Nắng nóng oi bức, những nhóm người này không nên uống nước lạnh kẻo sốc nhiệt
- Y học 360
- 21:00 - 07/07/2020
Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ cao, uống một cốc nước lạnh thường mang lại cảm giác khoan khoái dễ chịu. Nhưng bạn có biết rằng, khi bạn uống nước lạnh như vậy sẽ làm các mạch máu co lại đột ngột, tăng khả năng tiêu thụ oxy từ tim. Sự thay đổi này sẽ làm huyết áp thay đổi đột ngột gây nguy cơ nhồi máu cơ tim dẫn đến đột quỵ. Đặc biệt, bệnh đột quỵ ở người cao tuổi xảy ra vào mùa nắng nóng chiếm tỉ lệ cao do những thay đổi về nhiệt độ, ăn uống và chế độ sinh hoạt.
Vậy những nhóm người nào nên tránh xa đồ uống lạnh vào mùa hè?
Theo thống kê lâm sàng, những người bị nhồi máu cơ tim do kích thích lạnh đột ngột trong môi trường nhiệt độ cao chủ yếu gồm:
1. Những người có tiền sử về bệnh tim mạch như: Nhồi máu cơ tim, thiểu năng mạch vành, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch....
2. Những người có khả năng tự điều tiết trong mạch máu kém gồm có: Người thường xuyên hút thuốc, người cao huyết áp, rối loạn mỡ máu (tăng cholesterol, triglycerid), đái tháo đường, người trung niên và cao tuổi, người bệnh tim…
Ngoài những đồ uống lạnh, kem, nhóm người có nguy cơ cao này còn cần chú ý đến những khả năng kích thích lạnh dưới đây:
1. Tắm nước lạnh khi người đổ mồ hôi
Một số người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch không hề có biểu hiện khác biệt về ngoại hình, nhưng thực tế những người này có độ đàn hồi trong mạch máu kém, hoặc một số mạch máu hình thành mảng bám, xơ cứng… Người bình thường có thể tắm lạnh mà không có biến chứng về sức khỏe nhưng với nhóm người nguy cơ mắc bệnh tim mạch thì hoàn toàn khác. Tắm nước lạnh có thể gây co thắt động mạch vành, làm vỡ các mảng bám trong mạch máu gây nguy hiểm cho tính mạng.
Ngoài ra, thói quen tắm ngay khi vừa đi ngoài nắng hoặc cho quạt chiếu thẳng vào người cho đỡ nóng, giảm mồ hôi… điều này cũng là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe. Nếu nhẹ có thể gây viêm đường hô hấp trên (viêm mũi, họng, viêm xoang…), nếu nặng có thể viêm phế quản, viêm phổi. Một số bệnh như viêm phế quản mạn tính, giãn phế quản hoặc hen suyễn, bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) khi lạnh đột ngột cũng sẽ tái xuất hiện, đặc biệt là bệnh hen ác tính rất nguy hiểm đến tính mạng.
2. Nhiệt độ điều hòa quá thấp
Sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ phòng và nhiệt độ ngoài trời rất dễ gây ra hiện tượng co thắt động mạch vành. Nếu bạn đột nhiên bước vào một căn phòng có nhiệt độ quá thấp, các mạch máu trong cơ thể sẽ co lại đột ngột, đồng thời huyết áp tăng lên. Những yếu tố này sẽ làm vỡ các mảng bám trong động mạch vành và rất dễ gây ra hiện tượng nhồi máu cơ tim nguy hiểm.
Theo QQ