Nét đẹp đầu Xuân trên quần đảo Trường Sa
- Y học 360
- 00:09 - 27/01/2020
Vietnamplus đưa tin: Sáng mùng 1 Tết Canh Tý 2020, lãnh đạo, chỉ huy đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa tổ chức lễ chào cờ đầu năm mới một cách nghiêm trang ngay dưới cột mốc chủ quyền trên đảo, thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và người dân tham gia.
Dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc, thay mặt quân và dân trên đảo, Đảo trưởng đảo Sinh Tồn đọc lời thề danh dự của quân đội nhân dân Việt Nam trước đất nước, trước Tổ quốc và trước hương hồn của các cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, vì biển đảo quê hương. Lời thề đó là máu thịt, là ý chí, sức mạnh của người lính Hải quân Nhân dân Việt Nam, càng linh thiêng hơn khi lời thề cất lên dưới lá cờ Tổ quốc ngay trên quần đảo Trường Sa vào sáng mùng 1 Tết như nhắn nhủ với các thế hệ mai sau rằng, quân và dân trên đảo Sinh Tồn nói riêng và trên quần đảo Trường Sa nói chung quyết tâm bảo vệ cho được Tổ quốc thân yêu, bảo vệ cho được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ và lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.
Sau lễ chào cờ, Chỉ huy đảo cũng đọc thư chúc Tết của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân và gửi lời chúc Tết năm mới 2020 an khang, thịnh vượng đến toàn thể quân và dân trên đảo.
Trong thư chúc Tết của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân có đoạn: "Năm 2020, tình hình thế giới, khu vực, trong nước và trên hướng biển Đông dự báo tiếp tục sẽ có những diễn biến mới, khó lường; là năm diễn ra Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, nhiệm vụ của Vùng nặng nề, đặt ra yêu cầu ngày càng cao…
Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Vùng yêu cầu toàn thể cán bộ, chiến sỹ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, không ngừng nâng cao bản lĩnh chính trị, đề cao cảnh giác, đoàn kết, sáng tạo, giữ vững kỷ cương, đề cao nêu gương và trách nhiệm; đẩy mạnh "Học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh".
Đêm giao thừa và sáng mùng 1 Tết, tại đảo Tốc Tan, quần đảo Trường Sa, chỉ huy đảo tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ cho cán bộ, chiến sỹ, trong đó có hoạt động hái hoa dân chủ. Những câu hỏi, chủ đề liên quan đến biển đảo, đến quê hương, đất nước, hải quân, quân đội… là những câu hỏi được ghi sẵn, gói trong từng mẩu giấy nhỏ gắn trên các cành hoa xuân đặt trong hội trường của đảo.
Tại đảo Phan Vinh, dịp đầu năm mới, cán bộ, chiến sĩ tổ chức thắp hương tại bàn thờ Liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh đặt trên tầng 2 Sở Chỉ huy đảo. Đây cũng là căn phòng mà lớp lớp cán bộ, chiến sỹ trên đảo đã từng đặt chân đến để thắp hương, tưởng niệm, tìm hiểu về liệt sĩ, rất tự hào được mang tên Anh hùng liệt sĩ Nguyễn Phan Vinh, thuyền trưởng tàu Không số, anh đã hy sinh anh dũng trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển khi thực hiện nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, trang bị, tiếp sức cho chiến trường miền Nam ruột thịt.
Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam lưu giữ trên đảo còn ghi rõ, tấm gương hy sinh của thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh mãi để lại tuổi thanh xuân, thắm sắc biển xanh, ngời sáng chủ nghĩa Anh hùng cách mạng, tô thắm truyền thống Hải quân nhân dân Việt Nam Anh hùng.
Tại một số đảo trên quần đảo Trường Sa, sáng mùng 1 Tết Canh Tý 2020, chỉ huy các đảo cũng đến thăm, chúc Tết các hộ dân, tăng sư và gia đình các giáo viên trên đảo. Tết Canh Tý 2020, Bộ Quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Vùng 4 Hải quân và Lữ đoàn 146 Hải quân cùng các đơn vị, địa phương đã có nhiều hoạt động, việc làm quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần quân và dân Trường Sa, tạo điều kiện cho quân và dân trên các đảo đón Tết đầm ấm, với một không khí vui Xuân, đón Tết như ở đất liền.
Báo Khánh Hòa đưa tin: Tết ở Trường Sa có nhiều điều đặc biệt, bởi bao nhiêu hương vị và tình cảm quê nhà đều gói trọn gửi đến đảo xa… Ở đảo Trường Sa Lớn - nơi được xem là thủ đô của huyện đảo Trường Sa, cầu truyền hình vào tối 28 tháng Chạp luôn được mọi người mong đợi nhất. Dù trước đó cả đảo đã rộn ràng đón những chuyến hàng từ đất liền, rồi tất bật mổ heo gói bánh chưng, tổ chức tiệc tất niên… nhưng có lẽ đến hôm được xem cầu truyền hình, mọi người mới vỡ òa cảm xúc. Đêm đó, quân dân trên đảo cùng tụ tập trước màn hình tivi 65inches, khi đầu cầu bên kia hiện cất lên tiếng gọi "Trường Sa nghe rõ không?", ai cũng cảm thấy nôn nao, bồi hồi. Chính trị viên Lê Trọng Thông chia sẻ: "Trong năm đảo đón rất nhiều đoàn khách ra thăm, nhận được nhiều sự quan tâm từ đất liền. Ấy vậy mà mỗi lần ngồi trước cầu truyền hình, cảm giác lại rất hồi hộp, không chỉ nghe mà còn thấy cả hương vị quê nhà…".
Với những anh lính lần đầu đón Tết trên đảo, họ gọi cầu truyền hình theo ngôn ngữ của giới trẻ là… livestream như trên mạng xã hội. Ở bên này thấy rõ bên kia, nghe những câu chúc Tết chân tình, ấm áp từ đất liền, tự nhiên ai cũng xốn xang. Có một chút nhớ nhung, một chút bâng khuâng của cảm giác xa nhà, nhưng những cuộc trò chuyện của 2 đầu cầu đã làm cho mọi người trên đảo có cảm giác như được gần đất liền hơn. Bởi vậy, năm nào cũng có cầu truyền hình, nhưng mỗi lần tổ chức, cả đảo đều huy động cán bộ, chiến sĩ và cả người dân cùng chuẩn bị các khâu thật chu đáo để đường truyền thật tốt, hình ảnh thật nét và cùng cầu mong thời tiết thuận lợi để có một đêm vui trọn vẹn… Tết ở Trường Sa có quá nhiều điều đặc biệt như thế nên với những người lính hải quân, khi trở về đất liền lại nhớ da diết những ngày Tết đảo xa. Bởi, chẳng có nơi nào như ở nơi này, dù cách xa nhưng vẫn ấm tình đất liền. Vì cả nước luôn hướng về Trường Sa thân yêu. Vì Trường Sa luôn hướng về cả nước. Vì sự bình yên của nhà nhà, nơi ấy có những người lính vui xuân nhưng vẫn chắc tay súng bảo vệ biển trời quê hương…