THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 11:22

NASA sắp công bố 3 phát hiện quan trọng về sao Hỏa

 

Khí quyển sao Hỏa mất đi như thế nào?

Theo Telegraph, NASA sắp tổ chức một cuộc họp báo ở Washington DC, Mỹ, để tiết lộ những thông tin mới về sao Hỏa, với thành phần tham gia chủ yếu là các nhà khoa học đến từ MAVEN, nhóm chuyên nghiên cứu tầng thượng quyển, điện ly quyển và từ quyển của hành tinh đỏ.

Phát hiện mới của tàu MAVEN có thể giải thích sự biến mất của khí quyển sao Hỏa. Ảnh: UFOmania.

Tàu thăm dò MAVEN tiến vào quỹ đạo sao Hỏa tháng 9/2014 và nghiên cứu sao Hỏa cùng với bầu khí quyển của nó hai tháng sau đó.

Thiết bị tự hành Curiosity Rover tìm thấy bằng chứng về hồ nước và những dòng sông khô cạn ở sao Hỏa, bên cạnh những lớp sỏi và khoáng chất, cho thấy từng tồn tại một bầu khí quyển đủ đậm đặc để nước chảy trên bề mặt hành tinh. Tuy nhiên, phần lớn bầu khí quyển đã biến mất theo thời gian và khí quyển sao Hỏa hiện nay chỉ đặc bằng 1% so với Trái Đất.

Các nhà khoa học cho rằng hàng triệu năm trước, lõi hành tinh nguội dần và từ trường của nó phân rã, tạo điều kiện cho gió mặt trời thổi nước và khí bay hơi vào vũ trụ. Việc tìm hiểu quá khứ của sao Hỏa sẽ giúp NASA lên kế hoạch chinh phục hành tinh đỏ trong tương lai.

Sự sống có tồn tại trên sao Hỏa?

Dù MAVEN chủ yếu nghiên cứu quá trình biến mất của bầu khí quyển, những phát hiện của nó có thể giúp giải thích chỉ số methane trên sao Hỏa. Methane do những sinh vật sống sản sinh ra, là một chỉ dẫn tốt về những dạng sống tiềm năng ở đây.

Những viên sỏi trên sao Hỏa (trái) rất giống sỏi ở Trái Đất (phải). Ảnh: NASA.

NASA tìm thấy khí methane ở sao Hỏa lần đầu tiên năm 2003. Khí methane có thể phân rã nhanh chóng bởi bức xạ cực tím từ Mặt Trời, nên sự hiện diện của nó chỉ ra có một nguồn bổ sung liên tục loại khí này.

Giả thuyết ban đầu là những vụ va chạm của sao băng tạo ra nguồn cung cấp khí methane, nhưng các nhà nghiên cứu ở Đại học Hoàng gia London, Anh, phát hiện số vụ sao băng rơi quá thấp để duy trì lượng khí đo được.

Vào tháng 9, Curiosity Rover ghi nhận chỉ số methane ở một khu vực rộng 300 m2 tăng vọt gấp 10 lần sau 60 ngày. Những số liệu mới từ MAVEN có thể giải thích lượng khí methane này đến từ đâu.

Sao Hỏa có an toàn cho việc định cư?

Nhóm nghiên cứu MAVEN nhiều khả năng sẽ đưa ra thông tin chi tiết về khí quyển sao Hỏa, nhằm giúp NASA thiết kế một nơi cư ngụ an toàn cho việc định cư trong tương lai. Do sao Hỏa gần như không có khí quyển và thường xuyên tiếp nhận tia phóng xạ độc hại của Mặt Trời, hành tinh này không thuận lợi cho sự sống của con người.

NASA muốn đưa người đến định cư trên sao Hỏa vào những năm 2030. Ảnh:NASA.

NASA đã tiết lộ ý định đưa con người đến sống và làm việc trên sao Hỏa, ở những khu định cư một cách hoàn toàn độc lập với trái đất vào thập niên 2030. Tuy nhiên hiện tại, thời gian các phi hành gia có thể trải qua trong vũ trụ vẫn còn hạn chế do những lo ngại về phóng xạ gây ung thư.

Tuần trước, các nhà khoa học cũng tìm thấy những dấu vết của "sương mù axit" có chất ăn mòn trôi nổi trên bề mặt sao Hỏa. Theo họ, loại sương mù nguy hiểm này tỏa ra từ các núi lửa.

Báo cáo mang tên "Hành trình đến sao Hỏa" do NASA công bố gần đây hé lộ kế hoạch ba bước để chinh phục sao Hỏa. Những thí nghiệm đang được tiến hành trên Trạm Vũ trụ Quốc tế để hoàn thiện kế hoạch này. Bước cuối cùng của kế hoạch sẽ cho phép con người đổ bộ lên bề mặt hành tinh, thiết lập những nơi định cư sử dụng kết cấu liên kết và công nghệ in 3D. Những phát hiện mới của MAVEN sẽ chỉ ra lượng oxy trên sao Hỏa và những nguyên tố hữu ích khác mà con người có thể sử dụng.

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh