THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 07:52

Ngẫm về tuổi trẻ: Khi chúng ta cầu toàn công việc nhưng bỏ rơi sức khỏe chính mình

Từ trước đến nay, sức khỏe vẫn luôn được coi là vốn quý giá nhất của con người. Đó là năng lượng để mỗi người thực hiện được các công việc hằng ngày. Và tuổi trẻ cũng là lúc con người có nhiều sức khỏe và sự sung mãn nhất Do vậy, nhiều người trẻ vẫn đang hằng ngày phung phí sức khỏe để rồi khi quay lại mới thấy nuối tiếc khi đã không giữ gìn "vốn quý giá nhất ".

TA CẦU TOÀN CÔNG VIỆC NHƯNG HỜI HỢT VỚI CHÍNH MÌNH

Tuổi trẻ hiện nay đang đứng trước một cuộc sống cạnh tranh gay gắt và đầy những áp lực. Khi đi làm ta áp lực từ việc cơm áo gạo tiền đến chuyện hoàn thành công việc. Có người làm hai ba công việc một lúc mới đủ tiền sống ở những thành phố lớn chứ chưa nói đến là tiết kiệm. Rồi đến công việc, áp lực từ deadline, từ sếp, từ đồng nghiệp và thăng tiến. Trước khối áp lực đó, buộc người trẻ ngày càng kỹ lưỡng và cầu toàn hơn trong công việc. Họ tính toán từng câu chữ, từng hình ảnh, từng số liệu... để mọi sự thể hiện ra bên ngoài đều phải hoàn hảo nhất.

Thế nhưng, đối nghịch với sự cầu toàn trong công việc đó là những hời hợt với chính sức khỏe của mình. Chẳng phải ngẫu nhiên mà bây giờ dịch vụ giao đồ ăn giờ đây phát triển đến thế. Những bữa ăn nhanh, xuề xòa thiếu dưỡng chất, ăn cho có để lấy sức chạy deadline là chuyện thường ngày khi mà chúng ta không còn cả thời gian cảm thấy đói. Những đêm thức khuya tới 2-3h sáng để làm cho xong 'job' và sáng mai vẫn phải dậy lúc 6h- 7h sáng để đi làm. Những điếu thuốc, ly cafe đậm đặc luôn thường trực để giữ được sự hưng phấn và tỉnh táo trong công việc… Và vô vàn những thói quen gây hại khác đang dần dần ăn mòn sức khỏe của chúng ta.

Nhớ lại câu chuyện năm 2019 đã khiến cả giới truyền thông, sáng tạo tại Việt Nam quan tâm về câu chuyện "Chàng trai trẻ đột tử sau 40h làm việc liên tục". Chàng trai quay phim 31 tuổi đột tử sau 40 tiếng làm việc liên tục cảnh báo về cách làm việc "thừa sống thiếu chết". Nó dấy lên câu chuyện về những người trẻ trước áp lực cuộc sống, họ cố gắng đến mức bỏ quên chính mình khiến những người khác nhìn nhận lại mình, nhìn nhận cách sống và giữ gìn sức khỏe.

Ngẫm về tuổi trẻ: Khi chúng ta cầu toàn công việc nhưng bỏ rơi sức khỏe chính mình - Ảnh 1.

MỘT LẦN VÀO VIỆN MỚI THẤY SỰ QUÝ TRỌNG CỦA SỨC KHỎE

Nếu bạn muốn biết về nơi nào có thể cho chúng ta nhận thức được rõ nhất giá trị của sức khỏe thì đó chính là BỆNH VIỆN. Chỉ cần một lần đến bệnh viện thăm khám hoặc đi cùng người thân thôi bạn chắc chắn sẽ có những suy nghĩ đúng về sức khỏe.

Có thể nói một trong những cảm giác tồi tệ nhất là cái cảm giác chờ kết quả thăm khám trong bệnh viện. Đa phần người trẻ đều bàng quan về những vấn đề của sức khỏe bản thân nên chỉ khi nào có vấn đề họ mới bắt đầu để ý đến sức khỏe và đi khám. Và đến thời điểm chờ kết quả thăm khám chắc cũng là lúc khoảng thời gian rất dài với người bệnh.

Một loạt những câu hỏi và suy nghĩ hiện lên như:

- Lo lắng vì không biết bệnh tình của mình như nào?

- Nghĩ về những khoảng thời gian mình bỏ mặc sức khỏe!

- Nghĩ về nguyên nhân khiến bản thân phải vào viện.

- Nếu kết quả xét nghiệm xấu thì phải làm sao?

- Rồi phải tốn bao nhiêu tiền để chữa bệnh đây?

Ngẫm về tuổi trẻ: Khi chúng ta cầu toàn công việc nhưng bỏ rơi sức khỏe chính mình - Ảnh 2.

Lúc đó ta chỉ ước rằng nếu ta giữ gìn sức khỏe hơn một chút, thường xuyên đi thăm khám hơn chút giờ mọi thứ có lẽ sẽ tốt hơn.

Có lần, đưa mẹ đi khám tại một bệnh viện tư, tôi gặp khá nhiều câu chuyện khiến bản thân phải suy nghĩ tại phòng chờ nội soi dạ dày. Đáng nhớ nhất chắc là câu chuyện về một cậu thanh niên tầm 25-26 tuổi. Ở cái tuổi trẻ măng như vậy mà cậu ấy gầy sọp, xanh xao, thiếu sức sống. Từ phòng nội soi đi ra với kết quả viêm dạ dày khá nặng, cậu ấy vẫn đùa với người nhà là từ nay có thể dùng giấy viện đưa ra để không bị ép rượu trong cuộc nhậu nhẹt nữa rồi. Tôi chỉ biết thở dài, thà rằng cậu ấy biết đường từ chối, biết dừng uống đúng lúc thì giờ đây chắc chưa phải tìm đến bệnh viện ở tuổi đôi mươi như này. 

CHỈ CẦN NHỮNG THAY ĐỔI NHỎ MỖI NGÀY

Chúng ta thường ngụy biện cho việc bào mòn sức khỏe bản thân là do công việc như "Mình đi làm cả ngày về cần được nghỉ ngơi chứ lấy sức đâu mà đi tập thể dục?" hay "Mình làm nghề sáng tạo thì mà không hút thuốc thì sao mà chịu được?". Chúng ta cống hiến hết sức lực cho công việc nhưng lại thiếu nghị lực để giữ gìn sức khỏe cho chính mình.

Chúng ta chỉ cần những thay đổi nhỏ mỗi ngày để tạo ra sự thay đổi tích cực cho sức khỏe cho chính bản thân mình:

- Hãy ăn uống đầy đủ, đúng và đủ bữa. Đồng thời ăn thêm nhiều hoa quả sẽ giúp bạn tăng cường tiêu hóa và giảm stress.

- Cố gắng tập thể dụng ít nhất 1h mỗi ngày. Chơi một môn thể thao, hoặc đến phòng gym mỗi ngày chắc chắn giúp bạn giải tỏa căng thẳng và tăng hiệu suất công việc. Bằng cách này hay cách khác, hãy luôn sắp xếp thời gian để bản thân được vận động cơ bắp mỗi ngày.

Ngẫm về tuổi trẻ: Khi chúng ta cầu toàn công việc nhưng bỏ rơi sức khỏe chính mình - Ảnh 3.

- Ngủ đủ và ngủ sâu giấc. Ngủ là hoạt động tái tạo năng lượng cho não, nó là cách tốt nhất để tạo sự hưng phấn cho tế bào não bộ. Não của bạn sẽ "tự ăn" chính nó và tích tụ độc tố nếu bạn thức quá khuya. Bạn có thể dậy sớm làm việc thay vì thức khuya vì dậy sớm sẽ giúp hiệu suất công việc tăng cao hơn sau khi não được nghỉ nơi.

- Hạn chế tối đa các chất kích thích vào cơ thể. Dù thế nào, các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá đều có những tác dụng không tốt với cơ thể. Hãy cố gắng hạn chế tối đa chúng nếu có thể. Đừng để sức khỏe bản thân dần bị bào mòn bởi việc bản dùng chất kích thích.

- Sống tích cực hơn mỗi ngày. Dù có nhiều áp lực nhưng suy nghĩ tích cực hơn mỗi ngày sẽ giúp bạn giải tỏa stress và tự tin đối mặt với những khó khăn. Do vậy, hãy sống lạc quan từng ngày, từng ngày bạn sẽ cảm nhận thấy nhiều thay đổi trong chính bản thân, lối sống và sức khỏe của chính mình.

 

Đăng Dương

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh