Nêu cao đạo lý ‘Uống nước nhớ nguồn’
- Tây Y
- 12:03 - 20/11/2018
Dáng đứng của con, nỗi đau của mẹ
Mỗi lần nhớ về người con trai độc nhất đã nằm lại chiến trường biên giới Tây - Nam, mẹ Nguyễn Thị Phượng (81 tuổi, ngụ phường phường Thới Long, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ) không thôi rơi nước mắt. Hơn 30 năm trôi qua, nỗi đau ấy chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng mẹ.
Năm 1984, con trai mẹ - chiến sĩ Lương Minh Nghĩa lên đường tòng quân. Anh và đồng đội xung phong ra mặt trận biên giới Tây - Nam, chiến đấu bảo vệ người dân nước bạn Campuchia và biên cương Tổ quốc. Khi ấy, chiến sĩ Lương Minh Nghĩa tròn 18 tuổi.
Thương con nhưng mẹ không ngăn cản. Bởi lẽ, mẹ hiểu lý tưởng con trai mẹ hướng tới. Như lớp lớp thanh niên trưởng thành trong hoàn cảnh đất nước khó khăn, chiến sĩ Lương Minh Nghĩa cùng bạn bè không nề hà gian khổ, tình nguyện ra chiến trường. Mẹ Nguyễn Thị Phượng kể từ ngày con trai nhập ngũ, xóm giềng, tổ chức đoàn thể tại địa phương hết sức chia sẻ, động viên. Nhưng, mẹ không lúc nào không lo lắng. Dù đường xa, phượng tiện di chuyển khó khăn nhưng mẹ thường lên đơn vị thăm con. Có khi, mẹ lặn lội đi bộ một quãng đường xa, vào tận nơi đóng quân, xem nơi con ăn ở. Càng đi, mẹ càng thêm tự hào về đứa con trai dũng cảm. “Mồ côi cha từ năm 7 tuổi nên Nghĩa ra dáng trụ cột gia đình lắm. Mẹ thương, cũng tự hào khi biết tin Nghĩa lập nhiều thành tích trong chiến đấu và nhận trọng trách tiểu đội trưởng”, mẹ nhớ lại.
Vậy mà, cuối năm 1984, mẹ bàng hoàng nhận giấy báo tử từ chiến trường gửi về. Tin tiểu đội trưởng Lương Minh Nghĩa hi sinh khiến mẹ suy sụp. Liệt sĩ Lương Minh Nghĩa ngã xuống trong lần địch bất ngờ tấn công đơn vị. Hiện anh và nhiều đồng đội vẫn an nghỉ ở chiến trường biên giới Tây-Nam.
Mẹ VNAH Nguyễn Thị Phượng trò chuyện cùng cán bộ, đoàn viên đến thăm nhà
Có tụi con bù đắp
Hơn 30 trôi qua, thế hệ đi sau luôn lòng biết ơn và tự hào về thế hệ không màng gian khó, ra sức bảo vệ quê hương. Lớp người trẻ dồn tình cảm ấy vào hoạt động chăm lo, quan tâm những người ở lại. Năm 1998, Bà mẹ VNAH Nguyễn Thị Phượng được Nhà nước xây tặng căn nhà tình nghĩa. Mỗi khi đoàn viên, cán bộ tại địa phương đến thăm, không khí trong nhà như thêm đầm ấm. Khói nhang nghi ngút. Cán bộ địa phương, đoàn viên thanh niên trong phường Thới Long quây quần bên mẹ. Các anh chị hỏi thăm sức khỏe, kể chuyện đoàn hội, chính sách chăm lo người có công…
Mẹ chia sẻ mỗi khi chính quyền, đoàn thể đến nhà, mẹ phấn khởi nhiều. Sức khoẻ vì vậy cũng tốt hơn. Hiện mẹ sống với cháu ngoại (học lớp 2). Do vợ chồng người con gái đi làm ăn xa nên nhờ mẹ chăm sóc con trai. Cuộc sống hai bà cháu chủ yếu dựa vào khoản tiền trợ cấp, hỗ trợ theo chính sách chăm lo Bà mẹ VNAH. Hai năm trở lại đây, hàng tháng, nhân viên bưu điện đến tận nhà gửi trợ cấp cho mẹ.
Vun đắp truyền thống uống nước nhớ nguồn, Phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn tích cực đẩy mạnh nhiều hoạt động chăm lo cả về vật chất lẫn tinh thần đối với gia đình thuộc diện chính sách. Từ đầu năm 2018 đến nay, Phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn trợ cấp thường xuyên 557 đối tượng chính sách. Chính quyền, đoàn thể tại địa phương vận động, quyên góp hỗ trợ 20 hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Tại địa bàn, gần 1.500 người thuộc diện chính sách có công nhận thẻ BHYT. Ngoài ra, phòng LĐ-TB&XH quận trích hơn 200 triệu đồng lo việc thờ cúng 431 liệt sĩ. Đặc biệt, quận Ô Môn xây dựng mới 37 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 2 tỉ đồng. Các tổ chức, đoàn thể chung tay bỏ công, vận động gần 500 triệu đồng sửa chữa 18 căn nhà tình nghĩa. Quỹ đền ơn đáp nghĩa tiếp tục vận động thêm gần 500 triệu đồng. Vào ngày Thương binh liệt sĩ mỗi năm, lãnh đạo, đoàn thể luôn duy trì hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách.
Ông Trương Văn Phúc, Trưởng phòng, Phòng LĐ-TB&XH quận Ô Môn, bộc bạch: “Những người con của đất Ô Môn như liệt sĩ Lương Minh Nghĩa là niềm kiêu hãnh của quê hương. Thế hệ đi sau nguyện thay các anh, chị hiếu thảo với đấng sinh thành. Như những tỉnh thành khác, lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể quận Ô Môn nói riêng, TP. Cần Thơ nói chung luôn đề cao, chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa”. Ông Phúc cho biết thời gian tới, quận Ô Môn tiếp tục phấn đấu xây thêm nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách khó khăn. Đồng thời, quận đẩy mạnh nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm tri ân gia đình người có công.