CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 02:32

Ngày Trái đất quá tải: Chống dịch nhưng đừng bỏ lại các vấn đề môi trường phía sau

Ngày Trái đất quá tải (Earth Overshoot Day) là gì? Là ngày mà nhân loại đã tiêu thụ cạn kiệt tất cả tài nguyên và dịch vụ sinh thái mà Trái đất có thể tái tạo trong năm đó. Mỗi năm, trái đất chỉ tạo ra một lượng tài nguyên hữu hạn. Nhưng với những thói quen tiêu thụ không bền vững của con người, Ngày Trái đất quá tải đã đến ngày càng sớm hơn mỗi năm: Năm 1980 rơi vào ngày 4/11, năm 2000 là ngày 22/9, năm 2010 là ngày 6/8, năm 2019 là 26/7. Năm nay, Ngày Trái đất quá tải sẽ rơi vào ngày 29/7, tức là chỉ trong vòng 7 tháng, chúng ta đã tiêu hết toàn bộ "ngân sách" tài nguyên của cả năm. Điều đó có nghĩa, sau ngày này, chúng ta đang vay mượn nguồn tài nguyên của thế hệ tương lai.

Ngày Trái đất quá tải: Chống dịch nhưng  đừng bỏ lại các vấn đề môi trường phía sau - Ảnh 1.

Rác thải từ trên nhìn xuống.

"Nhiều người nghĩ rằng, các đợt phong tỏa trên toàn cầu trong đại dịch COVID-19 chắc hẳn đã làm giảm tải gánh nặng lên môi trường. Điều đó đã tạm thời đúng trong năm 2020, khi Ngày Trái đất quá tải đã đến chậm hơn năm 2019 hơn 3 tuần, rơi vào ngày 22/8. Nhưng sau đó, khi các quốc gia dần khôi phục các hoạt động kinh tế thì tới đầu tháng 4 năm nay, nồng độ CO2 trong bầu khí quyển đạt mức kỷ lục 421,36 ppm (phần triệu), cao nhất trong suốt 23 triệu năm qua. Tình trạng này kết hợp với sự suy thoái của các hệ sinh thái rừng đã làm cho Ngày Trái đất quá tải năm nay lại bị đẩy lên ngày 29/7", bà Hoàng Thị Minh Hồng, Sáng lập và Giám đốc của CHANGE giải thích về lý do CHANGE phát động chiến dịch này. "Hiện nay ở Việt Nam, việc chống dịch là quan trọng nhất. Nhưng tôi cũng tin, chúng ta vẫn có thể làm được những hành động đơn giản trong đời sống hàng ngày để giảm áp lực lên môi trường vì khi môi trường bị phá huỷ, chính sức khỏe con người và kinh tế địa phương sẽ bị ảnh hưởng trước tiên".

Các chiến dịch Earth Overshoot Day đã được phát động ở nhiều quốc gia trên toàn cầu nhiều năm qua nhưng năm nay là năm đầu tiên CHANGE chính thức phát động chiến dịch và kêu gọi sự tham gia hành động của cộng đồng tại Việt Nam. Với mong muốn đưa thông tin về Ngày Trái đất quá tải đến nhiều hơn với công chúng, CHANGE sẽ giới thiệu đến cộng đồng website bằng tiếng Việt https://quatairoi.org. Tại đây, mọi người sẽ được hiểu tường tận về "Ngày Trái đất quá tải", biết rõ hơn về các nguồn tài nguyên mà trái đất đã tạo ra và "cống hiến miễn phí" cho nhân loại mỗi năm. Nhưng quan trọng hơn, website đưa ra các giải pháp mà mỗi cá nhân có thể làm để giúp "hoãn ngày quá tải", như: Ăn lành sống xanh, tiêu dùng bền vững và tiết kiệm năng lượng. Mỗi cá nhân có thể đăng ký tham gia phần hành động trong 30 ngày tiếp theo, nhằm giảm tác động lên môi trường, giúp làm chậm lại ngày quá tải trong những năm sau, thông qua lựa chọn các mục tiêu và thay đổi hành vi cụ thể.

Bên cạnh website, CHANGE cũng sẽ thực hiện một loạt hoạt động truyền thông trên mạng xã hội trong Ngày Trái đất quá tải 2021, với mong muốn nâng cao nhận thức, "cảnh tỉnh" mọi người về sự hữu hạn của các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên Trái Đất. CHANGE hy vọng cộng đồng sẽ hiểu, bảo vệ môi trường thực chất cũng là bảo vệ sức khỏe của chính mình, đặc biệt là trong bối cảnh các báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, Quỹ Môi trường Liên hiệp quốc đều đã chỉ rõ mối liên hệ giữa các đại dịch và tình trạng tàn phá thiên nhiên, từ đó kêu gọi cộng đồng sống thân thiện với môi trường để phòng ngừa các đại dịch trong tương lai. Tuy là một vấn đề vĩ mô nhưng khi mỗi cá nhân có thể thay đổi thói quen tiêu dùng của mình, chung tay hành động giảm thiểu tác động lên Trái đất, chúng ta có thể góp phần đưa Ngày quá tải của những năm tiếp theo lùi xa hơn.

Ngày Trái đất quá tải: Chống dịch nhưng  đừng bỏ lại các vấn đề môi trường phía sau - Ảnh 2.

Rác thải ven các bờ biển.

CHANGE trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) là tổ chức phi chính phủ Việt Nam với sứ mệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và phát triển năng lực cộng đồng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, bảo vệ động vật hoang dã, phát triển bền vững, giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.

TRẦN HIỀN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh