THỨ NĂM, NGÀY 19 THÁNG 09 NĂM 2024 10:51

Ngày hội non sông nơi “chân trời” Tổ quốc

Kiểm tra hòm phiếu tại đảo Song Tử Tây.                         Ảnh: Đ.Quân

Nô nức đi bầu

Được phép của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, đúng 7 giờ sáng 15/5, cán bộ chiến sĩ Hải quân ở 21 đảo, điểm đảo, nhân dân, người lao động và ngư dân đang khai thác đánh bắt ở khu vực biển, đảo Trường Sa đã nô nức đi bầu cử Đại biểu Quốc hội Khóa XIV và đại biểu HDND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 trong niềm tự hào vinh dự.

Tại đảo Trường Sa Lớn, sau nghi thức chào cờ Tổ quốc dưới cột mốc chủ quyền, cuộc bầu cử chính thức bắt đầu. Hàng trăm cán bộ chiến sĩ ở các phân đội hỏa lực, cơ động chiến đấu, tiểu đoàn bộ, thầy cô giáo và nhân dân trên đảo với trang phục chỉnh tề tiến đến bàn làm thủ tục bầu cử, thực hiện quyền công dân của mình. Từ đảo Trường Sa Lớn, trung tá Nguyễn Văn Tuấn, Chính trị viên cho biết qua điện thoại: “Ngay từ sáng sớm cán bộ chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã nô nức đi bầu cử. Công tác tuyên truyền trước, trong và sau bầu cử ở đảo tiến hành khá chu đáo. Số chiến sĩ trẻ lần đầu tiên bầu cử khá đông. Đến 2 giờ chiều 15/5, 100% cán bộ chiến sĩ, người lao động trên đảo Trường Sa Lớn đã thực hiện xong quyền bầu cử của mình. Số bà con ngư dân đang khai thác đánh bắt hải sản quanh đảo Trường Sa Lớn cũng được bộ đội thông báo, đón vào đảo bầu cử. Chúng tôi tiếp tục tổ chức đón các ngư dân, cử tri vãng lai vào bầu cử theo đúng luật định”.

Cán bộ chiến sĩ đảo Nam Yết nô nức đi bầu cử.               Ảnh: Đ.Quân

Trong thời gian này, tại đảo Song Tử Tây, đúng 7 giờ sáng, lá phiếu đầu tiên được đại tá Phan Tuấn Hùng, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng 4, Quân chủng hải quân bỏ vào hòm phiếu. Sau đó lần lượt đến cán bộ, chiến sĩ, nhân dân và ngư dân. Trên khuôn mặt tất cả mọi người đều háo hức, vui tươi thể hiện quyền công dân của mình.

Cũng thời điểm này, đông đảo cán bộ chiến sĩ, nhân dân đang sinh sống trên đảo và bà con ngư dân đang khai thác đánh bắt ở quanh các đảo Sinh Tồn, Sơn Ca, Nam Yết và các đảo chìm như: Cô Lin, Đá Lát, Đá Lớn, Đá Tây đều đồng loạt đi bầu cử. Tất cả đều có chung một tâm trạng náo nức thể hiện quyền công dân của mình để bầu ra người có đức, có tài cho đất nước. Chị Nhữ Thị Kim Chi, 26 tuổi, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Song Tử chia sẻ qua điện thoại: Niềm vui như được nhân đôi. Giữa biển trời của Tổ quốc, mặc dù xa đất liền, song vẫn được thực hiện quyền bầu cử của mình, tôi thực sự xúc động. Tôi vừa là cử tri, vừa là ứng cử viên của HĐND xã. Nếu trúng cử, tôi sẽ đem hết tinh thần, trách nhiệm để xây dựng phong trào phụ nữ của xã đảo theo tinh thần “hai mạnh, năm không, ba sạch”.

Cán bộ chiến sĩ Hải đoàn 129 hải quân đi bầu cử sớm. Ảnh: Mạnh Tuấn

Trách nhiệm với Tổ quốc

Trong dòng cử tri đi bầu cử ngày 15/5 tại Trường Sa, mỗi người có một cung bậc, cảm xúc khác nhau. Người thì tự hào hãnh diện vì giữa biển xa, đảo vắng vẫn được thực hiện quyền công dân của mình một cách trọn vẹn; nhiều chiến sĩ trẻ thì cảm thấy mình đã trưởng thành vì lần đầu tiên cầm phiếu đi bầu; có ngư dân thì thấy phấn khởi vì lần đầu được đặt chân trên đảo Trường Sa, lần đầu được thể hiện quyền công dân của mình giữa tiền tiêu Tổ quốc. Song tất cả có một ước vọng là những người được bầu vào Đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp lần này phải tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất đạo đức, lối sống; nêu cao trách nhiệm; sẵn sàng hi sinh vì cộng đồng.

Lần đầu tiên cầm lá phiếu bầu, chiến sĩ Lê Thành Long, đảo Song Tử Tây, cẩn thận đọc kỹ một lượt danh sách các ứng viên trước khi đặt bút bầu. Long chia sẻ: “Điều mong mỏi nhất của tôi là bầu được người có đức, có tài cho đất nước, quan tâm nhiều hơn với bộ đội Trường Sa, để chúng tôi yên tâm cầm súng chiến đấu bảo vệ đảo trong mọi tình huống”. Chiến sĩ Phạm Văn Sơn đang thực hiện nhiệm vụ trên đảo Trường Sa Lớn cho biết: “Tôi đã từng tham gia bầu cử trong đất liền, nhưng tâm trạng bầu cử ở Trường Sa thật hãnh diện. Trước cờ Tổ quốc, trên là bầu trời rộng lớn, dưới là đất mẹ, xung quanh là biển cả bao la, cầm lá phiếu trên tay thấy lòng mình kiêu hãnh. Chẳng biết nói gì hơn, xin cảm ơn Đảng, Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Hải quân đã giáo dục, rèn luyện tôi trưởng thành. Là chiến sĩ Trường Sa, tôi nguyện ra sức phấn đấu, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Bầu cử ở đảo Song Tử Tây.                                      Ảnh: Đ.Quân

Là người “đứng mũi chịu sào” về công tác truyền lửa tình yêu Tổ quốc cho cán bộ, chiến sĩ đảo Sinh Tồn, chính trị viên, thượng tá Phạm Văn Trọng cho biết: “Chúng tôi xác định bầu cử lần này là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của đảo. Quân dân xã đảo Sinh Tồn ngay từ sáng sớm đã náo nức đi bầu. Quân và dân ở đảo Sinh Tồn đều coi đây là ngày hội của toàn xã đảo. Dù điều kiện cơ sở vật chất ngoài đảo còn nhiều khó khăn, nhưng mọi công tác chuẩn bị cho ngày bầu cử đã diễn ra theo đúng luật định. Phải nói chân thành, cầm lá phiếu đi bầu ở biển cả, tâm trạng rất lạ. Cảm giác yêu Tổ quốc đến vô cùng”. Thượng tá Nguyễn Mạnh Hồng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết, chấp hành các chỉ đạo của cấp trên, Đảng ủy, UBND, HĐND xã đảo đã quán triệt sâu sắc với cử tri về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, tiến hành theo đúng các bước như hội nghị hiệp thương lựa chọn đề cử, ứng cử, chuẩn bị nhân sự, thành lập tổ bầu cử. 100% cử tri đã hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của cuộc bầu cử, từ đó xây dựng động cơ chính trị đúng đắn, lựa chọn được những đại biểu Quốc hội và HĐND ưu tú nhất phục vụ đất nước.

Mặc dù đã có 3 lần được bầu cử ở Trường Sa, nhưng đối với cử tri Nguyễn Thành Trung, hộ dân số 2 trên đảo Song Tử Tây, lần nào anh cũng thấy rất vinh dự và tự hào khi được thực hiện quyền công dân của mình tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Anh Trung mong muốn bầu được những người lãnh đạo đủ đức, đủ tài để đất nước ngày càng đi lên, phát triển giàu mạnh, để mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân.

Lá phiếu cầu an

Hòa cùng niềm vui ngày hội lớn của quân, dân Trường Sa trong ngày bầu cử, sư trụ trì ở các chùa Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây ngoài thực hiện nghĩa vụ quyền công dân của mình, nhà chùa còn có một nghĩa vụ thiêng liêng khác, đó là cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, biển đảo bình yên, người người hướng thiện.

4 giờ 30 phút sáng 15/5, như thường lệ, tiếng chuông chùa ngân vang báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Sau nghi thức thỉnh chuông cúng chùa buổi sớm, các nhà sư chọn bộ nâu sòng mới nhất đi bầu cử. Trước khi thực hiện quyền nghĩa vụ công dân của mình, giữa biển trời Tổ quốc, bên chánh điện linh thiêng, các sư trụ trì thắp hương cầu mong quốc thái dân an, Trường Sa mãi mãi yên bình, thế giới không có chiến tranh, hòa bình vĩnh cửu. Từ chùa Sinh Tồn, đại đức Thích Minh Huy chia sẻ: “Ngoài thực hiện nghĩa vụ công dân, đối với nhà chùa đây còn là lá phiếu cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, Trường Sa yên bình mãi mãi. Trường Sa là của Việt Nam, một đất nước có chủ quyền thì việc cầu an cho Tổ quốc là lẽ tự nhiên. Là công dân của Tổ quốc, ngoài việc tu thiền theo thiện nguyện của chùa, mỗi nhà sư trên đảo là một chiến sĩ. Bên chánh điện, là tu hành cầu an, cầu phước, trước quân thù là một chiến sĩ cầm súng và sẵn sàng hi sinh”.

Trường Sa bây giờ là mùa biển lặng. Mỗi sớm bình minh, khi hoàng hôn buông xuống, biển Trường Sa trải dài như một tấm gương phẳng lặng, lãng mạn đến lạ kỳ. Ở nơi “chân trời” Tổ quốc ấy, đối với cán bộ chiến sĩ Hải quân, ngoài nhiệm vụ vững tay súng canh trời giữ đảo, họ còn tự hào hơn bởi là những cử tri được thực hiện quyền công dân của mình sớm hơn 1 tuần so với trong đất liền. Còn nhân dân, người lao động, ngư dân đang làm ăn sinh sống, mưu sinh tại đây, họ càng hãnh diện, tự hào. Thầm biết ơn Đảng và Nhà nước đã có những quyết sách đúng đắn để họ được làm ăn mưu sinh trên biển. Ở giữa đại dương bao la tít tắp, họ vẫn được thực hiện quyền công dân một cách trọn vẹn. Đó là  niềm hạnh phúc nhất của mỗi công dân Việt Nam, dù làm nghề gì, chức vụ cao hay thấp; dù công tác ở đâu, biển xa, đảo vắng hay lênh đênh trên những ghe thuyền, đến ngày hội non sông đều chung một tấm lòng hướng về Tổ quốc.

“Huyện Trường Sa có 6 đơn vị bầu cử với 24 khu vực bỏ phiếu, trong đó có 3 đơn vị bầu cử ngoài đảo là thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn với 21 khu vực bỏ phiếu. Từ 5 giờ sáng, không khí bầu cử đã náo nức. Cán bộ chiến sĩ Trường Sa đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bầu cử và tiếp tục đón các ngư dân đang khai thác đánh bắt hải sản trên các vùng biển bầu cử đúng luật định”, ông Hoàng Phước Sơn, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận thị trấn Trường Sa cho biết.

TRẦN MẠNH TUẤN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh