CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 09:59

Nấu cháo từ thiện để trả ơn cuộc đời

Đứng dậy sau vết trượt đầu đời

Đỗ Minh Hòa sinh ra trong một gia đình quân nhân, bố mẹ anh từng rất đau khổ khi có đứa con vướng vào vòng lao lý. Tâm sự với chúng tôi, Đỗ Minh Hòa cho biết: “Từng bị phạt tù 7 năm vì tội trộm cắp, cướp giật tài sản, vẫn còn giật mình: “Cũng may tôi vào tù, nếu không, biết đâu tôi đã không còn ở thế giới này nữa”.

Nói về những ngày ở tù, Hòa tâm sự: “Mẹ hay lên thăm, bà động viên khích lệ tôi cải tạo tốt để sớm về lại gia đình. Nhìn dáng mẹ gầy gò, tôi hối lỗi lắm và hứa quyết tâm cải tạo thật tốt, ra tù tìm một công việc ổn định, chuộc lỗi với gia đình”.

Ngày ra tù, được bố xin cho học nghề photocopy nhưng chỉ được 3 tháng là Hòa bỏ vì thấy không hợp với mình. Nói quyết định bỏ học nghề với bố, Hòa chỉ nhận lại được sự im lặng từ bố và ánh mắt nghi ngờ. Ánh mắt ấy khiến Hòa ám ảnh. Nghĩ ngợi thêm 1 tuần, anh xin bố mua cho một chiếc xe máy để đi chở hàng thuê.

Ông đồng ý và Hòa bắt đầu đi xin việc bằng chiếc xe máy. Đến khi tình cờ đọc được tuyển dụng bán hàng của một công ty chè, Hòa xin vào vào làm việc. Vậy là anh bắt đầu xoay xở, bươn chải đi hàng trăm cây số để kiếm những đồng tiền chân chính đầu tiên.

Mỗi ngày anh được bố cho 15.000 đồng đổ xăng xe và 5.000 đồng để ăn sáng, uống nước. Bằng sự phấn đấu của mình, Hòa luôn bán được nhiều hàng nhất công ty, có thu nhập cao nhất, thi thoảng anh còn được công ty... nhờ đào tạo cho các đội nhóm kém doanh thu. Đến tận khi sắp nghỉ làm, anh mới tiết lộ chuyện mình từng đi tù, lúc đấy ai cũng giật mình vì không thể tin nổi người vẫn cần mẫn làm việc, không nề hà việc gì như Hòa lại từng có quá khứ lầm lỗi như thế.

Hạnh phúc được người vợ chia sẻ 

Trong những ngày bươn chải kiếm sống, tìm lại mình, Hòa thầm thương một người con gái và tình yêu ấy đã giúp anh đứng vững với sóng gió cuộc đời. Cô gái đó làm  nghề may, tên Phạm Lan Hương. Hòa cũng không ngần ngại nói về quá khứ “đã ở trong tù” của mình, vì muốn cô tin tưởng con người hiện tại của anh, đã đoạn tuyệt quá khứ. Nhưng anh không ngờ, Hương lại quá sợ những người đã từng nghiện hút, vì chính cậu của cô cũng từng dính vào nghiện hút. Hương sợ hãi nên xa lánh anh dần dần.

Hòa tôn trọng quyết định của Hương vì anh hiểu, ai cũng sẽ cư xử như vậy với người có quá khứ lỗi lầm như anh. Lâu không thấy bạn trai đến nhà chơi, lại thấy tâm trạng u buồn của cô con gái, mẹ Hương sinh nghi. Bà tỉ tê, hỏi han và được con gái tâm sự về sự lo lắng của mình về Hòa.

Không ngờ, mẹ lại động viên Hương nên nghĩ lại vì bà thấy anh chăm chỉ làm lụng. Được mẹ khích lệ, Hương quay trở lại với anh và đồng ý cưới sau 6 tháng quen nhau. Dù Hòa có thu nhập thuộc diện khá ở công ty, nhưng cũng không cáng đáng được  khó khăn của gia đình, khi vợ chồng anh sinh đứa con đầu lòng.

Anh Hòa kể: “Ngày ấy khó khăn đến mức tôi phải mang chiếc nhẫn cưới đến đặt cửa hàng cầm đồ để lấy 200.000 đồng chi tiêu sinh hoạt gia đình, đến khi lĩnh lương đem ra chuộc về. Chiếc nhẫn ấy cứ hành trình đi cầm đồ và quay trở lại suốt một năm như thế. Có lúc con ốm, tôi hỏi vay bố, ông cũng không cho vay hoặc chỉ cho vay chút ít để tôi có thể trả được”. Kể đến đây, anh Hòa ngừng lại một lúc và nói tiếp: “Cảm giác ám ảnh thời khốn khó ấy vẫn như vẫn mới ngày hôm qua.

Nhiều lúc ấm ức lắm, vì tôi đã làm lại cuộc đời, đã trở thành lương thiện mà bố vẫn như không tin tưởng tôi, chỉ sợ tôi lại chơi bời. Thật may, vì nhờ sự nghi kỵ ấy, tôi lại thêm động lực vượt qua khó khăn”.

Và hành trình nấu cháo miễn phí cho bệnh nhân nghèo

Cuộc đời Hòa gặp bước ngoặt lớn khi người bác nhờ bán một ngôi nhà và được bác cho một ít tiền hoa hồng. Số tiền ấy anh quyết định đầu tư mua 4-5 chiếc xe máy cho thuê, có đồng ra đồng vào, rồi lại tính toán kinh doanh nhỏ lẻ nhiều lĩnh vực. Cứ thế, dần dần cuộc sống gia đình khá lên, Hòa bắt đầu mở quán karaoke, bia hơi, nhà hàng-khách sạn, làm tour lữ hành...

Khi cuộc sống đã có của ăn, của để vợ chồng Hòa bắt đầu nghĩ đến những người nghèo khổ khác. Và ý tưởng nấu cháo miễn phí cho các bệnh nhân ung thư bắt đầu từ chị Hương, vợ anh. Ban đầu nhìn đội phát cháo nhiều người trông... hầm hố, người bệnh sợ không dám ra xếp hàng, anh Hòa phải trực tiếp đi vận động, họ mới dám mang bát ra nhận cháo.

Một buổi phát cháo từ thiện (ảnh minh họa)

Anh tâm sự: “Đến thời điểm này tôi có thể bỏ tiền ra thuê một đội chuyên nấu cháo và phát cháo nhưng tôi không muốn làm thế. Người ta bảo, của cho không bằng cách cho. Nồi cháo này được nấu từ cái tâm thật sự đồng cảm với người bệnh của vợ chồng tôi. Sáng sáng vợ tôi vẫn tự đi chợ mua đồ về nấu cháo. Đến tầm trưa, chúng tôi cùng nhau quấy nồi cháo và chiều thì mang đi chia cho bệnh nhân. Tôi tin họ cảm nhận được tình cảm của chúng tôi gửi qua từng bát cháo.

Được chia sẻ, chắc chắn họ sẽ vững tin hơn trong cuộc chiến với căn bệnh nan y này”. Cũng vì thế mà mỗi ngày đến lịch nấu cháo, anh Hòa lại phải đẩy công việc của mình lên sớm hơn vài tiếng.

Hiện nay, Đỗ Minh Hòa đã trở thành một doanh nhân thành đạt với hệ thống nhà hàng, khách sạn, hồ câu cá lớn. Nhân viên làm việc cho anh đến nay cũng có gần 30 người, đa phần là những người có tiền án, tiền sự. Anh bảo, đối với những người đã từng sa ngã, nếu biết thì rất dễ cảm hóa họ, bởi anh cũng đã từng có thời lầm lỗi. Có người anh chỉ cần thủ thỉ tâm sự là có thể giúp họ vững vàng trở lại, nhưng có người anh phải “cứng” để họ tâm phục khẩu phục làm việc cho anh.

“Mới đầu tôi còn phải trả lương cho anh em đi phát cháo, giờ thì không cần trả lương họ vẫn tình nguyện đi”-Hòa tâm sự với một ánh mắt rất vui, bởi như anh nói “Điều quan trọng nhất đối với bất kỳ ai chính là phải biết tự đứng lên. Xã hội và gia đình đã tạo điều kiện thì phải nắm lấy, phải cố gắng. Trời sẽ không phụ lòng người”. Bởi, chính anh đã được quả ngọt sau những cố gắng không mệt mỏi để vượt lên cuộc sống sau những sai lầm thời trẻ trai.

Nguyên Anh

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh