Nga đã chọn được quốc gia sản xuất Sputnik V cho châu Á
- Tây Y
- 16:17 - 07/09/2020
Báo Công an nhân dân cho biết, KoreaTimes ngày 6/9 dẫn lời Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) Kirill Dmitriev nói rằng Nga đã bắt đầu các thủ tục để sớm cung cấp những liều vaccine đầu tiên ngừa COVID-19, mẫu Sputnik V do viện Gameleya điều chế, cho Hàn Quốc.
"Hàn Quốc cũng là một đối tác tuyệt vời để sản xuất Sputnik V. Chúng tôi đang đàm phán với hai công ty dược phẩm lớn của Hàn Quốc để sản xuất vaccine ở Hàn Quốc rồi cung cấp không chỉ cho Hàn Quốc mà còn xuất khẩu sang các nước châu Á", Dmitriev tiết lộ.
Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh Nga mới đây công bố kết quả thử nghiệm vaccine Sputnik V trên tạp chí y khoa lâu đời và uy tín của Anh, tờ The Lancet, trong đó có những bằng chứng rõ ràng về việc toàn bộ tình nguyện viên đều có kháng thể mạnh chống COVID-19.
Không có bất cứ tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận với những người tiêm vaccine, theo The Lancet trích dẫn số liệu của Nga.
Vẫn theo lời ông Dmitriev, Sputnik V được cấp phép tại Nga trước khi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba. Các thử nghiệm giai đoạn này đang được tiến hành và kết quả sẽ được công bố vào tháng 10 tới.
"Hiện tại, chúng tôi có 40.000 thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra ở Nga, chúng tôi bắt đầu tiến hành vào cuối tháng 8 và cũng sẽ có các thử nghiệm lâm sàng ở Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất (UAE), Arab Saudi, Philippines và nhiều thị trường khác" Dmitriev nhấn mạnh.
Trước đó, ngày 5/9, Alexander Gintsburg, giám đốc Viện Gameleya phát triển vaccine Sputnik V khẳng định người tiêm có kháng thể đủ mạnh để "chống lại bất kỳ cấp độ lây nhiễm COVID-19 nào mà bạn có thể tưởng tượng".
Hiện gần 30 quốc gia đã đặt mua hơn một tỷ liều vaccine COVID-19 của Nga. Giới chức y tế Nga nói rằng việc xuất khẩu vaccine có thể bắt đầu ngay từ tháng 11 hoặc 12/2020.
Liên quan đến Vaccine COVID-19 của Nga, tờ Sài gòn giải phóng cho hay, các nhà khoa học Nga đã công bố báo cáo đầu tiên về vaccine Sputnik V của Nga. Theo đó, các xét nghiệm ban đầu cho thấy dấu hiệu của phản ứng miễn dịch.
Báo cáo được tạp chí y khoa The Lancet trích dẫn: Mọi người tham gia đều phát triển các kháng thể để chống lại virus và không có tác dụng phụ nghiêm trọng.
Trước sức ép lớn phải nhanh chóng tìm ra một loại vaccine ngừa Covid-19, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh, sẽ không phê chuẩn một vaccine nào chưa chứng minh được độ an toàn và hiệu quả. Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều lo ngại khi các nhà sản xuất đang đẩy nhanh quá trình bào chế vaccine ngừa Covid-19, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 870.000 người và khiến hơn 26 triệu người mắc bệnh.