Ngã xe đạp khi đi đổi bình ga mini cho mẹ, bé trai 9 tuổi bị tay lái đập suýt chịu cảnh mù lòa
- Bác sĩ
- 20:51 - 31/08/2020
Ngày 31/8, đại diện Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) cho biết, nơi đây vừa giữ được mắt thành công cho một trường hợp bệnh nhi bị chấn thương hi hữu và rất nặng khiến một bên mắt lồi ra ngoài.
Đó là trường hợp của em T.M.P. (9 tuổi, quê Cà Mau).
Theo lời kể từ chị L.B.R. (37 tuổi, mẹ bé P.), chiều 24/7 bé P. đạp xe đi đổi bình gas mini cho mẹ. Tuy nhiên vì không chú ý, bé va vào một xe chở hàng rồi té xuống đất, bị tay lái xe đạp (ghi – đông xe) đập rất mạnh vào mắt trái.
Cú va chạm khiến bé gần như ngất đi. Chỉ 5 phút sau, một người hàng xóm đi ngang qua phát hiện sự việc liền ẵm bé vào trạm xá địa phương, nơi mẹ bé đang làm việc.
"Lúc đó tôi quá rối và hoảng loạn không thể làm được gì. Mọi người tại trạm xá giúp sơ cứu, băng mắt mé lại. Sau đó tôi nhờ người quen thuê xe rồi liên hệ chuyển thẳng bé lên BV Chợ Rẫy (TP.HCM) cấp cứu trong đêm" - chị R. kể.
Khi đến BV Chợ Rẫy, vì bé P. còn nhỏ tuổi nên được chuyển sang BV Nhi Đồng 1. Tại đây vì vết thương quá nặng, các bác sĩ khuyên người nhà chuyển bé sang BV Mắt TP.HCM để điều trị.
Tuy nhiên sau khi thăm khám và xác định bé có tổn thương sọ não cần can thiệp đa chuyên khoa, phía BV Mắt TP.HCM lại viết giấy giới thiệu chuyển ngược bé về BV Nhi Đồng 1.
"Lúc đó tôi thấy nhiều BV từ chối điều trị nên chỉ biết còn nước còn tát và cũng suy nghĩ đến việc con mình sẽ không còn giữ được mắt" - chị R. nói.
Bác sĩ Trần Châu Thái, cố vấn chuyên môn Đơn vị Mắt, BV Nhi Đồng 1 chia sẻ, thời điểm nhập viện bệnh nhân tỉnh, sinh hiệu ổn, da niêm hồng. Mắt trái bị lồi nhãn cầu, khô giác mạc, xuất huyết kết mạc, vận nhãn hạn chế, phản xạ ánh sáng trực tiếp, gián tiếp yếu. Các bác sĩ đã tra mỡ, dùng thuốc nhỏ, xử trí xhống phù nề mô hốc mắt, bảo vệ bề mặt nhãn cầu và hội chẩn điều trị với BV Mắt TP.HCM.
Sau khi hội chẩn, ekip điều trị quyết định sẽ mổ cấp cứu giải áp mắt trái cho bệnh nhi vào sáng 26/8. Quá trình mổ, ekip điều trị đã cắt dây chằng ngoài ổ mắt trái, đưa nhãn cầu trái vào hốc mắt, kết hợp vùng xương ổ mắt trái. Ca phẫu thuật kéo dài 30 phút, giữ lại thần kỳ mắt trái cho bệnh nhi.
Tiến hành tầm soát thêm bụng và ngực, các bác sĩ không ghi nhận bất thường gì. Hiện vùng mắt bé đang dần cải thiện, chỉ còn đau nhẹ khi liếc và được cho xuất viện.
Trong lần tái khám đầu tiên (sáng 31/8), các bác sĩ ghi nhận vết thương mi trên lành tốt, còn sẹo mờ giác mạc trung tâm nhẹ, giảm ghèn và phù bọng kết mạc. Bé cũng không bị song thị, không lé, không hạn chế vận nhãn, có phù hoàng điểm nhẹ.
Theo bác sĩ Thái, trong 33 năm làm nghề đây là trường hợp đầu tiên bị lòi mắt ra ngoài mà ông tiếp nhận điều trị. Y khoa cũng chưa ghi nhận cách xử trí cụ thể. Thông thường với chấn thương như vậy và điều trị sau 6 giờ xảy ra tai nạn, khả năng giữ lại mắt gần như không còn.
Với trường hợp này, thời điểm trước mổ bệnh nhi đã bị lồi nhãn cầu, vỡ sàn sọ và bờ ngoài ổ mắt trái. Tuy nhiên vì bé còn quá nhỏ, các bác sĩ quyết tâm phải tìm phương án giữ mắt cho bé.
Sau những thời điểm căng thẳng suy nghĩ, bác sĩ Thái cùng cộng sự đã sử dụng phương pháp "độc". Đó là phẫu thuật mở khoang sau nhãn cầu, cắt 1 cm dây chằng mi ngoài mắt trái rồi khâu 4 sợi chỉ ở mí trên, mí dưới của mắt tổn thương. Sau đó kéo từ từ 4 sợi chỉ này để đưa nhãn cầu về lại vị trí ban đầu và cuối cùng số định sợi chỉ để giữ nhãn cầu "ở yên" tại vị trí đúng.
Nhờ phương pháp "tự chế" này cùng với sự tỉ mỉ, cẩn trọng của các phẫu thuật viên, mắt bệnh nhi được giữ lại và các dây thần kinh, giác mạc rất mỏng manh bên trong cũng không bị tổn thương.