THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:30

Ngành tư pháp tập trung 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm

 

Năm 2016, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, đảm bảo chất lượng, tiến độ so với kế hoạch đề ra từ đầu năm. Nổi bật là, công tác chỉ đạo điều hành được đổi mới, kịp thời triển khai các chủ trương, chính sách, các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, bám sát chủ trương về xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ; việc phối hợp giữa Bộ, Ngành Tư pháp với một số Bộ, ngành khác được thực hiện chủ động, hiệu quả hơn. Việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực, với nhiều quy định bảo đảm tốt hơn các quyền con người, quyền công dân, phục vụ tốt hơn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp

 

Năm 2017, ngành tư pháp tập trung 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết, ngành tập trung củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến địa phương. Hoàn thành quy hoạch đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cơ quan tư pháp giai đoạn 2017-2021 và các giai đoạn tiếp theo.

Thứ hai, triển khai hiệu quả Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, nhất là những quy định mới mang tính đột phá của Luật này; tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án luật do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo; thực hiện tốt công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

Thứ ba, ngành sẽ xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án đổi mới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2017-2020; chú trọng phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến hoạt động của người dân, doanh nghiệp và tư vấn, hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội.

Thứ tư, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong triển khai Luật Công chứng năm 2014. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện tốt Đề án thành lập Hiệp hội Công chứng Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực hiện các giải pháp nhằm phát triển bền vững các nghề bổ trợ tư pháp.

Thứ năm, triển khai có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về đăng ký, thống kê hộ tịch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Triển khai hiệu quả các giải pháp để giải quyết tốt vấn đề hộ tịch, quốc tịch cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam, người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước.

Thứ sáu, hoàn thành các chỉ tiêu thi hành án dân sự được giao (trên 70% về việc; 30% về tiền; giảm án chuyển kỳ sau ít nhất 8% số việc và 6% số tiền có điều kiện thi hành). Tiếp tục đổi mới công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành gắn với việc củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy trong hệ thống thi hành án dân sự; siết chặt kỷ cương, kỷ luật, khắc phục tình trạng cán bộ, công chức thi hành án dân sự vi phạm pháp luật. Triển khai trên toàn quốc cơ chế “một cửa” và cung cấp dịch vụ công mức độ 3 đối với việc thụ lý đơn, giải quyết yêu cầu thi hành án.

Thứ bảy, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã xác định trong Đề án xây dựng Đại học Luật Hà Nội thành trường trọng điểm đào tạo cán bộ về pháp luật và Đề án xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng đào tạo; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo, từng bước tiếp nhận công nghệ giáo dục hiện đại trong việc đào tạo luật.

Thứ tám, tham mưu cho Chính phủ kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh trong hội nhập quốc tế, đàm phán, ký kết, thực hiện điều ước quốc tế, thỏa thuận, cam kết quốc tế và giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Cuối cùng, toàn ngành tập trung hoàn thành việc cung cấp dịch vụ công mức độ 4 trong lĩnh vực đăng ký giao dịch bảo đảm, lý lịch tư pháp bảo đảm đúng tinh thần Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử. Đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý và giải quyết các công việc của người dân, doanh nghiệp.

VÂN KHÁNH

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh