Ngăn chặn tình trạng "Cáo mượn oai hùm"
- Y học 360
- 09:33 - 30/11/2021
Đơn cử, một số loại thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy phép lưu hành của cơ quan có thẩm quyền, khi rao bán trên mạng đã "mượn danh" một số giáo sư, bác sĩ nổi tiếng để quảng cáo khiến không ít người tiêu dùng "tin là thật" - nhất là thời gian gần đây nổi lên một số loại thuốc, thực phẩm chức năng được quảng cáo là có tác dụng chữa Covid-19 với giá rất đắt đỏ. Trong khi đó, những người nổi tiếng bị "mượn danh" lại không hề hay biết và cũng không liên quan tới những loại sản phẩm trên.
Mới đây, Bộ Công Thương trình Chính phủ bổ sung một số quy định trong quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cụ thể, theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), thời gian qua, thực trạng đưa thông tin theo hướng "thổi phồng" công dụng sản phẩm, đặc biệt đối với thực phẩm trong hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra khá phổ biến. Các công ty, cá nhân thành lập các nhóm kín trực tuyến như "tư vấn sức khỏe" chăm sóc sức khỏe chủ động" hay "nhân chứng dùng sản phẩm" đã tập hợp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người tham gia. Trong đó, các đối tượng này chia sẻ, trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để mô tả, tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm hoặc mô tả công dụng thực phẩm như là một "kinh nghiệm thực tế" hay "nhân chứng sống" của người từng bị bệnh.
Cách thức đưa thông tin này được lạm dụng và củng cố bởi các bình luận phía dưới, càng tạo thêm niềm tin cho người bệnh, người tiêu dùng dễ hiểu theo hướng là các loại sản phẩm này có công dụng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều trị bệnh. Hành vi dạng này sẽ gây tác động tới số lượng lớn người tham gia vì thông tin lan truyền trên môi trường mạng diễn ra rất nhanh, gây hậu quả nghiêm trọng bởi ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người.
Để xử lý triệt để tình trạng đưa thông tin sai lệch như trên trong hoạt động bán hàng đa cấp, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ xem xét thông qua Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Trong đó bổ sung quy định cấm đối với doanh nghiệp và người tham gia bán hàng đa cấp trong việc cung cấp các thông tin về hàng hóa trong bán hàng đa cấp, đặc biệt đối với hình thức "Cung cấp thông tin" về thực phẩm qua hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế. Các doanh nghiệp và cá nhân cũng không được cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Theo ý kiến của nhiều người tiêu dùng, ngoài các sản phẩm bán hàng theo phương thức đa cấp, cơ quan chức năng cũng cần có biện pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng tên tuổi, uy tín của một số chuyên gia, giáo sư, bác sĩ nổi tiếng để quảng bá (sai sự thật) cho các sản phẩm được rao bán trên các nền tảng mạng xã hội (Facebook, Youtube...). Đối với những trường hợp vi phạm, người bị "mượn danh" có thể khởi kiện và cơ quan quản lý cần có biện pháp xử phạt nghiêm khắc.
Mạng xã hội đã và đang trở thành kênh cung cấp thông tin sức khỏe và buôn bán các sản phẩm chăm sóc sức khỏe với số lượng người tham gia mua, bán ngày càng đông. Vì vậy, cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ để người tiêu dùng tránh bị ngộ nhận và bị lừa dối.