Ngành LĐ-TB&XH, năm 2018: Đạt nhiều dấu ấn tích cực trên tất cả các mặt
- Tây Y
- 16:01 - 02/02/2019
Hơn 2,2 triệu người tham gia giáo dục nghề nghiệp
Năm qua, ngành LĐ-TB&XH giải quyết việc làm mới cho trên 1,648 triệu người, đạt 103,1% kế hoạch; tỷ lệ thất nghiệp của lao động (LĐ) trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,1% (thấp nhất trong 11 năm trở lại đây). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giảm 1,35% so với cuối năm 2017, riêng các huyện nghèo giảm trên 5%... Đấy mới chỉ là một vài con số "biết nói" trong nhiều thành tựu nổi bật của ngành LĐ-TB&XH đạt được trong năm 2018. Đánh giá tổng thể, năm qua là một năm thành công của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kết quả đạt được toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó có phần đóng góp đầy ý nghĩa của ngành LĐ-TB&XH, khi từ trung ương tới địa phương, ngành đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu kế hoạch năm 2018, đặc biệt là chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.
Cùng với đó, năm qua, ngành tập trung hoàn thiện thể chế, hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ. Đặc biệt, đã tham mưu, trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội; xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương khu vực sản xuất, kinh doanh, trình Ban Chấp hành Trung ương khóa XII ban hành trong Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Việt Nam-Australia ký kết hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Nhìn tổng quan, năm 2018 các chính sách LĐ, người có công và xã hội đều được triển khai đều khắp, hiệu quả, qua đó góp phần đảm bảo an sinh xã hội đất nước. Đặc biệt, năm 2018, đưa trên 142,8 nghìn người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, đạt 129,9% kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay. Tạo việc làm trong nước khoảng 1,506 triệu người, đạt 101,1% kế hoạch. Để có được những con số vượt trội đó, năm qua, ngành đã tập trung thực hiện các giải pháp phát triển thị trường LĐ; dự báo nhu cầu thị trường LĐ, khớp nối cung - cầu LĐ trên thị trường; vận hành và quản trị Trung tâm tích hợp dữ liệu thị trường LĐ; tiếp tục thực hiện các giải pháp duy trì và phát triển thị trường LĐ ngoài nước.
Không chỉ lập kỷ lục về xuất khẩu LĐ, chuyển dần tỷ trọng vào các thị trường trọng điểm, trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường LĐ và hội nhập quốc tế. Ứớc tuyển sinh năm 2018 khoảng 2,21 triệu người, đạt 100,5% kế hoạch.
Không dừng lại ở những con số ấn tượng trên, trong công tác tiền lương, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, ATVSLĐ, cải thiện quan hệ LĐ cũng được thực hiện tốt. Nổi bật, ngành đã trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người LĐ làm việc theo hợp đồng LĐ; kiểm tra tình hình LĐ, tiền lương tại các Tập đoàn, Tổng Cty, Cty nhà nước. Cùng với đó, triển khai các giải pháp mở rộng, phát triển đối tượng tham gia BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, đến nay cả nước có 14,724 triệu người tham gia BHXH, chiếm khoảng 30,4% lực lượng LĐ trong độ tuổi.
Đặc biệt, về chính sách ưu đãi người có công với cách mạng: Được triển khai thực hiện tốt, đời sống người có công được nâng lên. Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2018/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng; chỉ đạo các địa phương thực hiện đầy đủ các chính sách cho trên 1,33 triệu đối tượng người có công. Vận hành thông suốt Cổng thông tin điện tử về liệt sĩ, mộ liệt sĩ và nghĩa trang liệt sĩ. Tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng triển khai việc hỗ trợ người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở. Ước đến cuối năm 2018 có 99% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 98,5% xã, phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn trước Quốc hội
Cùng với đó, các lĩnh vực xã hội như: các chính sách trợ giúp xã hội được thực hiện đầy đủ, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 2,8 triệu người với kinh phí trên 17 nghìn tỷ đồng. Công tác người cao tuổi; bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới, phòng, chống tệ nạn xã hội được quan tâm chỉ đạo thực hiện, đạt kết quả đáng khích lệ. Tập trung đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả công tác cải cách hành chính...
Nhìn chung, tất cả các lĩnh vực của ngành có nhiều chuyển biến tích cực so với cùng kỳ năm 2017, đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá mà Bộ đã đề ra. Để có những kết quả nổi bật đó của toàn ngành trong năm qua, có thể nói là do nhận được sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ và ủng hộ của các bộ, ngành, địa phương; sự đồng thuận của toàn xã hội; với sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiên trì thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của bộ, ngành và sự đoàn kết, nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người LĐ toàn ngành LĐ-TB&XH.
2019: chuyển động toàn diện, đột phá, tạo ra cái mới
Nhận định về những kết quả đã đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, năm 2018 Bộ LĐ-TBXH đã đặt nền móng rất quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là 3 đột phá Bộ đã đặt ra. "Ba khâu đột phá về thể chế, giáo dục nghề nghiệp và lĩnh vực người có công thực sự đã đem lại dấu ấn tích cực trên tất cả các mặt”, Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, năm 2019 phải hơn năm qua, chuyển động toàn diện và có lĩnh vực đột phá, tạo ra cái mới. Theo đó, toàn ngành năm 2019 triển khai đồng bộ 14 nội dung, nhiệm vụ đề ra, trong đó lựa chọn 3 vấn đề thiết yếu nhất. Thứ nhất, tập trung xây dựng thể chế, trong đó phải hoàn thành chiến lược phát triển ngành, chiến lược an sinh trong 10 năm tới với một tư duy đột phá và hướng tới một xã hội mọi người đều được hưởng quyền an sinh; tập trung cao độ cho việc sửa đổi, hoàn thiện 03 dự án luật, pháp lệnh của Bộ, gồm: Bộ luật Lao động (sửa đổi); Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng (sửa đổi); Luật người LĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Đây là những vấn đề rất quan trọng trong thể chế.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thăm, tặng quà mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Sâm (Hải Phòng)
Thứ hai, tiếp tục đột phá mạnh vào thị trường LĐ, tạo sự chuyển động thực sự trong 2019; tạo việc làm mới phải vượt qua con số 1.64 triệu người của năm 2018; tạo sự dịch chuyển từ LĐ phi chính thức sang chính thức, đồng thời dứt khoát phải giảm được tỷ lệ người có trình độ cao đẳng và đại học thất nghiệp. Thứ ba, tiếp tục tập trung cao độ cho giáo dục nghề nghiệp, coi đây là một khâu đặc biệt quan trọng với một cách làm mới. Phấn đấu để đạt được mục tiêu tổng quát, số người học đặc biệt là cao đẳng, trung cấp nghề phải tăng lên. Học xong có việc làm, có thu nhập. Do đó, cung - cầu LĐ phải kết nối thật tốt và dự báo được ngành nghề nào xã hội đang cần.
Cùng với đó, tiếp tục cải thiện, nâng cao mức sống người có công. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội nhằm trợ giúp có hiệu quả cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương hoặc gặp rủi ro trong cuộc sống. Song song, nâng cao khả năng tự đảm bảo an sinh xã hội của người dân... đề xuất các giải pháp cụ thể để đảm bảo thực hiện thắng lợi, toàn diện nhiệm vụ kế hoạch năm 2019 lĩnh vực LĐ, người có công và xã hội, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Nhà nước và lòng mong mỏi của nhân dân.