CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:30

Ngành công nghiệp hỗ trợ: “Khát” nhân lực

Nhìn vào hiện trạng của ngành CNHT trong những năm qua có thể thấy, nhu cầu về sản phẩm CNHT là rất lớn, đặc biệt là khi tốc độ đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng cao. Chính vì vậy, phát triển ngành CNHT phục vụ cho công nghiệp hóa đất nước, một trong những đòi hỏi cấp thiết là phải có được nguồn nhân lực đủ mạnh về cả lượng và chất.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu của công việc này vẫn là điều trăn trở của doanh nghiệp. Ông Lê Huy Thức, Tổng Giám đốc PMTT Group chia sẻ: “Doanh nghiệp rất khó tuyển dụng nhân công, để tìm được người làm việc luôn thì vô cùng khan hiếm, rất khó tuyển dụng dù đã trực tiếp “đặt hàng” từ nhiều trường đại học, cao đẳng”.

Khát nhân lực trong ngành công nghiệp hỗ trợ

Hiện trạng nguồn nhân lực ở Việt Nam được đào tạo chủ yếu thông qua các trường đại học, cao đẳng. Song thực tế, các trường, các cơ sở đào tạo này chủ yếu vẫn đang đào tạo theo năng lực và khả năng của mình. Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhà trường để yêu cầu đào tạo những gì doanh nghiệp cần. Do đó hình thành nên một chuỗi khập khiễng giữa việc đào tạo và ứng dụng vào làm việc. Đấy chính là bất cập lớn nhất khiến cho nhiều doanh nghiệp CNHT luôn rơi vào tình trạng bị thiếu hụt nguồn nhân lực.

Để loại bỏ những hạn chế nêu trên và tạo ra nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao trong ngành CNHT, ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội cho rằng: Cần có những đột phá trong triển khai bằng các quyết tâm của các cấp, ngành nhằm cụ thể hoá các chính sách để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các nguồn lực về tài chính công nghệ, hướng tới sự kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài ngay tại thị trường Việt Nam.

“Các trường đào tạo tiến hành khảo sát, trao đổi với các doanh nghiệp về nhu cầu nhân lực, từ đó xây dựng những phương pháp đào tạo mang tính trọng tâm. Phía các doanh nghiệp hướng tới việc liên kết chặt chẽ với các nhà trường đưa ra yêu cầu cụ thể, hỗ trợ nhà trường đào tạo nhân lực, tạo việc làm cho sinh viên… có như vậy nhân lực cho CNHT mới thực sự đáp ứng được yêu cầu”, ông Nguyễn Hoàng khẳng định.

Đồng tình với quan điểm đó, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng, việc sinh viên học các khóa ngắn hạn nhưng khi ra trường để làm việc được ngay là một yêu cầu rất khó. Để có nhân sự tay nghề cao, doanh nghiệp cần theo sát quá trình đào tạo dài hạn. “Nên có sự hỗ trợ thêm hoặc hỗ trợ trực tiếp cho người lao động, hay cung cấp kinh phí cho các cơ sở đào tạo theo số lượng người đăng ký học”, Tiến sĩ Khánh đề ra giải pháp.

Cũng theo Tiến sĩ Khánh, thách thức vô cùng lớn về nguồn nhân lực khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới là nguồn lao động có kỹ năng, tay nghề, ngoại ngữ tốt ở các nước sẽ di chuyển vào Việt Nam. Đặc biệt những thách thức từ cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang lan toả toàn cầu, càng đòi hỏi nguồn nhân lực Việt Nam phải có kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể, nắm bắt cơ hội từ 4.0 và vượt qua thách thức.

Xét về vai trò trong chuỗi giá trị của sản phẩm, CNHT là ngành sản xuất các linh kiện trước khi được lắp ráp vào các sản phẩm hoàn chỉnh và các dịch vụ cần thiết cho hoạt động sản xuất. Ngành CNHT được nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước đang phát triển coi là ngành có vai trò quan trọng, tạo cơ sở nền tảng cho việc xây dựng một nền công nghiệp mạnh và có năng suất cao, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Và để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển CNHT ở Việt Nam cần một hệ thống các giải pháp đồng bộ về chính sách giáo dục, liên kết đào tạo giữa cơ sở giáo dục và doanh nghiệp, phát triển con người, thay đổi nhận thức về đào tạo nghề và đầu tư cho đào tạo nghề trong xã hội.

HẠNH NGUYÊN

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh