Nga xuất khẩu lòng lợn cho Việt Nam
- Y học 360
- 22:35 - 15/02/2016
Thông báo với các phóng viên trong một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Công ty Maxim Basov và Giám đốc phụ trách Evgeny Belov cho biết RusAgro bắt đầu xuất khẩu nội tạng lợn cho thị trường bán buôn Việt Nam, cũng như xuất khẩu nội tạng lợn vào Trung Quốc qua nhóm nhà cung cấp "có nguồn gốc Trung Quốc".
Sản phẩm của công ty tại Belgorod đã được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu vào Trung Quốc, còn sản phẩm ở Tambov sẽ được cấp giấy chứng nhận trong thời gian sắp tới.
Tại Primorye, RusAgro đã xây dựng cụm chế biến, hướng tới người tiêu dùng Trung Quốc. Dự án đầu tư gồm xây dựng 3 trang trại lợn, mỗi trang trại công suất 100.000 tấn thịt lợn hơi, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và giết mổ.
Cuối tháng 12/2015, RusAgro cho biết nhà nước sẽ xây dựng cơ sở hạ tầng cho dự án này. Ông Basov cũng thông báo RusAgro đang tìm kiếm khả năng mua các cổ phần về thịt tại Liên bang Nga
Liên quan đến thị trường Nga-Việt, cách đây không lâu, tại buổi gặp gỡ giữa các doanh nghiệp Việt Nam với hơn 20 đại diện các công ty đến từ thành phố Saint Petersburg (Liên bang Nga), ông Georgy Poltavchenko, thống đốc Saint Petersburg, cho biết nhiều doanh nghiệp Saint Petersburg rất quan tâm nhập khẩu hoa quả, rau từ Việt Nam, đồng thời kêu gọi đầu tư vào thành phố này, một trong những địa phương có chỉ số hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài cao nhất ở Nga.
Trước đó, tham gia hội chợ "Hàng Việt Nam chất lượng cao Matxcova 2015" diễn ra tại Liên bang Nga, Công ty may Phong Phú (TP. Hồ Chí Minh) giới thiệu hai nhóm sản phẩm gồm: khăn bông, chăn crap, gối và quần áo jean, cotton,
Ông Vũ Quang Anh - đại diện công ty cho biết, việc tiêu thụ hàng khá tốt. Sau hội chợ, doanh nghiệp đã tính đến việc thuê mặt bằng tại Incentra để làm showroom đầu tiên cho nhãn hàng tại Nga.
Theo ông Anh, hiện thuế nhập khẩu vào Nga được tính theo cân nặng nên hàng dệt may sản xuất tại Việt Nam chưa có nhiều lợi thế so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam sẽ hoàn toàn khác sau khi thuế giảm còn 0% vào đầu năm 2016.
Ngoài ra, người tiêu dùng Nga không quá khó tính, chuộng thương hiệu quốc tế bình dân hơn hàng xa xỉ, nhất là các sản phẩm chất lượng tốt với giá hợp lý. "Từ mức hơn 30%, thuế nhập khẩu sẽ giảm về 0%, nên hàng dệt may, nhất hàng 'made in Vietnam' hoàn toàn có thể đáp ứng các yêu cầu của thị trường", ông nói.
Không ít nhãn hàng thời trang Việt quyết định mở showroom tại Nga để chiếm lĩnh thị trường.
Hiện doanh nghiệp này đang có một đối tác Nga làm đại diện thương hiệu tại Matxcova, nên kỳ vọng việc thâm nhập được vào hệ thống phân phối tại thị trường này không quá xa vời. "Đúng là có khó khăn về mức thuế phí nhưng doanh nghiệp chấp nhận để chờ đợi thời điểm sau khi FTA Á - Âu chính thức có hiệu lực vào năm sau", lãnh đạo Công ty Phong Phú bày tỏ.
Theo Công ty Incentra, trong tổng số 164 đơn vị tham gia Hội chợ bán hàng chất lượng cao Matxcova năm nay có hơn 30 doanh nghiệp dệt may. Hiện có 12 thương hiệu thời trang quyết định thuê mặt bằng để kinh doanh lâu dài tại Nga. Số còn lại đã tìm được đối tác và ký gửi hàng vào Viet House nhằm thăm dò nhu cầu người tiêu dùng.
"Việc nhiều đơn vị dệt may bán hết hàng ngay trong ngày đầu tiên của Hội chợ cho thấy sức tiêu thụ của thị trường này đối với các sản phẩm may mặc là rất lớn. Trong đó, nhãn hàng thời trang sẽ là lợi thế của Việt Nam trong thời gian không xa", lãnh đạo Incentra cho biết.
Hiện riêng ngành hàng dệt may, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu sang Nga khoảng 320 triệu USD. Khi FTA có hiệu lực, khả năng kim ngạch đạt khoảng hơn 1 tỷ USD.