Ngày Tết, đừng say!: Cách 'phòng thủ' tác hại của rượu bia
- Sức khỏe
- 17:34 - 05/02/2019
Bia rượu vẫn là thú vui và cũng là nỗi ám ảnh ngày những Tết. ẢNH: NGỌC THẮNG
Rượu vào… mệt thêm
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Bay, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (ĐHYD) cho biết, làm rõ cơ chế tác động của bia rượu đối với cơ thể con người: Khi uống vào, bia rượu được hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa. Khoảng 30 phút, rượu đạt nồng độ tối đa trong máu.
Sau khi hấp thu, bia rượu sẽ được phân phối nhanh vào các tổ chức và dịch của cơ thể. Trên 90% bia rượu được ô xy hóa ở gan, phần còn lại được thải trừ qua phổi và thận.
Bia rượu có khả năng làm cho cơ thể mất nước. Điều này dẫn đến tình trạng đau đầu, khô miệng và đưa con người vào trạng thái mệt mỏi, choáng váng, hôn mê, ngủ lịm sau khi say xỉn.
Bên cạnh đó, sau khi đi vào cơ thể, rượu sẽ được một chuyển hóa thành acetaldehyde. Đây là một chất gây ung thư ở người và đã được chứng minh là có khả năng gây tổn hại đến ADN. Hậu quả có thể đưa đến có xu hướng mắc bệnh Alzheimer, các vấn đề về nội tạng, ung thư gan hoặc ung thư đường tiêu hóa trên.
Rượu cũng có tác dụng ức chế thần kinh trung ương, phụ thuộc vào nồng độ rượu trong máu. Ở nồng độ thấp rượu có thể an thần, làm giảm lo âu. Với nồng độ cao hơn có thể gây rối loạn tâm thần, mất điều hòa, không tự chủ được hành động và có thể bị hôn mê, ức chế hô hấp,... Nguy hiểm đến tính mạng khi nồng độ rượu trong máu quá cao.
Uống rượu sao để ít tác hại
“Cách tốt nhất để giảm tác hại của rượu bia là hạn chế uống”, bác sĩ Bay khuyên. Tuy nhiên, trong trường hợp phải nâng ly thì cần lưu ý:
Không nên uống bia rượu khi bụng đói:
Nên ăn một chút thực phẩm giúp cồn không bị hấp thụ nhanh, đồng thời làm giảm acetaldehyde.
Bác sĩ Bay cho biết, ăn thực phẩm rán, chiên có thể giúp bề mặt dạ dày và ruột được “tráng” một lớp dầu, nhằm giảm lượng cồn hấp thu vào máu qua niêm mạc.
Ngoài ra, ăn lòng trắng trứng gà hoặc trứng vịt cũng có ích trong việc giảm tác dụng của rượu bia.
“Chất albumin của lòng trắng trứng sẽ làm kết tủa cồn trong rượu, giảm lượng cồn hấp thu vào máu, bảo vệ niêm mạc dạ dày trước tác động kích thích, xung huyết, loét… của lượng cồn có trong rượu”, bác sĩ Bay phân tích.
Trước khi uống rượu bia:
Nên uống một ly sữa, ăn một chút trái cây hoặc uống một muỗng canh dầu ô liu.
Nên uống 2 viên 50 mg vitamin B6, kèm theo một viên vitamin B1 để làm bớt say hơn một nửa.
“Lưu ý vitamin B6 không nên dùng thường xuyên vì có thể gây biến chứng không tốt”, bác sĩ Bay cảnh báo.
Nên uống nhiều nước khi uống rượu bia. SHUTTERSTOCK
Khi đang uống rượu
Uống từ từ: Một lượng cồn lớn bất ngờ "đổ bộ" vào cơ thể trong thời gian ngắn có thể gây tác động nhanh, mạnh tới não bộ, dẫn tới choáng và nhanh say hơn. Nạp rượu bia ồ ạt cũng sẽ khiến các cơ quan làm chức năng thanh lọc trong cơ thể quá tải và tổn hại, dẫn đến sốc, ngộ độc.
Uống thật nhiều nước: Nước giúp phá vỡ cấu trúc cồn mà tạo ra axit lactic và các loại hóa chất khác gây cản trở sản xuất đường và chất điện phân (electrolyte) trong cơ thể.
“Tuy nhiên, sau khi uống rượu nên tránh các loại nước có chứa caffeine (cà phê và trà). Chúng có thể làm bạn tiêu chảy và ngạt mũi, tăng hiệu ứng say xỉn khi kết hợp với cồn”, bác sĩ Bay lưu ý.
Đặc biệt, không nên uống các loại rượu pha với nước có ga như bia, champagne, rượu mạnh pha với soda hay các loại nước ngọt có ga khác.
Không uống rượu với nước ngọt: Rượu có độ cồn khi gặp ga của nước ngọt sẽ làm cho cồn nhanh chóng lan tỏa khắp toàn thân, đồng thời sản sinh ra đại lượng CO2 gây nguy hại cho gan, thận và dạ dày, đường ruột.
“Khi mệt mỏi thì đừng nên uống bia rượu vì bia rượu ngấm càng nhanh càng mạnh hơn nếu cơ thể bạn mệt mỏi. Mệt mỏi sẽ dẫn đến lượng cồn trong máu cao hơn bình thường và chức năng gan suy giảm. Hơn nữa, rượu bia còn gây ra trầm cảm khi sử dụng lúc mệt mỏi”, bác sĩ Bay khuyến cáo.