Nếu có triệu chứng nghi nhiễm Covid -19, bạn đừng vội vàng đi khám mà hãy làm ngay những việc này
- Y học 360
- 20:57 - 12/02/2020
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những đối tượng dễ lây nhiễm virus corona (Covid-19) có thể là:
- Người sinh sống hoặc đi đến khu vực có Covid-19 đang có dịch là có nguy cơ nhiễm bệnh. Hiện tại, dịch Covid-19 đang bùng phát tại Trung Quốc - nơi đại đa số người nhiễm bệnh đã được báo cáo. Những người nhiễm bệnh tại các quốc gia khác là những người gần đây đã đi đến Trung Quốc hoặc đang sinh sống/ tiếp xúc gần với những người đó như người nhà, đồng nghiệp hoặc nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân trước khi họ biết bệnh nhân bị nhiễm Covid-19.
- Nhân viên y tế chăm sóc cho người nhiễm Covid-19 có nguy cơ cao hơn và phải tự bảo vệ mình bằng các biện pháp dự phòng và kiểm soát lây nhiễm.
Ngoài ra, WHO cũng cho biết các triệu chứng khi người bệnh nhiễm Covid-19 là sổ mũi, đau họng, ho và sốt... Đáng nói, những triệu chứng này cũng tương tự như bệnh cúm mùa nên rất nhiều người nhầm lẫn với nhau.
Bạn có thể tự kiểm tra kiến thức của mình khi nghi ngờ nhiễm covid-19 bằng bài test nhanh dưới đây:
Nhiều người chỉ cần hắt hơi, sổ mũi nhẹ cũng đã vội vàng đi khám, điều này khiến các cơ sở y tế bị quá tải, thậm chí còn ảnh hưởng đến chính kinh tế của bạn.
Theo các chuyên gia y tế, khi nằm trong nhóm đối tượng dễ nhiễm bệnh mà WHO khuyến cáo mà chưa có triệu chứng gì, hoặc bỗng xuất hiện triệu chứng cúm nhẹ, việc mà tất cả chúng ta nên làm là tự cách ly tại nhà.
Bộ Y tế đã hướng dẫn chi tiết cách ly tại nhà để phòng dịch như sau:
- Thời gian cách ly tối đa 14 ngày, được tính từ ngày tiếp xúc lần cuối với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam. Khi người nghi ngờ mắc bệnh được chẩn đoán loại trừ không mắc bệnh, những người được cách ly có liên quan sẽ kết thúc việc cách ly.
- Người được cách ly chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng, giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2m và tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khoẻ hàng ngày.
- Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly.
- Người được cách ly hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.
- Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly; không ăn chung cùng những thành viên trong gia đình, nơi lưu trú; không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú.
Đồng thời, thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.
Từ những thông tin trên, có thể thấy không phải cứ có những dấu hiệu bất thường là bạn cần phải đi khám ngay mà cần chủ động cách ly tại nhà, tuy nhiên trong quá trình cách ly bạn cần tuân thủ theo hướng dẫn Bộ Y tế ban hành để đảm bảo không lây nhiễm nguồn bệnh ra ngoài (nếu có)