THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 06:50

Ngành Tòa án để xảy ra 3 vụ oan sai trong 5 năm qua

 

Xử nhiều vụ kinh tế, tham nhũng lớn 
Sáng 25/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) bế mạc phiên họp thứ 45, sau khi cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao. 
Báo cáo trước UBTVQH, Chánh án TAND Tối cao Trương Hoa Bình cho biết, trong 5 năm qua, các TA đã giải quyết 1.781.410 vụ án các loại trong tổng số 1.809.080 vụ án đã thụ lý, đạt 98,5%. Chất lượng xét xử tiếp tục được nâng lên, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán giảm 1,35% so với nhiệm kỳ trước. 

 

Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp Nguyễn Văn Hiện phát biểu tại phiên họp thứ 45 

"Trong 05 năm qua, các Toà án đã xét xử 1.233 vụ án với 2.813 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về kinh tế, tham nhũng đã được các Tòa án khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, như: vụ án PMU18; vụ án Hà Nguyên Cát tại Công ty cao su Phú Riềng, Bình Phước; vụ án Phạm Thanh Bình tại tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin); vụ án Dương Chí Dũng; vụ án Vũ Việt Hùng tại Ngân hàng phát triển Việt Nam chi nhánh khu vực Đăk Lắk - Đắk Nông; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như; vụ án Nguyễn Đức Kiên...
Trong nhiệm kỳ qua, công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Với trách nhiệm của mình, Toà án các cấp đã tăng cường và xét xử nghiêm minh đối với loại tội phạm này. 
Đặc biệt là đã hạn chế đến mức thấp các trường hợp kết án oan người không có tội (từ năm 2011 đến 2015 có 03 trường hợp Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm và tuyên bố bị cáo không phạm tội, so với nhiệm kỳ trước giảm 02 trường hợp)", ông Bình cho biết.
Viện KSND đã chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp trung ương tiến hành kiểm tra, xác minh làm rõ một số vụ án có dấu hiệu oan hoặc sai nghiêm trọng; một số vụ án có dấu hiệu bức cung, dùng nhục hình; một số vụ án có đơn khiếu nại bức xúc, kéo dài, gây bức xúc trong dư luận, điển hình như vụ: Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận), Vũ Ngọc Dương (Hà Nội),…
“Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, đã hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp kết án oan người không có tội. Nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án được dư luận xã hội quan tâm, đặc biệt là các vụ án về kinh tế, tham nhũng đã được các TA khẩn trương nghiên cứu hồ sơ để đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh”, Chánh án Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Ghi nhận ngành TA kịp thời sửa sai, xin lỗi, bồi thường cho người bị kết án oan
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, dù chỉ 1 vụ án oan cũng là gây thiệt hại rất lớn. “Dũng cảm nhận sai, kịp thời sửa sai, xin lỗi và bồi thường cho người bị kết án oan cũng thể hiện sự cố gắng rất lớn của ngành TA”, ông Lý đề nghị, nhiệm kỳ tới, cần phải có quyết tâm chính trị rất lớn, thực hiện triệt để hơn nguyên tắc tranh tụng.

 

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso Phước: "Các vụ án hành chính, nói nôm na là xử “quan” phải nói rõ hơn để tạo niềm tin về tính công lý"

Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Kso Phước, “các vụ án hành chính, nói nôm na là xử “quan” phải nói rõ hơn để tạo niềm tin về tính công lý của TA trong 5 năm qua”. Đặc biệt, điểm nhấn của báo cáo cần phải làm rõ qua công tác xét xử đã góp phần đấu tranh PCTN như thế nào vì đây là vấn đề đang bị “kêu” nhiều. 
“Tính răn đe, giáo dục, phòng ngừa tham nhũng ra sao? Có vụ xử thì đúng người nhưng tội danh tham nhũng đáng xử thì không xử. Những việc này nên làm rõ, dư luận rất chú ý”, ông Kso Phước bày tỏ và cho biết, “nghe phong thanh và qua báo chí thì người ta cũng chưa yên tâm cuộc đấu tranh PCTN trong hoạt động xét xử của TA”, ông Phước nói
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá, “báo cáo mới kể việc mà chưa toát được lên những điểm mới về cải cách tư pháp” nên cần “nâng cấp” để đánh giá tốt vị trí, vai trò của TA là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp; đồng thời phải nhấn mạnh, đánh giá cụ thể qua xét xử tác động như thế nào đến công tác PCTN.
“Nhấn mạnh, các báo cáo của TA, KS phải theo hướng tổng kết chứ không phải “kể lể” các vụ án, công việc của ngành”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, hết nhiệm kỳ, Viện trưởng có thể nghỉ, nhưng toàn ngành kiểm sát có nghỉ đâu? Lớp sau sau tiếp nối lớp trước, phải làm sao để hoạt đồng ngày càng chất lượng thì dân được nhờ. 
Theo Chủ tịch Quốc hội, phục vụ nhân dân là bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền công dân. Phục vụ chế độ là phải bảo vệ công lý. “Phải làm sao để nhân dân thực sự tin tưởng, kể cả những người phạm tội cũng phải tin tưởng vào sự công bằng trong xét xử”.

Thanh Nhung / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh