THỨ BẨY, NGÀY 18 THÁNG 01 NĂM 2025 07:21

Ngày 29/9 sẽ thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn

TTXVN đưa tin, đại diện Tập đoàn Đèo Cả (chủ đầu tư dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn) vừa cho biết, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, sẽ thông xe kỹ thuật ngày 29/9 tới đây. Với vận tốc thiết kế 100 km/h, ô tô đi cao tốc từ Hà Nội tới Lạng Sơn chỉ mất hơn 2 tiếng, thay vì di chuyển hơn 3 tiếng trên Quốc lộ 1.

Ngày 29/9 sẽ thông xe kỹ thuật cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn - Ảnh 1.

Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn sẽ thông xe kỹ thuật vào ngày 29/9.

Cũng theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, hiện tại, tuyến đường đã cơ bản hoàn thành toàn bộ phần mặt đường, hoàn thiện lớp bê tông tạo nhám. Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục còn lại như: bảo đảm an toàn giao thông, sơn kẻ vạch, hộ lan dọn vệ sinh mặt đường…

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Quang Vĩnh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn (doanh nghiệp dự án) cho hay, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn sau khi thông sẽ kỹ thuật sẽ được đưa vào khai thác chính thức và thực hiện thu phí toàn tuyến từ ngày 1/1/2020. Thời gian thu phí của dự án dự kiến thu phí trong 17 năm (từ 2020 đến 2037) với 5 mức thu phí cho các phương tiện, thấp nhất dự kiến là 2.000 đồng/km, cao nhất là 7.200 đồng/km.

Theo báo cáo của Công ty cổ phần BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được thiết kế 5 trạm với 34 cửa thu phí, thực hiện thu phí kín trên tuyến cao tốc. Trong đó, có 1 trạm thu phí chính tại km 104 địa phận tỉnh Bắc Giang, 1 trạm thu phí phụ tại km 45 thuộc xã Mai Sao, huyện Chi Lăng và 3 trạm thu phí nhánh tại km 94+770 kết nối quốc lộ 37 tỉnh Bắc Giang, tại km 81+ 140 kết nối đường tỉnh 242 thuộc huyện Hữu Lũng và tại km 56 kết nối quốc lộ 279 thuộc huyện Chi Lăng.

Được khởi công vào tháng 7/2015, Dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn có tổng chiều dài gần 170km. Thời điểm đó, "trùm cờ bạc" Nguyễn Văn Dương đứng đầu Công ty CP Đầu tư UDIC với vai trò là liên danh nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án.

Tuy nhiên, do năng lực nhà đầu tư yếu kém, không vay được vốn tín dụng nên dự án gặp bế tắc. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) liên tục cảnh cáo nhà đầu tư vì vi phạm hợp đồng BOT.

Tháng 5/2017, Bộ GTVT quyết định "trảm" nhà đầu tư và thay "máu" cho dự án bằng việc kêu gọi một số nhà đầu tư tại dự án hầm đường bộ Đèo Cả mua lại cổ phần của Công ty CP Đầu tư UDIC tham gia vào công trình, đảm bảo dự án vừa có nhà đầu tư mới đáp ứng năng lực tài chính, vừa tuân thủ các quy định và thủ tục pháp lý.

Ngày 1/6/2017, dự án chính thức được khởi động lại, đánh dấu bằng sự kiện ngân hàng Vietinbank ký hợp đồng tài trợ nguồn vốn tín dụng cho dự án để triển khai thi công với trị giá hơn 10.000 tỷ đồng. Tháng 5/2018, thực hiện chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chuyển vai trò cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án cho UBND tỉnh Lạng Sơn.

CHÂU ANH (tổng hợp)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh