Né thưởng Tết cho nhân viên là giám đốc yếu kém, vớ vẩn
- Tra cứu sét nghiệm y khoa
- 16:55 - 20/01/2016
Trao đổi về thưởng Tết cuối năm, nhiều giám đốc công ty thẳng thắn cho rằng người lao động phải được thưởng Tết và chỉ có giám đốc yếu kém mới tìm cách tránh né.
Theo thông tin của Bộ Lao động, Thương bình và Xã hội, mức thưởng Tết 2016, dự báo cao hơn so với 2015. Tìm hiểu thông tin từ phía các doanh nghiệp thì đa số các giám đốc cho rằng thưởng Tết cho nhân viên là điều tất nhiên, phải làm.
Người lao động xứng đáng được thưởng Tết
Ông Đào Anh Tuấn, Giám đốc công ty cổ phần Tư vấn Đầu tư Phát triển nhà vườn TAT ở Hà Nội cho biết: “Việc thưởng tết cho nhân viên là điều tất nhiên. Khi một công ty đi vào hoạt động, khoản tiền thưởng cuối năm rất quan trọng, nó giúp cổ vũ tinh thần làm việc cho nhân viên để giúp năng suất công việc đi lên, hơn thế còn thu hút được người tài cống hiến cho công ty”.
Theo ông Tuấn, nhân viên ở mỗi công ty cũng phải chấp nhận một thực tế, tiền thưởng Tết phụ thuộc hoàn toàn vào doanh thu bán hàng trong một năm. Doanh thu cao hay thấp sẽ tương đồng với mức tiền thưởng được đưa ra. "Né thưởng Tết cho nhân viên là giám đốc yếu kém, vớ vẩn", ông Tuấn nhấn mạnh.
Được biết, năm nào công ty của ông Tuấn cũng áp dụng chế độ thưởng tết bằng việc chiết khấu phần trăm hoa hồng khi bán sản phẩm. Tiền thưởng có khi là hàng chục, thậm chí là hàng trăm triệu đồng.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Duệ, Giám đốc công ty Khoảng sản kim loại màu Nghệ Tĩnh ở Nghệ An cho biết: “Khoản tiền thưởng tết cho nhân viên luôn được ghi rõ trong hợp đồng lao động ngày từ khi mới đầu vào làm việc. Đã xác định hoạt động kinh doanh thì không thể dùng các lý do khác nhau “né” thưởng tết cho nhân viên được. Tôi nghĩ công sức cả năm người lao động bỏ ra họ rất xứng đáng để nhận được tiền thưởng tết”.
Cũng theo vị này, tiền thưởng Tết năm 2014 và 2015 của công ty bình quân đạt 7,5 triệu/người. Năm 2016, tình hình kinh doanh của công ty gặp nhiều khó khăn nhưng ban lãnh đạo đã thống nhất thưởng tết bình quân 5,5 triệu/người.
Ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Sài Gòn Xinh ở Hà Nội cho hay: “Việc thưởng tết cho nhân viên là việc làm không thể thiếu vào dịp cuối năm. Chính vì thế nên ở công ty tôi không cho rằng đây là áp lực quá lớn. Việc thưởng ít hay nhiều phụ thuộc vào doanh số kinh doanh được chốt vào cuối năm”.
Áp lực khi thưởng Tết là không tránh khỏi
Bên cạnh các công ty xem việc thưởng Tết khá “hậu hĩnh” cho nhân viên, vẫn có một vài công ty gặp khó khăn về tài chính dịp cuối năm. Nhóm công ty này chủ yếu tập trung ở các ngành nghề như xây dựng, dệt may…
Là một công ty mới tham gia vào lĩnh vực xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Chỉnh, Giám đốc công ty TNHH Thương mại và xây dựng Vinaco Việt Nam ở Hà Nội chia sẻ: “Việc thưởng Tết cho nhân viên dịp cuối năm là vấn đề khá khó khăn và áp lực đối với công ty. Không giống như các ngành nghề khác, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng phải phụ thuộc rất nhiều vào nhà thầu. Những trường hợp như công ty chưa được giải ngân, công trình chậm tiến độ thi công, hoạt động cầm chừng…”
“Thậm chí khi công ty mới đi vào hoạt động, ngay cả giám đốc còn không có lương. Đã có thời điểm, công ty phải tính đến chuyện đi vay tiền để trả lương đúng thời hạn cho nhân viên. Tuy nhiên công ty cũng sẽ cố gắng lo thưởng tết cho anh em.”, ông Chỉnh kể.
Khá đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc công ty cổ phần thương mại và dịch vụ Sài Gòn Xinh ở Hà Nội, cũng cho rằng: “Nếu nói việc thưởng Tết không áp lực thì cũng không hoàn toàn đúng. Bởi tháng cuối năm, hầu hết ở công ty cùng một lúc vừa phải trả lương vừa phải thưởng Tết nên số tiền sẽ đội lên gấp đôi. Đây là tình trạng chung ở các công ty nên người lao động cũng phải thông cảm”.
Trao đổi với phóng viên về quy đinh của luật pháp về chuyện thưởng tết cho nhân viên, luật sư Lê Ngọc Hoàng, Trưởng Văn Phòng luật sư Long Tâm (Đoàn luật sư Hà Nội cho biết: “Việc thưởng Tết của mỗi doanh nghiệp sẽ phụ thuộc vào quy chế tài chính và hợp đồng lao động của doanh nghiệp đó. Trước khi tuyển nhân viên vào làm việc tại doanh nghiệp, việc thưởng tết sẽ được ghi rõ trong hợp đồng lao động. Hầu hết ở các doanh nghiệp, doanh số bán hàng tăng hay giảm là điều kiện để đề ra tiền thưởng tết cho nhân viên”./.
CÙNG CHUYÊN MỤC
Hàng nghìn CEO trên toàn cầu tự tin về triển vọng tăng trưởng như chưa hề có đại dịch
Giám đốc điều hành (CEO) của các doanh nghiệp lớn nhất thế giới ngày càng lạc quan về triển vọng của doanh nghiệp mình. Mặc dù biến thể Delta làm chậm quá trình "trở lại bình...
3 năm trước
Tin nên đọc