CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 01:57

Ngày 11/6, Hà Nội sẽ thi tuyển sinh vào lớp 10

Tiếp tục “3 tăng, 3 giảm”

Sở GD&ĐT cho biết, yêu cầu đặt ra với tuyển sinh đầu cấp năm học tới là tăng tỷ lệ huy động trẻ đến các cơ sở giáo dục mầm non ở tất cả các độ tuổi, phấn đấu tỷ lệ huy động 35% trẻ độ tuổi nhà trẻ và 96% trẻ độ tuổi mẫu giáo đến cơ sở giáo dục mầm non; duy trì 100% trẻ 5 tuổi đến trường và được học đủ 2 buổi/ngày. Ít nhất 75% trẻ khuyết tật ở thể nhẹ trong độ tuổi mầm non được học hòa nhập. 100% trẻ 6 tuổi đủ sức khoẻ được vào lớp 1; 100% học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học được vào học lớp 6; 100% học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS) có nhu cầu được tiếp tục đi học.

Tiếp tục thực hiện chủ trương “Ba tăng, ba giảm” (Ba tăng: tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường học. Ba giảm: giảm số học sinh trái tuyến, giảm số học sinh trên một lớp, giảm số lớp đối với những trường có số lớp quá lớn), phân tuyến hợp lý, đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh.

Việc tuyển sinh học sinh tiểu học, THCS sẽ theo phương thức xét tuyển, theo tuyến tuyển sinh do UBND quận, huyện, thị xã quy định. Đảm bảo 100% trẻ đều phải có chỗ học trên địa bàn. Thực hiện quy định 4 rõ: rõ tuyến tuyển sinh, rõ thời gian tuyển sinh, rõ chỉ tiêu tuyển sinh, rõ phương thức tuyển sinh.

Thời gian tuyển sinh bắt đầu từ ngày 1 - 15/7/2015.

Lịch thi vào lớp 10 năm nay là 11/6 thay vì 22 - 23/6 như các năm trước

Kết hợp thi và xét tuyển vào lớp 10

Đối với tuyển sinh vào lớp 10 hệ không chuyên thực hiện phương thức “kết hợp thi tuyển với xét tuyển” để tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập, ngoài công lập và lớp 10 học chương trình THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Xét tuyển căn cứ theo kết quả rèn luyện và học tập của học sinh ở cấp THCS để xác định điểm THCS. Căn cứ vào diện ưu tiên, khuyến khích của học sinh để xác định điểm cộng thêm. Thời gian công bố kết quả xét tuyển là 30/5/2015.

Thi tuyển được tổ chức bởi một kỳ thi chung vào lớp 10 hệ THPT cho tất cả các trường THPT với hai môn thi bắt buộc là Ngữ văn và Toán theo hình thức tự luận.

Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Nội khẳng định: đề thi dựa theo yêu cầu chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục cấp THCS hiện hành, chủ yếu nằm trong chương trình lớp 9.

Đáng lưu ý, lịch thi năm nay được đẩy lên sớm hơn so với các năm trước. Cụ thể ngày thi đã được ấn định là 11/6 (năm trước là 22/6), buổi sáng thi môn Ngữ văn, buổi chiều thi môn Toán.

Mỗi thí sinh có hai nguyện vọng

Đối với các trường THPT công lập, khu vực tuyển sinh được chia theo địa giới hành chính quận, huyện, thị xã. Toàn thành phố có 12 khu vực tuyển sinh. Cho phép học sinh có thể thay đổi khu vực tuyển sinh, học sinh muốn thay đổi khu vực tuyển sinh phải có đơn xin đổi khu vực tuyển sinh.

Các trường THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây được tuyển học sinh vào lớp 10 không chuyên trên toàn thành phố (không phân biệt khu vực tuyển sinh).

Các trường THPT ngoài công lập và các lớp học chương trình THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên được tuyển học sinh vào lớp 10 không phân biệt khu vực tuyển sinh.

Mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào hai trường THPT công lập trong cùng một khu vực tuyển sinh, không kể nguyện vọng vào các lớp chuyên của các trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An, THPT Sơn Tây. Ngoài ra học sinh có thể nộp đơn dự tuyển vào các trường THPT ngoài công lập hoặc học chương trình THPT tại các trung tâm giáo dục thường xuyên.

Tuyển sinh vào trường chuyên qua 2 vòng

Sở Giáo dục - Đào tạo cũng quy định việc tuyển sinh vào lớp 10 chuyên các trường   THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây qua hai vòng.

Cụ thể, vòng 1: Tổ chức sơ tuyển đối với những học sinh có đủ điều kiện dự tuyển, có hồ sơ dự tuyển hợp lệ. Vòng 2: Tổ chức thi tuyển đối với những học sinh đã qua sơ tuyển ở vòng 1.

Vòng 1: Sơ tuyển, căn cứ vào các tiêu chí và được đánh giá bằng điểm số như sau: Kết quả dự thi chọn học sinh giỏi, thi tài năng trong phạm vi tổ chức của địa phương, toàn quốc, khu vực một số nước, quốc tế; điểm cho mỗi giải được tính như sau: giải nhất được 5,0 điểm, giải nhì được 4,0 điểm, giải ba được 3,0 điểm, giải khuyến khích được 2,0 điểm.

Kết quả xếp loại học lực 4 năm cấp THCS: mỗi năm xếp loại học lực giỏi được 3,0 điểm, học lực khá được 2,0 điểm. Kết quả tốt nghiệp THCS: tốt nghiệp loại giỏi được 3,0 điểm, loại khá được 2,0 điểm.

Vòng 2: Thi tuyển các môn Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ (tính hệ số 1) và môn chuyên (tính hệ số 2), trong đó hai môn Ngữ văn, Toán thi cùng với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT không chuyên.

Đề thi được áp dụng hình thức tự luận. Riêng môn Ngoại ngữ (thi vào các lớp chuyên Ngoại ngữ) được áp dụng kết hợp giữa hình thức tự luận và trắc nghiệm để đánh giá các kỹ năng nghe, đọc, viết.

Lịch thi các môn chuyên diễn ra trong hai ngày 12 và 13/6/2015.

Mỗi học sinh có thể đăng ký dự tuyển vào các lớp chuyên của hai trong bốn trường: THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, THPT chuyên Nguyễn Huệ, THPT Chu Văn An và THPT Sơn Tây.

Học sinh có thể đăng ký nguyện vọng cùng 1 môn chuyên của hai trường xếp theo thứ tự ưu tiên là trường nguyện vọng 1 và trường nguyện vọng 2.

Học sinh có thể đăng ký dự thi các môn chuyên khác nhau của hai trường với điều kiện buổi thi của các môn chuyên đó không trùng nhau.

TN (theo Thanhnien.com.vn)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm học 2021-2022

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành công văn gửi các Sở GD&ĐT, Cục Nhà trường, Ban Phụ nữ Quân đội (Bộ Quốc phòng) hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ quản lý chất lượng năm...
3 năm trước
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh