THỨ BẨY, NGÀY 23 THÁNG 11 NĂM 2024 12:31

Nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động là xu thế tất yếu

 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trả lời câu hỏi của phóng viên.

Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang nghiên cứu, lấy ý kiến về nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động. Đây là vấn đề được dư luận xã hội và người lao động rất quan tâm.

"Việc nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động là xu thế tất yếu và được nhiều quốc gia thực hiện. Tuổi nghỉ hưu ở nước ta đã được quy định và duy trì từ lâu, đến nay đã có nhiều yếu tố thay đổi, trong đó có sức khoẻ và tuổi thọ của người dân được nâng lên (trên 73 tuổi)"--ông Dũng nêu quan điểm.

Nữ đại biểu Quốc hội trao đổi về tuổi nghỉ hưu 

Người phát ngôn của Chính phủ cũng cho rằng, việc nâng tuổi nghỉ hưu cần được xem xét một cách tổng thể, phù hợp với tuổi thọ trung bình và điều kiện kinh tế-xã hội; bảo đảm việc làm, thu nhập của người lao động đang làm việc và người bước vào độ tuổi lao động; bảo đảm an sinh xã hội, chế độ hưu trí...

"Vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động liên quan đến lực lượng lao động xã hội, quyền lợi của người lao động và có tác động xã hội rộng lớn, nên phải nghiên cứu, phân tích kỹ với nhiều phương án, lấy ý kiến rộng rãi trước khi trình các cấp có thẩm quyền xem xét quyết định"- ông Dũng cho biết.

Trả lời câu hỏi về công tác thống kê và phương án hỗ trợ thiệt hại sau vụ việc cá chết hàng loạt tại 4 tỉnh ven biển Miền Trung vừa qua hiện đã triển khai đến đâu? Việc sử dụng kinh phí bồi thường 500 triệu USD của Formosa Hà Tĩnh cụ thể như thế nào? Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, đến nay, 4 tỉnh miền Trung đã hoàn thành việc thống kê thiệt hại của người dân, hộ gia đình bị ảnh hưởng. Công tác thống kê được các địa phương tiến hành theo nguyên tắc: Công bằng, công khai, minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật và được công bố, công nhận trong cộng đồng.

Việc thống kê thiệt hại được tiến hành từ cấp thôn, với sự tham gia của chính quyền, đại diện đoàn thể, người dân và đại diện chức sắc tôn giáo cùng cấp. Sau đó kết quả thống kê sẽ được thẩm định tại cấp huyện, thẩm tra tại cấp tỉnh cùng với sự tham gia của các thành phần nêu trên và đến nay đã gửi Bộ NN&PTNT để tổng hợp.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì xây dựng Đề án xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường; sau khi lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành và địa phương, Bộ NN&PTNT đang hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đến ngày 29/9, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt định mức bồi thường thiệt hại cho các đối tượng tại 4 tỉnh bị thiệt hại do sự cố môi trường biển (Quyết định 1880/QĐ-TTg), trong đó xác định 7 nhóm đối tượng được bồi thường: Khai thác hải sản; nuôi trồng thuỷ sản; sản xuất muối; hoạt động kinh doanh thuỷ sản ven biển; dịch vụ hậu cần nghề cá; dịch vụ du lịch, thương mại ven biển; thu mua, tạm trữ thuỷ sản. Đồng thời cũng quy định về định mức cụ thể cho từng nhóm đối tượng và thời gian tính bồi thường thiệt hại tối đa là 6 tháng (từ 4/2016 đến hết tháng 9/2016). Giao Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ xem xét quyết định trước ngày 10/10/2016.

Ngày 30/9, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình đã họp và quyết định ứng trước 3.000 tỷ đồng (từ kinh phí bồi thường của Công ty Formosa) cho các tỉnh để tạm ứng cho các đối tượng được bồi thường thiệt hại trong thời gian chờ hoàn tất các thủ tục cần thiết.

.

GIANG ĐÔNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh