THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 01:28

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Không nhanh chóng sẽ “thua” ngay trên sân nhà

.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với 3,8 triệu ha đất nông nghiệp, đất trồng lúa 1,8-2,1 triệu ha. Sản lượng lúa chiếm 55% và xuất khẩu gạo chiếm 90%, cây ăn trái gần 300.000 ha chiếm 37%, sản lượng chiếm 48% tỷ trọng cả nước.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: "Nếu không nhanh chóng tái cơ cấu thì nền Nông nghiệp có thể sẽ bị "thua" ngay trên sân nhà"

Diện tích nuôi cá tra từ 5.500-6.000 ha, sản lượng 1,1-1,2 triệu tấn, xuất khẩu đạt 1,7-1,8 tỷ USD. Sản lượng tôm và giá trị xuất khẩu chiếm trên 80% cả nước.

Đây là vùng trọng điểm để triển khai tái cơ cấu nông nghiệp và đến nay đã có 12/13 tỉnh trong vùng xây dựng Đề án hoặc kế hoạch thực hiện tái cơ cấu.

Tuy nhiên, trên thực tế việc triển khai Đề án tái cơ cấu nông nghiệp trong vùng còn nhiều hạn chế, tồn tại. Cụ thể, các đề án, kế hoạch còn riêng lẻ, thiếu thông tin về nhu cầu thị trường và chưa chi tiết về giải pháp, lộ trình, về phương án lồng ghép kết hợp với các nguồn vốn, chưa có bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững nên khó đánh giá kết quả.

Sản xuất nông nghiệp ĐBSCL vẫn chưa thoát khỏi tình trạng nhỏ lẻ, manh mún. Trong ngành lúa gạo, 38,4% hộ có diện tích dưới 0,5 ha; 48,2% hộ có diện tích 0,5-2 ha. Quy mô vườn cây ăn quả thường dưới 0,5 ha/hộ. Diện tích lúa tham gia cánh đồng lớn chỉ đạt 3,3%.

Những hạn chế đó cũng là nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng nông nghiệp trong vùng chưa hiệu quả trong thời gian qua.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, ĐBSCL là vùng trọng điểm nông nghiệp, là nơi có lợi thế so sánh tốt nhất về nông nghiệp của cả nước. Nhưng trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt hiện nay, nếu không nhanh chóng tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng hiệu quả hơn thì nông nghiệp có thể sẽ "thua" ngay trên sân nhà, thất bại ngay cả ở những lĩnh vực mà ta vẫn nghĩ là có lợi thế so sánh.

“Đối với các địa phương, phải xác định thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là công việc quan trọng, lâu dài. Ngoài việc xây dựng đề án, kế hoạch, chương trình thực hiện cần thành lập Ban Chỉ đạo tại địa phương, phân công rõ trách nhiệm của từng thành viên, cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện để thu hút DN đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN, người sản xuất”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Về các định hướng lớn, Trưởng Ban Chỉ  đạo cho rằng, cần quy hoạch các vùng chuyên canh phát triển các ngành hàng chủ lực theo định hướng xuất khẩu; lựa chọn các dự án ưu tiên, chủ động thu hút đầu tư các thành phần kinh tế, trước hết là các DN để phát triển sản xuất theo Đề án tái cơ cấu.

Bên cạnh cơ chế chính sách chung, các địa phương cần có chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư trên địa bàn, kết nối với DN để xây dựng, triển khai các dự án đầu tư, tổ chức liên kết hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị, hình thành các tổ hợp nông-công-dịch vụ, phát triển hình thức hợp tác liên kết đa dạng giữa nông dân với DN; tuyên truyền vận động nông dân cho thuê đất, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với DN để hợp tác liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị nhằm phát triển sản xuất ổn định, hiệu quả, xóa dần tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tự phát.

Cùng với đó là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào các lĩnh vực, các khâu từ giống, kỹ năng canh tác, chăm sóc, nuôi trồng đến thu hoạch, bảo quản, chế biến để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng; từng ngành, từng công đoạn phải có chỉ tiêu lộ trình cụ thể để phấn đấu thực hiện, trong đó DN là chủ thể phối hợp với các tổ chức khoa học, hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, các biện pháp canh tác, sử dụng giống, vật tư tiết kiệm hiệu quả, cơ giới hóa để giảm giá thành.

H.Linh (TH)

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh