Ngành Tòa án phải đẩy lùi tham nhũng để có câu trả lời trước nhân dân
- Tây Y
- 04:50 - 13/01/2017
Theo báo cáo của Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn, năm 2016, TAND các cấp đã giải quyết 432.441 vụ án các loại (đạt tỷ lệ 93,4%); số vụ án còn lại hầu hết còn trong thời hạn luật định và đang được tiếp tục xem xét, giải quyết. So với năm 2015, số vụ án đã thụ lý tăng 36.424 vụ, số giải quyết tăng 33.383 vụ. Trong đó, TAND các cấp đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh một số vụ án tham nhũng, án lớn, án trọng điểm mà dư luận xã hội quan tâm.
“Việc tranh tụng tại phiên tòa trong năm qua được chú trọng, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan giảm; Số lượng các phiên tòa xét xử lưu động và các vụ án dân sự hòa giải thành nhiều hơn cùng kỳ năm trước; Việc trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung về cơ bản đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; TAND các cấp đã từng bước khắc phục tình trạng vi phạm thời hạn tạm giam trong giai đoạn xét xử hoặc chậm gửi bản án quyết định của Tòa án cho đương sự và các cơ quan hữu quan”, Phó Chánh án TAND tối cao Nguyễn Sơn cho biết.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu và chỉ đạo tại Hội nghị
Bên cạnh đó, Tòa án đã giải quyết 14.903/14.987 hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đạt 99,4% (so với cùng kỳ năm trước, thụ lý tăng 8.330 vụ việc, giải quyết tăng 8.373 vụ việc). 100% các quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án không bị hủy, sửa. Các Tòa án đã xem xét, giải quyết 1.327 trường hợp đề nghị hoãn, giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại đối với các hồ sơ đã đủ điều kiện, góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự của các địa phương.
Cũng tại hội nghị, Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, lãnh đạo TAND tối cao đã chỉ đạo giải quyết theo đúng quy trình, đảm bảo chặt chẽ và tiến độ giải quyết, đúng pháp luật; Cùng với đó, công tác thi hành án hình sự, thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, xây dựng pháp luật, kiện toàn tổ chức cán bộ, đào tạo bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, thi đua khen thưởng… cũng được quan tâm, chỉ đạo, thực hiện; Phối hợp với các cơ quan tố tụng Trung ương tiến hành xem xét, giải quyết các đơn kêu oan có mức phạt tù từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình cho một số trường hợp được xét xử từ nhiều năm trước như: vụ ông Huỳnh Văn Nén ở Bình Thuận, vụ ông Trần Văn Thêm ở Bắc Ninh hay vụ ông Hàn Đức Long ở Bắc Giang.
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tiếp thu chỉ đạo của Chủ tịch nước
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhất trí và đánh giá cao kết quả công tác mà TAND các cấp đã đạt được trong năm 2016. Tuy nhiên, Chủ tịch nước cũng chỉ ra một số yếu kém mà TAND các cấp mắc phải như: Một số chỉ tiêu chưa đạt 100% so với yêu cầu của các Nghị quyết của Quốc hội; tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán chưa giảm nhiều; chưa khắc phục triệt để án quá hạn luật định do lỗi chủ quan; tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn thấp; công tác xây dựng pháp luật và đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật ở một số lĩnh vực chưa kịp thời; vẫn còn cán bộ, công chức vi phạm bị xử lý kỷ luật... Để khắc phục những hạn chế nêu trên, Chủ tịch nước nhấn mạnh:
TAND các cấp phải bám sát chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, nỗ lực tổ chức tổ chức thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ công tác đề ra, nhất là đối với các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ công tác theo các Nghị quyết của của Quốc hội; gắn việc thực hiện nhiệm vụ công tác với đẩy mạnh thực hiện các nội dung cải cách tư pháp, trong đó cần tập trung khắc phục bằng được những hạn chế, tồn tại, yếu kém mà báo cáo đã chỉ ra.
“TAND các cấp phải tập trung thực hiện tốt chức năng xét xử và thực hiện quyền tư pháp. Với vai trò là cơ quan xét xử, bảo vệ công lý, phán quyết của Tòa án đòi hỏi phải chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và lẽ công bằng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm cũng như gây thiệt hại quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Trong quá trình hoạt động, phải đề cao và tuân thủ các nguyên tắc tư pháp dân chủ, pháp quyền đã được Hiến pháp và các luật tố tụng tư pháp quy định, bảo đảm mọi quyết định của Tòa án có căn cứ và đúng pháp luật”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chánh án TAND tối cao tặng cờ thi đua cho các đơn vị
Bên cạnh đó, TAND các cấp cần tiếp tục đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan để đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, nhằm một mặt, sớm trừng trị nghiêm khắc kẻ phạm tội, sớm thu hồi tài sản của nhà nước bị chiếm đoạt, thất thoát, mặt khác, đó là câu trả lời xác đáng nhất, thể hiện thái độ quyết tâm đấu tranh, đẩy lùi tham nhũng của Đảng và nhà nước ta trước nhân dân.
Đồng thời Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Việc xây dựng Ðảng, xây dựng nguồn lực là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Ðối với cán bộ Tòa án, Người yêu cầu phải “công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”. Trong tình hình hiện nay, hơn bao giờ hết, chúng ta càng phải thấm nhuần sâu sắc và thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Người cán bộ Tòa án phải có cái tâm trong sáng, tinh thông nghiệp vụ, nhìn nhận, đánh giá sự việc một cách đầy đủ, chính xác, khách quan; phải rèn cho mình phương pháp làm việc khoa học, cẩn trọng, bản lĩnh, trí tuệ với tinh thần “thượng tôn pháp luật”.
Và cuối cùng, Chủ tịch nước yêu cầu ngành Tòa án trong công tác hợp tác quốc tế, Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) phải xác định: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh”.