Ngăn chặn virus Zika xâm nhập vào Việt Nam
- Sức khỏe
- 20:47 - 16/02/2016
Nguy cơ dịch bệnh lan truyền các tỉnh phía Nam
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến , tính đến thời điểm này, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do virus Zika. Tuy nhiên, với lưu lượng hành khách từ các quốc gia Nam Mỹ quá cảnh về sân bay Tân Sơn Nhất vào khoảng 700 người/tháng, các tỉnh, thành phố phía Nam có nguy cơ cao xuất hiện virus Zika.
Mặt khác, loại virus này lây truyền chủ yếu qua đường muỗi Aedes Aegypti đốt #- là loại muỗi lây truyền bệnh sốt xuất huyết. Trong khi đó, các tỉnh phía Nam từ nhiều năm qua luôn chiếm trên 80% các ca mắc sốt xuất huyết của cả nước, do điều kiện khí hậu thuận lợi cho sự phát triển của loại muỗi này. Vì vậy, nếu virus Zika xuất hiện tại các tỉnh, thành phía Nam thì nguy cơ lây lan ra cộng đồng là rất lớn.
Mới đây, Đoàn kiểm tra của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn đầu đã đi kiểm tra tình hình ứng phó với dịch bệnh do virus Zika tại TP. Hồ Chí Minh. Tại Cửa khẩu quốc tế Tân Sơn Nhất, các pano phòng chống dịch Zika đã được Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP. Hồ Chí Minh bố trí ở khu vực ga đến quốc tế; 3 máy đo thân nhiệt đã được bố trí, sẵn sàng kiểm tra thân nhiệt đối với tất cả các hành khách đến sân bay Tân Sơn Nhất.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra công tác phòng dịch tại Sân bay Tân Sơn Nhất.
Virus Zika đang hoành hành ở khu vực Nam Mỹ nên các hành khách về từ khu vực này sẽ được tư vấn, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, đối với hành khách có triệu chứng sốt cao, được phát hiện qua máy đo thân nhiệt, nhân viên kiểm dịch sẽ đưa hành khách vào khu cách ly; trường hợp khác sẽ khuyến cáo hành khách khi về địa phương sinh sống nếu có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh do virus Zika, phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, điều trị. Trung tâm Kiểm dịch y tế thành phố cũng đã tiến hành phun hóa chất diệt muỗi ở khu vực sân bay.
Đại diện Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho biết: Bệnh viện rất cảnh giác với những ca có biểu hiện lâm sàng tương tự như nhiễm virus Zika. Tuy nhiên, bệnh do virus Zika ít có triệu chứng lâm sàng hoặc nếu có thì lại tương tự như bệnh cúm mùa, rubella, sốt xuất huyết... khiến các bác sỹ rất khó chẩn đoán thai phụ có bị nhiễm Zika hay không.
Theo phó giáo sư, tiến sỹ Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, có khoảng 80% các trường hợp nhiễm virus Zika không có biểu hiện lâm sàng. Do đó, việc phòng chống dịch bệnh này phải đảm bảo chặt chẽ ở cả 3 khâu: Giám sát qua cửa khẩu, qua sự kiện (trường hợp nghi nhiễm) và giám sát trọng điểm. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải tuyên tuyền cho người dân hiểu rõ về virus này.
Biện pháp phòng bệnh
Để đối phó với dịch bệnh nguy hiểm này, Bộ trưởng Bộ Y tế khuyến cáo người dân nếu không có việc cần thiết nên hạn chế di chuyển đến các vùng đang có dịch. Đối với người di chuyển từ vùng dịch về Việt Nam cần sử dụng các loại hóa chất phòng ngừa muỗi trong vòng 14 ngày để ngăn ngừa muỗi chích và lây lan sang người khác; tăng cường diệt loăng quăng, bọ gậy, phun hóa chất để hạn chế muỗi sinh sản. Bộ Y tế sẽ triển khai thực hiện tờ khai y tế tại các cửa khẩu quốc tế đối với hành khách về từ vùng dịch như đang thực hiện với bệnh Mers-CoV đồng thời ban hành phác đồ điều trị đối với bệnh nhân mắc virus Zika.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khẳng định các triệu chứng của bệnh do virus Zika có thể được điều trị bằng thuốc hạ sốt và giảm đau thông thường, nghỉ ngơi và uống nhiều nước. Nếu triệu chứng xấu đi, mọi người nên đến cơ sở y tế gần nhất. Hiện tại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc xin phòng bệnh này.
Để phòng chống bệnh do virus Zika, Bộ Y tế khuyến cáo biện pháp phòng bệnh tốt nhất là tránh bị muỗi đốt. Điều này có thể được thực hiện bằng cách sử dụng thuốc chống côn trùng; mặc quần áo (tốt hơn là màu sáng) che càng kín cơ thể càng tốt; sử dụng các rào cản vật chất như lưới chống muỗi, đóng kín cửa ra vào và cửa sổ; ngủ màn.
Ngoài ra, người dân cần đổ hết nước, làm sạch hoặc đậy kín các thùng chứa nước như xô, chậu hoa hoặc lốp xe cũ, để loại bỏ những nơi muỗi có thể sinh sản.
Virus Zika được phát hiện vào năm 1947 nhưng trong nhiều năm chỉ có một số trường hợp rải rác được phát hiện ở châu Phi và Nam Á. Năm 2007, dịch bệnh do virus Zika được ghi nhận đầu tiên ở Thái Bình Dương. Do môi trường nơi muỗi có thể sống, sinh sôi ngày càng mở rộng và tác động của đô thị hóa, toàn cầu hóa nên những vụ dịch bệnh lớn do virus Zika có khả năng xảy ra trên toàn cầu. Người bị muỗi Aedes nhiễm bệnh đốt có thể nhiễm virus Zika - đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh sốt vàng. Có 2 loại muỗi Aedes có khả năng truyền virus Zika. Trong hầu hết các trường hợp, Zika lây lan qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Muỗi vằn Aedes không sống được ở nhiệt độ khí hậu lạnh hơn. Bên cạnh đó, muỗi Aedes albopictus cũng có thể truyền virus. Muỗi này có thể ngủ đông và tồn tại ở các vùng có nhiệt độ mát hơn. Virus Zika thường gây bệnh nhẹ. Hầu hết những người bị bệnh do virus Zika sẽ bị sốt nhẹ và phát ban. Những người khác cũng có thể bị viêm kết mạc, đau cơ, đau khớp và cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng thường hết trong khoảng từ 2 đến 7 ngày. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết Cơ quan y tế đang điều tra mối liên quan tiềm năng giữa virus Zika ở phụ nữ mang thai và dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh của họ. Cho đến khi có thể hiểu rõ hơn về mối liên quan này, những phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có thai cần hết sức lưu ý bảo vệ mình khỏi bị muỗi đốt. |