảnh, âm thanh tại buổi lễ khai giảng của Trường Tiểu học Bình Minh, 80 phố Thợ Nhuộm (Hà Nội). Hòa chung với không khí rộn ràng trong ngày khai giảng (5/9), toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và 600 học sinh Trường Tiểu học Bình Minh long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học mới 2016 – 2017.

Tại buổi lễ, thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh cho biết: “Năm học 2016 – 2017 trường có 19 lớp, trong đó 11 lớp học sinh tiểu học nhưng có 2 đến 3 em học sinh khuyết tật học hòa nhập, 8 lớp học sinh khuyết tật chuyên biệt. Vì khuôn viên trường hẹp nên năm nào ngày khai giảng trường cũng phải chia làm hai ca. Ca một là những lớp có học sinh khuyết tật học hòa nhập, ca hai dành riêng cho học sinh khuyết tật chuyên biệt. Năm học mới năm nay, trường chào đón hơn 70 em học sinh mới, trong đó có 30 học sinh khuyết tật”.

 

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bình Minh đánh trống khai giảng năm học mới 2016 - 2017.


Theo thầy Hùng, sở dĩ phải cho các em khuyết tật khai giảng riêng vì khuôn viên của trường hẹp nên không thể khai giảng cùng một giờ. Hơn nữa, mức độ tiếp thu của các em rất kém, nếu ngồi nghe lâu các em cũng khó chịu. Do đặc thù như vậy nên trong ngày khai giảng, các thầy, cô phải rất lưu ý về cách nói, diễn giải, động viên làm sao để cho các em dễ hiểu nhất và dành thời gian tăng cường các tiết mục văn nghệ vì các em rất thích xem. Như thư của Chủ tịch nước, thầy cô phải chắt lọc những gì mà Chủ tịch nước nhắn nhủ học sinh, chỉ khoảng ba, bốn câu thì các em mới nhớ và hiểu được. Bài phát biểu của thầy hiệu trưởng cũng vậy, một trang giấy A4 phải rút ngắn, cô đọng lại chỉ còn một phần ba để các em dễ tiếp thu.

“Đối với học sinh khuyết tật sinh ra đã kém may mắn nên ngày tựu trường, các thầy cô nơi đây bằng tấm lòng và tình thương, cố gắng làm sao để học sinh bị khuyết tật cũng có ngày khai giảng và được hưởng những quyền lợi như học sinh bình thường khác, nhưng ở mức độ để học sinh dễ hiểu và tiếp thu được; cũng là để phần nào chia sẻ bớt những nỗi buồn, sự lo âu trên gương mặt mỗi phụ huynh sinh ra những đứa con bị khiếm khuyết”- thầy Hùng cho hay.

 

Cô Đặng Bích Thảo cùng các em học sinh khuyết tật chuyên biệt trong buổi lễ khai giảng năm học mới 2016 - 2017.


Là người gần 10 năm gắn bó với học sinh khuyết tật chuyên biệt, cô Trần Thị Kim Thu (Chủ nhiệm lớp C6) mong muốn, trường có sân rộng để cho các em học sinh khuyết tật được dự khai giảng cùng với học sinh hòa nhập. Bởi, hiện tại diện tích nhà trường rất hẹp, học sinh không được khai giảng ở sân trường mà phải lên tận tầng ba để dự khai giảng tại một khoảnh sân nhỏ của dãy nhà, đồng thời cũng là sân chơi chung hàng ngày của tất cả các em.

 

Cô Trần Thị Kim Thu (Chủ nhiệm lớp C6) cùng các em học sinh khuyết tật chuyên biệt trong ngày khai giảng năm học 2016 - 2017.

“Đầu năm học mới, được đón học sinh khuyết tật mới và cũ vào trường, có em vừa lạ, vừa quen, khóc, cười, cứ bám chặt lấy mẹ, không chịu theo cô vào lớp, nhưng sau đó được cô dỗ dành, các em lại ngoan ngoãn nghe theo. Dù sự hiểu biết của học sinh khuyết tật không được như học sinh bình thường, nhưng các em lại có rất nhiều cách để thể hiện tình cảm với cô. Mỗi lúc thấy ánh mắt của phụ huynh dõi theo cô trò, nét mặt đỡ âu lo hơn về những đứa con sinh ra không được bằng bạn bằng bè. Chỉ cần như vậy thôi cô giáo đã rất vui và hạnh phúc, bởi phần nào chia sẻ cùng với phụ huynh đã sinh ra những đứa con kém may mắn. Vì vậy, ngày tựu trường này các cô chỉ thấy thương học trò, muốn bù đắp nhiều hơn cho các con và càng thêm cảm thông với những cha mẹ đã sinh ra những đứa con “chậm lớn” về ý thức và nhận thức…”, cô Thu tâm sự.

 

Cô Nguyễn Hồng Hạnh đón học sinh khuyết tật chuyên biệt đến trường dự lễ khai giảng năm học mới 2016 - 2017.


Chị Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) có con trai bị bệnh tự kỷ học tại Trường Tiểu học Bình Minh chia sẻ: "Con sinh ra không được may mắn như những trẻ bình thường khác, đó là sự thiệt thòi quá lớn đối với cháu. Tôi rất buồn. Năm 2010 tôi cho con vào học tại ngôi trường này. Được sự quan tâm của nhà trường, các thầy cô và nhất là cô Trần Thị Kim Thu, giáo viên chủ nhiệm của cháu (cô theo dạy lớp con tôi học từ đó đến nay) đã dạy dỗ, yêu thương, chăm sóc cháu để cháu được như bây giờ. Tôi cũng như những phụ huynh khác cảm thấy được an ủi rất nhiều.


Cô Trần Thị Kim Thu chụp ảnh cùng học sinh khuyết tật chuyên biệt lớp C6 trong ngày khai giảng năm học mới.

“Tuy vậy, hàng năm đến mùa khai giảng để chào đón năm học mới, nhìn con tôi lại thấy chạnh lòng. Với trẻ bình thường khác thì ngày khai giảng các cháu sẽ cảm thấy rất vui mừng phấn khởi vì được chào đón một năm học mới, được lên tiếp một lớp, còn đối với những cháu bị khuyết tật như con tôi thì cháu sẽ không hiểu hết được ý nghĩa ngày khai giảng như thế nào. Có chăng cũng chỉ là nhắc lại lời bố mẹ, thầy cô giáo là "khai giảng năm học mới”. Dẫu vậy, năm nào cứ đến ngày tựu trường tôi vẫn nói và giải thích cho con hiểu về ngày này, không biết con cảm nhận được đến đâu, nhưng thấy con cũng tỏ ra hào hứng vui vẻ khi tôi mua cho con bộ quần áo mới, cặp sách mới...”, chị Dung tâm sự.

 

Năm học 2015 - 2016, Trường Tiểu học Bình Minh được UBND TP. Hà Nội khen thưởng: "Tập thể lao động xuất sắc cấp thành phố". Tại buổi lễ khai giảng năm học mới 2016 - 2017, ông Phạm Xuân Tiến, Phó Giám đốc Sở Giáo dục Hà Nội trao bằng khen cho Trường.

 

Một số hình ảnh khác trong ngày khai trường:

 

 

 

 

 

 

Cù Hòa

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh