CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 10:13

Nền văn minh Pháp với các “Thiên thần nhỏ”

 

Chính sách bảo vệ bà mẹ, trẻ em ở Pháp rất tốt. Sự ưu việt nhân ái dành cho cả trẻ em nhập cư, những em bé ra đời mà cha mẹ không có quốc tịch Pháp, thậm chí không có thẻ xanh - thẻ cho quyền cư trú dài hạn. Sự ”quý người”, nhân văn và lịch sự là lý do bền bỉ khiến nước Pháp luôn là một điểm đến và thu hút sự chú ý của nhận loại. Tôi sang Pháp làm Tiến sĩ năm 1987, lấy chồng ở Paris và định cư luôn gần 30 năm nay, bốn đứa con tôi: Thương Thương (1989), Trâm Trâm (1991), Hoài Hoài (1994), Tim (2000) đều được sinh tại Pháp, mang quốc tịch Pháp. Tôi đã trải nghiệm và chứng kiến nên viết như một chia sẻ chứa cả ước mơ: Tương lai không quá xa, Việt Nam sẽ được như vậy!

Cha chứng kiến

Trước khi sinh, phụ nữ mang thai có thể theo buổi thể dục miễn phí do bệnh viện (BV) tổ chức tập thở đẻ, đỡ đau khi co thắt và nghe các bài giảng về tâm lý, triệu trứng sắp sinh.

 

Phòng chờ ở Trung tâm Bảo vệ bà mẹ và trẻ em miễn phí ở Gentilly (ngoại ô Paris).

 

Khi thai phụ trở dạ, chồng mặc khoác áo và đi giày khử trùng, được phép xem hộ lý, y tá, bác sĩ đỡ đẻ. Đứa trẻ vừa chào đời, đầu tiên được mẹ hôn vào má trước khi đem đi cắt rốn. Sự hiện diện của người chồng lúc sản phụ sinh mang tính nhân đạo cao. Chồng chứng kiến cơn đau của vợ, hiểu được sự vất vả khi vợ sinh con. Chồng đứng bên an ủi, nói chuyện cho vợ cảm thấy được chia sẻ và hạnh phúc hơn khi chồng quan tâm đến mình và con sắp chào đời.

Sau khi sinh, sản phụ nằm chờ ngay hành lang chỗ vừa đẻ, để bác sĩ, hộ lý đỡ ca khác nhưng vẫn theo dõi “hậu sản”. Y tá mang đồ ăn đến ngay và thay băng liên tục. 2 tiếng sau, khi sản phụ cầm máu, y tá mới đẩy xe đưa sản phụ về phòng nằm và dặn cẩn thận cách bấm chuông gọi hộ lý. Hộ lý cứ 2 tiếng vào thay băng, làm vệ sinh cho sản phụ.

Không kiêng cữ, vệ sinh

Ngày hôm sau, sản phụ phải dậy và tự đi tắm rửa. Ai mệt lắm mới nhờ hộ lý giúp. Theo bác sĩ, “sinh nở” như bông hoa tự nhiên, không phải bệnh. Trường hợp bị bệnh, sản phụ có chỉ định chăm sóc riêng. Sản phụ tự tắm rửa nước ấm sạch sẽ. Trẻ sơ sinh được nằm trong cũi cao xinh xắn có bánh kéo để cạnh giường mẹ. Thông thường hai người một phòng. Cantine có nhân viên phục vụ đưa cơm ăn 3 bữa đầy đủ chất đạm. Sáng bác sĩ đi kiểm tra và khám lại cho sản phụ. Phòng nào trên bàn có bụi hay bẩn thức ăn, trẻ sơ sinh trớ sữa dây bẩn, bác sĩ gọi hộ lý ra khiển trách và bắt lau dọn phòng sạch sẽ.

Học chăm sóc trẻ sơ sinh, cách bú và chuẩn bị tâm lý đón thành viên mới

Mỗi chiều, gia đình được vào thăm. Riêng trẻ em dưới 3 tuổi có thể ở chơi và ăn chung với mẹ cả buổi chiều, tối mới về nhà. Điều này cũng mang tính nhân đạo cao: Trẻ em đỡ nhớ mẹ, dễ dàng yêu em bé, làm quen với thành viên mới trong gia đình.

Ngay hôm sau, hộ lý gọi sản phụ ra đứng cạnh để học cách tắm, thay bỉm cho trẻ sơ sinh, cách chọn xà phòng không chất hóa học, tắm không cay mắt, dành riêng cho trẻ sơ sinh. Ngày thứ hai, thứ ba, sản phụ tự tắm rửa cho con, làm trước mặt hộ lý. Bỉm và sữa hoàn toàn do BV cung cấp.

Ngoài ra, BV trang bị vài cái máy hút sữa để sản phụ đến tự làm cho tuyến vú sữa hoạt động, không phải dùng xôi hay cơm nóng chườm vất vả như ở Việt Nam thời xưa.

Giấy khai sinh làm ngay tại BV. Mẹ đơn thân, không có gia đình cũng không cần phải nhờ vả ai. BV sẽ cử người đưa giấy khai sinh lên tận phòng, hoặc tự xuống lấy.

Sau ba ngày mẹ tròn con vuông thì rời BV. Mười ngày sau mẹ đưa trẻ sơ sinh vào BV kiểm tra lại.

Trung tâm “Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em” miễn phí

Mỗi một quận, vùng ở Paris có trung tâm “Bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em” miễn phí. Các trung tâm này chỉ là nơi kiểm tra bệnh định kỳ miễn phí cho bà mẹ trẻ em, ai ở gần đâu sẽ khám đấy, ko nhất thiết thuộc tuyến để thuận tiện đi lại cho các bà mẹ hay người trông trẻ, đỡ tắc nghẽn giao thông

Trẻ em dưới 6 tuổi và phụ nữ có quyền được khám miễn phí ở các trạm khám chỉ dành riêng cho phụ nữ và trẻ sơ sinh. Trạm có không gian để quần áo trẻ sơ sinh sạch sẽ của ai không dùng nữa, đem đến cho. Ai cần thì lấy về dùng. Trẻ lớn, quần áo chật, cha mẹ có ý thức giặt sạch sẽ đem đến đó cho người khác. Người nghèo, thì trạm xá cho sữa do các tổ chức sản xuất tặng quảng cáo.

 

Toàn cảnh Trung tâm Bảo vệ Bà mẹ trẻ em ở Arcueil (Chaperon vert, ngoại ô Paris).

 

Trẻ vừa sinh, được hãng đồ trẻ em tặng gói quà to để quảng cáo sản phẩm. Tùy sức khỏe của trẻ, bác sĩ khuyên chọn loại sữa nào phù hợp.

Mười ngày sau, sản phụ tự đẩy con đưa đi khám ngay trạm gần nhà. Ở đó, không phải xếp hàng. Tất cả liên lạc qua điện thoại và đăng kí giờ đến để sản phụ mới sinh không mệt vì chờ đợi. Trạm khám này chỉ khám và hướng dẫn cho bà mẹ và trẻ em, tiêm vaccine định ký chứ không chữa bệnh. Bác sĩ có kê thuốc chữa bệnh đơn giản, như cảm, sốt, viêm họng, đau bụng…. Nếu bệnh nguy hiểm phải đưa đến BV.

Những người làm việc ở đây rất yêu trẻ em, vui vẻ nhiệt tình. Trạm này hàng tháng tổ chức nói chuyện về kinh nghiệm nuôi trẻ, giải đáp thắc mắc. Tất cả có thể đến nghe và hỏi trực tiếp bác sĩ và các nhà tâm lý trẻ sơ sinh. Phòng đợi rộng, đầy đồ chơi. Trẻ em hơn 6 tuổi đi theo mẹ để khám cho em bé đều có chỗ chơi an toàn trong khi chờ mẹ. Có người trông hộ trong khi khám. Trẻ em không chỉ tiếp xúc với đồ chơi mang tính giáo dục mà còn có sách thiếu nhi rất đẹp.

Phòng chờ là một địa điểm để các bà mẹ đến tâm sự hỏi nhau về kinh nghiệm.

Trợ cấp

Sức khỏe trẻ em là quan trọng. Trẻ em khỏe mạnh, lớn lên sẽ khỏe mạnh. Có sức khỏe mới học tập tốt và lao động tốt. Con cái khỏe mạnh, cha mẹ yên tâm công tác. Xã hội tiến bộ và phát triển là một xã hội nhiều người khỏe mạnh. Thai nhi được 3 tháng, bà bầu đã được chăm sóc. Phụ nữ mang thai từ 6 tháng được khám miễn phí, và hưởng trợ cấp từ thời gian đó (căn cứ trên thu nhập). Để được hưởng chế độ ưu đãi này, thai phụ bắt buộc đi khám định kỳ để phòng bệnh hay ngừa thai từ trong bụng, hạn chế trẻ ra đời bệnh tật. Trẻ mang bệnh tật là gánh nặng của gia đình và toàn xã hội, trẻ tàn tật được hưởng tiền nuôi dưỡng và đòi hòi chế độ chăm sóc đặc biệt. Chính sách chăm sóc thai nhi được đề cao. Trẻ 3 tháng, cha mẹ mới bắt đầu khai thu nhập để hưởng trợ cấp tiếp. Từ đứa trẻ thứ hai thì hưởng khoảng 100 euros/tháng, không căn cứ vào thu nhập - là hình thức khuyến khích đẻ. Sản phụ có quyền nghỉ sớm tùy theo tình trạng sức khỏe do bác sĩ quyết định và được quyền hưởng lương 100% đến khi trẻ 4 tháng. Nếu sinh con thứ hai trở lên, mẹ hoặc bố (tùy chọn) có quyền nghỉ việc ở nhà 3 năm trực tiếp trông con với trợ cấp khoảng 500 euros/1 tháng. Nhờ đó, trẻ em được chính cha hay mẹ chăm sóc trực tiếp tốt hơn. Bởi đi gửi con cũng mất khoản lương như thế, và trẻ không được chăm sóc bằng chính cha mẹ. Trông trẻ tư nhân ở Pháp cũng phải được học và có bằng cấp, hằng năm đến kỳ phải thi sát hạch. Có bằng rồi mới được phép trông trẻ. Muốn trông tại nhà thì thanh tra của Nhà nước sẽ đến kiểm tra diện tích, điều kiện ăn ở, vệ sinh. Nếu nhà đông người hoặc chật, không được phép trông giữ. Nhà phải có cũi, chăn gối, đồ chơi cho trẻ Nhà nước giám sát và trợ giúp chi phí sắm đồ. Những người châu Á hoặc da đen nhập cư thường làm việc trông trẻ tư nhân. Còn một hình thức trông nữa, với điều kiện cha mẹ tin tưởng thì cô nuôi trẻ sẽ đến nhà làm việc. Thường là hai gia đình có trẻ con sẽ trao đổi luân phiên tuần này ở nhà này, tuần sau ở nhà kia. Họ mang con mình đến nhà bạn, cô trông trẻ sẽ trông hai đứa vào giờ bố mẹ chúng đi làm. Mọi hình thức trông trẻ đều do Nhà nước trả lương, cha mẹ đóng tiền cho Nhà nước. Không riêng với người trông trẻ, ngay bố mẹ đẻ mà để con nhỏ một mình trong nhà lâu, để chúng khóc hoặc quát doạ, đánh đập chúng, hàng xóm biết, báo cảnh sát thì bị phạt, với cô trông trẻ có thể bị treo hoặc thu bằng. Cha mẹ thì có thể bị cảnh cáo, phạt tiền, nặng nhất là mất quyền nuôi con.

Chế độ phúc lợi cao và tính ưu việt nhân đạo của nhà nước văn minh khiến trẻ con sống ở Pháp thực sự được chăm chút. Chính phủ trợ giúp học phí và mọi chế độ từ khi đứa bé chào đời, không phân biệt người gốc Pháp hay dân nhập cư, chưa có quốc tịch.

 

Tác giả bên tượng em bé, trên đường đi Beuzec cap sizun (thuộc tỉnh Bretagne), Pháp.

TS. TRẦN THU DUNG (Paris) / Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh