THỨ SÁU, NGÀY 08 THÁNG 11 NĂM 2024 08:00

Ngày Phật Đản là lễ hội văn hóa tâm linh thế giới và hòa bình của nhân loại

 

Hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng tư, hầu hết những nước có Phật giáo và các phật tử long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Phật đản (ngày Đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật ra đời). Nhân dịp này, Báo LĐ&XH đã có cuộc phỏng vấn Đại đức Thích Phước Ngọc, Ủy viên Ban Hoằng Pháp Trung ương Hội Phật giáo Việt Nam– Trụ trì chùa Phước Quang (Vĩnh Long) về  Đại lễ Phật Đản Vesak năm 2016. 

Đại Đức Thích Phước Ngọc

Thưa Đại đức Thích Phước Ngọc, từ năm 1999, Lễ Phật đản vào 15/4 âm lịch đã được Liên hợp quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tâm linh thế giới. Xin Đại đức cho biết ý nghĩa của ngày Lễ Phật đản? 

Cách đây hơn 2500 năm, Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật ra đời tại lưu vực sông Hằng, cội nguồn của nền văn minh Ấn Độ. Trải qua quá trình tu tập, hoằng pháp và độ sinh, đức Phật đã để lại cho nhân loại một hệ thống tư tưởng giáo lý vô giá về trí tuệ, lòng từ bi, tình yêu thương, tinh thần bất bạo động, bình đẳng, hoà hợp và phát triển. Với ý nghĩa thiết thực đó, năm 1999 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết công nhận ngày Vesak (tiếng Việt gọi là Lễ Tam Hợp: ngày Đức Phật đản sinh, thành đạo và nhập Niết Bàn) là Lễ Hội văn hóa tâm linh thế giới và hòa bình của nhân loại. Cho nên nói một cách chính xác, thì ta nên gọi là “Mùa Phật Đản” chứ không là “Ngày Phật Đản”. Theo thông lệ, hằng năm cứ đến ngày Rằm tháng tư, hầu hết những nước có Phật giáo và các phật tử long trọng tổ chức kỷ niệm ngày Phật đản tức ngày Đức Phật ra đời. Vào ngày lễ, Phật tử thường vinh danh Tam bảo, ăn chay, làm việc từ thiện, nỗ lực mang hạnh phúc và chia sẻ khó khăn cho những người bất hạnh

Ngày Lễ Phật đản có ý nghĩa như thế nào đối với đời sống văn hóa hiện nay của người Việt? 

Những giáo lý thiết thực được đúc kết chính từ sự thực nghiệm tu tập của Đức Phật từ lúc đản sanh, thành đạo đến nhập diệt trải qua hằng hà thế kỷ vẫn còn vẹn nguyên những giá trị  có thể định hướng cho những nỗ lực giải quyết các vấn đề nghiêm trọng mà toàn thể nhân loại nói chung và người Việt Nam nói riêng đang phải đối mặt trong thế giới ngày nay như nạn đói, phân biệt chủng tộc, chiến tranh, môi trường, v.v… Văn hóa tâm linh của người Việt chúng ta vốn ưa chuộng sự gần gũi, dịu dàng, bình yên. Đạo Phật với gốc Từ bi đã được chúng ta tiếp nhận một cách hết sức tự nhiên, như một đứa trẻ tiếp nhận dòng sữa mẹ. Giáo lý Phật càng như một dòng nước, lúc dẹp, lúc bầu, lúc xuông thẳng…. nhưng đều đổ ra biển cả mênh mông. Lấy “vô tâm” mà dẫn “hữu tình”. Lấy trí tuệ Bát Nhã mà hành hạnh Từ Bi. Do đó, dù ở thời đại nào, trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt Nam đều cần được hiểu đúng nghĩa về giáo lý Phật, hiểu đúng giá trị nguyên thủy, thì sẽ có sự ứng dụng linh hoạt, hiệu quả trong thời đại này. Những năm gần đây, ngày Phật Đản được coi là một ngày lễ hội quan trọng, thu hút sự tham gia không chỉ của Phật tử mà còn là của người dân trên mọi miền của cả nước, với nhiều hoạt động phong phú mừng sự ra đời của Đức Phật cùng nhiều hoạt động từ thiện khác. 

Vào dịp này chùa Phước Quang có những hoạt động gì để kỷ niệm lần thứ 2640 ngày Phật đản và 35 năm ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thưa Đại đức?

 Hòa chung khí hội của những người con Phật trên khắp năm châu, các chùa chiền tự viện ở Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội PGVN, đều đang hân hoan chuẩn bị một mùa Phật Đản tiết kiệm – an toàn – viên dung cả về hình thức lẫn nội dung cuộc lễ. Chùa Phước Quang cũng như một đóa sen nhỏ trong vườn ao Phật Giáo Việt Nam, đã có những Phật sự - từ thiện thiết thực nhân mùa đại lễ ý nghĩa này, như vừa hưởng ứng lời kêu gọi của Sở LĐ-TB&XH tỉnh trao 500 phần quà cho hộ nghèo tại xã Hòa Phú. Trước đó, chúng tôi đến thăm, nói chuyện và tặng  nhu yếu phẩm cho các can phạm nhân tại trại tạm giam thuộc Công An Tỉnh Vĩnh Long và đóng góp cho quỹ phúc lợi xã hội của Công An tỉnh phục vụ nhu cầu chăm lo nâng cao đời sống cho các can phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật. Và một niềm hoan hỷ cũng không kém phần ý nghĩa thể hiện tinh thần kế thừa và phát huy trong việc kiến tạo và hộ pháp Tam Bảo, chùa Phước Quang- Trung tâm cô nhi viện Phật giáo Suối Nguồn Tình Thương nhân mùa Phật Đản 2560 lần này, chúng tôi sẽ được đón nhận kỷ lục cho Tôn Tượng Phật Mẫu Chuẩn Đề Vương Bồ Tát lớn nhất Việt Nam, do Tổ chức kỷ lục Việt Nam Vietkings xác lập và vinh dự được đón nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hai sự kiện này cũng nằm trong chuỗi hoạt động chào mừng Phật đản, kỷ niệm 35 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như hướng tới ngày hội của toàn dân tham gia bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.

 Sau gần 25 năm đến với Phật pháp, điều Đại đức muốn gửi gắm đến Phật tử là gì, nhất là trong ngày Phật Đản?

 “Một tấm lòng son đi vạn dặm

 Nghĩa cử “từ bi” thắng vạn lời

Phật Pháp chẳng tại trong câu chữ

Quý ở con tim với thế nhân”

Lời gửi gắm thứ nhất của tôi là Đạo Phật là thực hành, không là lý thuyết vọng tưởng hay chờ đợi sự ban ơn. Tình thương là điều tối trọng của Đạo Phật và đó là hành động thương yêu vạn loài chúng sinh chứ không là lời nói xuông.

 “Xin nhắn nhủ người với thiện tâm

Nhân – Quả đời nay đến rất nhanh

Tuần hoàn quy luật vay rồi trả

Hãy mau thức tỉnh chớ mê lầm”

Lời gửi gắm cuối cùng của tôi dành cho những người hữu duyên là chỉ cần bạn sống và tin vào luật Nhân – Quả thì đơn giản bạn là người con của Phật đúng nghĩa. Xin cảm ơn quý báo đã tạo duyên cho tôi có buổi trao đổi thâm tình đạo vị trong dịp lễ Phật Đản 2560 . Xin chúc nguyện tất cả vạn sự lành như nguyện!

Xin cảm ơn Đại đức đã trả lời phỏng vấn và chúc Đại đức nhiều sức khỏe!  

Đinh Hoa/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh