CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:26

Ngày Quốc tế điều dưỡng "Thiên thần trong bệnh viện"

Ngày Quốc tế điều dưỡng "Thiên thần trong bệnh viện" - Ảnh 1.

Nghề điều dưỡng huấn luyện cho người ta trước nhất là khả năng chịu đựng, tính kiên nhẫn và cẩn thận.

Florence Nightingale (1820 - 1910) sinh ra trong một gia đình giàu có ở Ý và có liên hệ cao cấp trong chính phủ Anh quốc. Do đó mà bà bị cấm không cho đi làm những nghề nghèo hèn như nghề y tá lúc bấy giờ. Tuy nhiên, từ nhỏ bà đã thể hiện thiện tình và hoài bão được giúp đỡ người nghèo. Năm 1847, bà vào học và làm việc tại một bệnh viện ở Đức.

Dù gặp nhiều trở ngại về quan điểm xã hội và gia đình đối với nữ giới khi tham gia học về y tế và làm việc tại bệnh viện. Năm 1853, bà học thêm ở Paris (Pháp) sau đó trở lại London và điều hành một bệnh viện. Năm 30 tuổi, bà điều hành và tổ chức chăm sóc sức khỏe cho những người nghèo khổ tại London. Trong vòng 2 năm, bà đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo uy tín tại các bệnh viện nước Anh.

Florence Nightingale – người mẹ tinh thần cao cả của ngành điều dưỡng thế giới

Chia sẻ với phóng viên, Th.S, BS Nguyễn Nam Anh cho biết: Cách đây 160 năm, trường đào tạo điều dưỡng đầu tiên tại Luân Đôn mang tên Nightingale, đây cũng có thể gọi là trường đào tạo điều dưỡng đầu tiên trên thế giới được thành lập.

Ngày Quốc tế điều dưỡng "Thiên thần trong bệnh viện" - Ảnh 2.

Ngọn đèn thấp thoáng trong đêm đi từ phòng bệnh này sang phòng bệnh khác để thăm hỏi những người lính chiến trường. Ảnh: Internet

"Bên cạnh đó, bà Florence Nightingale còn thông thạo nhiều ngoại ngữ, sinh ra trong một gia đình giàu có và gia thế nhưng quyết tâm lựa chọn một ngành nghề bị xem nhẹ và chỉ dành cho tầng lớp thấp của xã hội: nghề y tá. Bà đã dồn hết nhiệt huyết, sức lực của mình vào việc giúp đỡ người bệnh, cải thiện điều kiện vệ sinh trong các cơ sở y tế và trở thành một người tư vấn, một nhà giáo dục về ngành điều dưỡng.

Florence Nightingale còn được tưởng nhớ và truyền cảm hứng mạnh mẽ với hình ảnh hình ảnh người phụ nữ mảnh mai, trên tay luôn là cây đèn âm thầm lặng lẽ đi chăm sóc bệnh nhân trong chiến tranh. Bà được ví như "thiên thần trong bệnh viện", "tiên nữ cho thuốc", "Nữ công tước với cây đèn" đã giúp đỡ và cứu sống bao nhiêu mạng người thời bấy giờ", BS Nguyễn Nam Anh cho biết thêm.

Những ngọn đèn không tắt

Từ tấm lòng yêu thương con người và ngọn đèn thấp thoáng trong đêm đi từ phòng bệnh này sang phòng bệnh khác để thăm hỏi những người lính chiến trường, bà Florence Nightingale đã mở ra một nghề cao đẹp: nghề điều dưỡng.

Qua đó, trong ngày 12/5, các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh tại Việt Nam cũng như trên thế giới tổ chức lễ kỷ niệm cũng như qua cuộc thi viết "Tôi tự hào là Người Điều dưỡng", rất nhiều những tâm tư, tình cảm xúc động của người điều dưỡng đã được chia sẻ và mang đến sự rung động mạnh mẽ với những người đang gắn bó với nghề.

Ngày Quốc tế điều dưỡng "Thiên thần trong bệnh viện" - Ảnh 3.

Lễ rước đèn nhằm tưởng nhớ đến bà Florence Nightingale.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có những người không chọn điều dưỡng là công việc ước mơ của mình, mà thay vào đó, họ từng mơ được làm cô giáo, nhân viên văn phòng, bác sĩ, kiến trúc sư…. Thế nhưng, cuộc đời đưa đẩy, họ lại chọn cái nghề "thương người như thể thương thân", đầy vất vả, cực nhọc nhưng không phải ai cũng hiểu.

"Nghề điều dưỡng huấn luyện cho người ta trước nhất là khả năng chịu đựng, tính kiên nhẫn và cẩn thận. Tôi còn nhớ ngày đi học cố gắng vừa theo bài giảng, vừa đi thực tập học hỏi các thầy cô. Rồi đi làm, những ca thay bằng những vết thương lớn, những chỗ lở loét hẳn khiến không ít người thường e ngại. Chính tôi ban đầu cũng cảm thấy rất mệt mỏi khi thực hiện những thủ thuật ấy. Nhưng mình khó chịu 1 thì bệnh nhân họ đau gấp 10. Làm sao để giúp họ bớt đau đớn nhưng vẫn đảm bảo thời gian vì còn biết bao nhiêu bệnh nhân đang chờ mình tiêm thuốc, những sổ sách phải ghi lại. Tôi nghĩ đơn giản, phải chịu khó một chút... Dần dần qua những việc hằng ngày ấy mà tôi kiên nhẫn hơn một chút, bình tĩnh hơn một chút, trân trọng hơn một chút", Điều dưỡng Từ Thị Phước Hiếu chia sẻ.

Tự hào "tôi là điều dưỡng viên"

Cũng theo chị Phước Hiếu, có những bệnh nhân vừa thương vừa giận. Họ đơn giản xuề xòa quá, những cái lối chăm sóc cơ bản mà họ cũng không biết. Cũng không trách được, vì họ không được chỉ dẫn. Có những bệnh nhân vô gia cư, những đứa trẻ bị bỏ rơi. "Chúng tôi không những chăm sóc vết thương mà còn tắm rửa sạch sẽ giúp họ mau hồi phục", điều dưỡng Phước Hiếu, nói thêm.

Đối diện với công việc đầy áp lực, "làm dâu trăm họ", có khi không có thời gian để nghỉ ngơi, ăn uống, luôn luôn vội vã chân tay lại phải nhẫn nại, kiên trì, bao dung với người bệnh, chịu đựng bao hỉ nộ ái ố từ người bệnh, những người điều dưỡng luôn tìm cách vượt qua khó khăn và trụ lại với nghề.

Điều dưỡng Đặng Thị Thu Thảo, Khoa Khám bệnh chia sẻ với phóng viên: "Rất nhiều người hỏi tôi câu này, nghề điều dưỡng vất vả đến thế sao tôi lại lựa chọn. Tôi chỉ mỉm cười, bởi trong số chúng ta bất kỳ ai cũng lựa chọn riêng cho mình, hơn hết lựa chọn ngành nghề xuất phát từ niềm đam mê và sự cống hiến còn cần có cả sự rung động của trái tim và một chút nhân duyên đưa đẩy… Nhìn bệnh nhân đau đớn tôi thấy khóe mắt mình cay cay vì họ trạc tuổi bố mẹ tôi, rất lam lũ và cực khổ. Có niềm vui, niềm hạnh phúc nào lớn hơn khi được nhìn thấy bệnh nhân mà chính mình chăm sóc khỏe hơn từng giờ, từng phút, vui hơn mỗi ngày, tin yêu hơn mỗi ngày. Giờ đây tôi cảm nhận được ý nghĩa công việc của mình, đó là một công việc thật sự cao cả".

"Sẽ có những người chọn nghề vì kinh tế, người vì đam mê. Lúc đầu tôi vốn không hiểu hết công việc của mình, trải qua nhiều năm với nghề, đồng cảm sâu sắc thêm nhiều. Đến bây giờ nếu ai đó hỏi tôi: Bạn làm nghề gì? Tôi có thể tự hào trả lời rằng: tôi là điều dưỡng", Lý Thị Hồng Phương Khoa Phẫu thuật – Gây mê hồi sức bệnh viện quốc tế Minh An tự hào chia sẻ.

Yên Vũ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh