CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:43

Ngày độc lập và những thước phim “quý hơn vàng”

Hình ảnh ngày 2/9/1945: Bí ẩn về người cầm máy

Vào thời điểm năm 1945, điện ảnh cách mạng Việt Nam chưa thành lập. Tư liệu về thời kỳ này chủ yếu được khai thác qua lời kể của các nhân chứng, bản thu âm của đài phát thanh, ảnh, hồi ký... Còn phim thì tuyệt nhiên không có.

30 năm sau, ngày 2/9/1975, lần đầu tiên người Việt Nam được xem những thước phim về ngày 2/9/1945 thông qua bộ phim mang tên "Ngày độc lập 2/9/1945" do Xưởng phim Thời sự tài liệu Việt Nam thực hiện.

Trong bộ phim này, khoảng 6 phút phim tư liệu cho thấy hình ảnh duyệt binh ở quảng trường Ba Đình, hình ảnh nhân dân tham gia ngày lễ và đặc biệt là hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh trên lễ đài chuẩn bị đọc Tuyên ngôn độc lập.

Ngày độc lập và những thước phim “quý hơn vàng” - Ảnh 1.

Đoàn xe chở Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào vườn hoa Ba Đình. Ảnh tư liệu TTXVN

Thước phim được đánh giá là độc nhất vô nhị này do nhóm nhà làm phim gồm: Đạo diễn Phạm Kỳ Nam; quay phim Nguyễn Như Ái; biên kịch, nhà báo Hồng Hà đem từ châu Âu về. Được biết, năm 1974, đoàn làm phim đã được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ sang châu Âu làm bộ phim Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Khi sang Pháp, đoàn đã vào rất nhiều kho lưu trữ của điện ảnh Pháp, quân đội Pháp, các kho lưu trữ tư nhân để tìm nhưng không có. Khi ở Pháp, nhóm làm phim đã rất may mắn được trao tặng những hộp phim, trong đó có hình ảnh về ngày 2/9/1945. Tuy nhiên, họ không biết chủ nhân thực sự của những hộp phim là ai.

Sau khi đem phim về Việt Nam, đoàn làm phim đã chắt chiu hơn 6 phút phim vô giá đó, kết hợp với phim tư liệu và hình ảnh quay mới để tạo thành bộ phim "Ngày Độc lập 2/9/1945" dài chừng 30 phút. Những thước phim đen trắng quý giá ấy làm người xem xúc động với hình ảnh những đoàn người nô nức kéo về Quảng trường Ba Đình, nắm tay vung cao và hát vang bài "Diệt phát xít", cùng lời tuyên thệ Độc lập của quốc dân vang động quảng trường...

Sau này, trong một phóng sự mang tên "Đi tìm những tác giả của bộ phim Ngày độc lập 2/9/1945" của đạo diễn Nguyễn Như Vũ (con trai nhà quay phim Nguyễn Như Ái) phát sóng trong chương trình "Điện ảnh chiều thứ bảy" của VTV có hé lộ một số thông tin. Theo đó, ở cuối thước phim mà đoàn được tặng tại Pháp có ký tên người Việt Nam: Thu. Đó là một manh mối đáng giá.

Sau khi phóng sự phát sóng trên truyền hình, một người đàn ông tên là Tính, quê ở Lai Xá (Hoài Đức, Hà Nội - nơi có rất nhiều người làm nghề nhiếp ảnh) đến tìm tôi và cho biết ngày 2/9/1945, ông ấy đã đứng cạnh một người dùng máy quay phim quay bằng tay ghi lại khung cảnh ngày 2/9/1945. Ông Tính cho biết, người quay phim đó mặc áo dài khăn đóng Việt Nam.

Đạo diễn Nguyễn Như Vũ

Các đại biểu và quốc dân giơ tay tuyên thệ trong ngày 2/9/1945 lịch sử. Hàng triệu đồng bào đem theo cờ đỏ sao vàng có mặt tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội để chứng kiến thời khắc lịch sử của dân tộc. Ảnh tư liệu TTXVN

Ông Vũ cho biết, những người trong nghề đều nghiêng về giả thuyết người quay phim 2/9/1945 có thể là một người Việt. Bởi thời điểm đó, Chính phủ đã thuê hiệu ảnh Hương Ký (86 Hàng Trống, Hà Nội) ghi hình ngày 2/9/1945. Nhưng sau đó, ông Hương Ký thông báo không quay được vì sự cố máy móc.

Trải qua mấy chục năm, mặc dù rất nhiều giả thuyết được đưa ra và hầu hết những người liên quan đến bộ phim đều đã trở thành người thiên cổ nhưng cho đến nay, câu hỏi: "Ai là người thực hiện những cảnh quay quý giá bậc nhất về Ngày Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa" vẫn không thể có câu trả lời chính xác. Chỉ có thể khẳng định một điều chắc chắn rằng, cho dù có những bí mật ẩn sau 5 phút phim tư liệu đó, dù bao nhiêu lưu lạc đã trải qua thì cuối cùng, những thước phim quý giá ấy cũng đã tìm được đường về với đất nước Việt Nam; giúp các thế hệ người Việt hình dung được rõ hơn về thời khắc lịch sử trọng đại của dân tộc, khi Hồ Chủ Tịch đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Có nhiều giả thuyết cho rằng, hiệu ảnh Hương Ký đã thuê một người quay phim. Sau đó, những thước phim này lưu lạc ra nước ngoài, cho đến khi nó được trao lại cho Việt Nam. Tuy nhiên, giả thiết này lại vấp phải một câu hỏi: Vậy tại sao ông Hương Ký không giao lại cuốn phim ngay sau đó cho Ban tổ chức mà đem giấu đi? Không ai giải thích được lý do khiến giả thiết này vẫn mãi là một dấu chấm hỏi.

Bên cạnh đó, một giả thuyết khác cũng từng được đặt ra, đó là những thước phim được quay bởi một người Mỹ thuộc phái đoàn Mỹ đến Hà Nội dưới danh nghĩa Đồng minh liền sau Tổng khởi nghĩa của ta thắng lợi.

Bộ phim "Ngày lịch sử" từ những người bạn Nga

Ngày 2/9/2011, bộ phim "Ngày lịch sử" của các nhà làm phim Nga thực hiện đã được trình chiếu trên VTV. Đây là bộ phim nhựa màu, dài gần 25 phút với nhiều cảnh quay đẹp, diễn tả không khí lễ mít tinh, diễu binh, diễu hành tại Quảng trường Ba Đình ngày 1/1/1955 và toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phim có nhiều hình ảnh tư liệu về Hà Nội đỏ rực cờ hoa, cổng chào, biểu ngữ, hàng chục vạn người dân như nước chảy đổ về Quảng trường Ba Đình lịch sử, đón chào Chính phủ kháng chiến trở về ra mắt quần chúng Thủ đô và quốc dân đồng bào cả nước. Tiến sĩ Trần Hoàng, nguyên Cục trưởng Cục Văn thư lưu trữ Việt Nam là người đã phát hiện ra bản gốc phim hiện được lưu trữ tại Viện Lưu trữ phim ảnh Nhà nước Nga ở thành phố Krasnorsk. Ông đã trực tiếp xem và giúp Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội mua với giá 5.000 USD, được quyền sử dụng phim không hạn chế số lần phát sóng. Bộ phim này do Xưởng phim Tài liệu Trung ương Moscow sản xuất năm 1955 với sự cộng tác của Xưởng phim Việt Nam Moscow.

Ngày độc lập và những thước phim “quý hơn vàng” - Ảnh 6.

Chủ tịch Hồ Chí Minh bước xuống đài Lễ Độc lập sau khi đọc xong bản Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Điều thú vị ở bộ phim tài liệu này là ngoài các nhà làm phim Nga là: Đạo diễn Vladimir Echourine, nhà quay phim - kỹ sư thu thanh Cotov, âm nhạc do nhạc sĩ Ivanop biên soạn theo các bản nhạc Việt Nam còn có sự tham gia của Điện ảnh Việt Nam rất non trẻ; với 3 nhà quay phim Nguyễn Hồng Nghi, Nguyễn Tiến Lợi, Phan Nghiêm; và nhà văn Nguyễn Đình Thi là người viết và đọc lời bình.

Được biết, ngày 18/7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số 234B-SL tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho đạo diễn Vladimir Echourine và Huân chương Lao động hạng Nhì cho kỹ sư thu thanh và quay phim Cotov. Sau đó mãi tới năm 2011, kỷ niệm 66 năm Quốc khánh 2/9/1945, phim tài liệu "Ngày lịch sử" mới được phát sóng trên VTV.

Và cũng phải mất thêm 57 năm, tính từ năm 1955 và 67 năm sau ngày Quốc khánh 2/9/1945, công chúng Việt Nam qua VTV mới được xem "Lời khát vọng dân tộc" - phim tài liệu nhựa, màu cũng của đạo diễn người Nga Vladimir Echourine và các cộng sự làm. Phim khắc họa lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta với những bản Tuyên ngôn Độc lập từ "Nam quốc sơn hà" của Lý Thường Kiệt đến "Bình Ngô đại cáo" của Nguyễn Trãi và đặc biệt, khắc ghi hình ảnh bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc vào ngày đại lễ 2/9/1945, thể hiện khát vọng độc lập của dân tộc Việt Nam từ nghìn xưa cho đến nghìn sau.

NGUYỆT HÀ

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh