THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 08:48

Ngày 3/6, chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam giám sát lô vải xuất khẩu

Ngày 3/6, chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam giám sát lô vải xuất khẩu - Ảnh 1.

Chuyên gia Nhật sẽ giám sát việc xuất khẩu vải sang Nhật.

Theo quy định về phòng, chống dịch bệnh Covid-19, thời gian cách ly tối thiểu đối với người đến từ vùng dịch Covid-19 là 14 ngày. Tuy nhiên, để đảm bảo tính thời vụ, thời gian và khối lượng vải xuất khẩu không bị ảnh hưởng lớn (thời gian thu hoạch vải dự kiến chỉ kéo dài 1 tháng - trong tháng 6/2020), Bộ NN&PTNT đã có văn bản gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt: Không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn để trái vải của Việt Nam được phép xuất khẩu như yêu cầu của phía Nhật Bản.

Về phía Bộ NN&PTNT, sẽ phối hợp với UBND 2 tỉnh Bắc Giang và Hải Dương, Sở Y tế và Sở NN&PTNT của 2 địa phương này thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian các chuyên gia Kiểm dịch thực vật Nhật Bản làm việc tại hai tỉnh này theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Phòng chống dịch.

Trước đó, quy định của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF) cũng đã nêu rất rõ, chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu. Chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép đưa đi xuất khẩu.

Bộ NN&PTNT hiện đang là cơ quan giải quyết hàng rào kỹ thuật để mở cửa cho trái vải thiều tươi của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Trong suốt 4 năm qua, Bộ đã phối hợp với MAFF để làm thí nghiệm, thảo luận kỹ thuật và đàm phán điều kiện nhập khẩu về kiểm dịch thực vật. Cuối năm 2019, MAFF đã đồng ý với Bộ NN&PTNT điều kiện nhập khẩu vải thiều tươi từ Việt Nam sang Nhật Bản.

Theo quy định, trước khi xuất khẩu cần kiểm tra để đăng ký cho các cơ sở khử trùng đủ điều kiện thực hiện công tác khử trùng vải. Đối với hoạt động này, vào tháng 3/2020, MAFF đã ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), kiểm tra kỹ thuật và đăng ký cho 3 cơ sở xử lý.

Theo đó, Cục Bảo vệ thực vật đã tiến hành kiểm tra và gửi báo cáo cho MAFF vào tháng 4/2020. 2 cơ quan kỹ thuật của 2 Bộ cũng liên tục trao đổi, giải đáp các vấn đề về kỹ thuật khử trùng, kiểm dịch thực vật để bảo đảm các điều kiện về xuất khẩu vải...

Để xuất sang Nhật Bản, quả vải ở Bắc Giang đã phải trải qua một quá trình cực kỳ nghiêm ngặt từ khâu chăm bón, thu hoạch, vận chuyển...

Theo đó, từ khi ra hoa đến lúc thu hoạch, quả vải trải qua 100 ngày được chăm sóc đặc biệt. Cứ 10 ngày một lần, quả vải được các cán bộ kỹ thuật kiểm tra tình hình sâu bệnh, rồi được bón phân, phun thuốc theo lịch. Để đảm bảo không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, vải được lấy mẫu xét nghiệm tới 5 lần trước khi thu hái.

Quả lép, quả kẹ được cắt tỉa loại bỏ thường xuyên, đảm bảo tiêu chuẩn 25 - 30 quả/kg, độ ngọt đạt trên 18 độ brix. Sau thu hái, vải được đưa ngay tới nhà máy. Vải được làm mát, khử khuẩn, tiệt trùng đóng gói. Nếu đi bằng đường biển thì mất từ 9 - 12 ngày quả vải đến Nhật Bản.

P.V

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh