Nắng nóng như chảo lửa, mẹ đừng quên bỏ túi những lưu ý sau để trẻ không lăn ra ốm hàng loạt
- Bác sĩ
- 00:05 - 22/05/2020
Những ngày này nắng nóng cực điểm lên đến 39 - 40 độ C, ngoài trời chẳng khác gì chảo lửa, bố mẹ phải cực kỳ cẩn thận trong việc chăm sóc trẻ. Bên cạnh việc đảm bảo một chế độ ăn uống thanh đạm, hợp vệ sinh, lịch trình vận động tránh nắng gắt..., bố mẹ cũng không thể bỏ qua cách mặc những bộ đồ thích hợp, đảm bảo cho trẻ luôn cảm thấy thoáng mát, dễ chịu dù thời tiết nóng bức.
Kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ thường xuyên, tránh ra ngoài vào giờ nắng nóng cao điểm
Trong những ngày nhiệt độ thời tiết lên cao, bố mẹ cũng đừng quên việc kiểm tra nhiệt độ cơ thể trẻ thường xuyên để có những điều chỉnh thích hợp. Việc này đặc biệt quan trọng khi bố mẹ đưa trẻ ra ngoài. Bố mẹ có thể sờ vào lòng bàn tay, bàn chân của trẻ để biết khi trẻ quá nóng hoặc quá lạnh. Ngoài ra, bố mẹ cần để ý tới các dấu hiệu như da ửng đỏ, mắt lờ đờ... vì có thể trẻ bị say nắng.
Tránh đưa trẻ ra ngoài vào khung giờ nắng nóng cao điểm trong ngày (khoảng từ 10h sáng đến 16h chiều), vì lúc này, ánh nắng mặt trời mạnh nhất, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của trẻ. Trẻ có thể bị say nắng, cháy nắng, mệt mỏi, khó thở nếu ở ngoài trời vào thời điểm nhiệt độ cao.
Cho trẻ uống nước thường xuyên, tăng cường bổ sung vitamin từ hoa quả
Những ngày nắng gắt, trẻ rất dễ bị mất nướckhi lượng dịch thoát ra qua mồ hôi và nước tiểu lớn hơn lượng dịch uống vào. Mất nước làm giảm khả năng điều hòa thân nhiệt và do đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nắng nóng khác.
Vì thế cha mẹ phải tăng cường bổ sung nước cho trẻ. Nên cho trẻ uống nước thường xuyên cũng là cách giải nhiệt cơ thể, chống mất nước. Nếu bé còn bú mẹ thì cần cho bú nhiều cữ hơn. Với trẻ trên một tuổi, bố mẹ có thể bổ sung thêm nước dừa, nước hoa quả cho bé...
Mặc quần áo mùa hè thoáng mát, dễ chịu
- Đi ra ngoài đừng quên áo chống nắng, mũ, khẩu trang và kính râm
Nếu ở trong nhà, trong lớp học, trẻ có thể được bảo vệ khỏi ánh nắng, nhưng khi đi ra đường, trẻ sẽ bị cháy nắng và sốc nhiệt nếu như mẹ không chuẩn bị kỹ càng cho trẻ. Trang phục đi ngoài đường cho trẻ bắt buộc phải có áo chống nắng, mũ rộng vành (bảo vệ mắt và làn da của bé khỏi ánh nắng mặt trời), khẩu trang và kính chống nắng (tiêu chuẩn UV400). Mẹ cũng nên để ý mặc quần dài cho trẻ, tránh mặc quần đùi khiến vùng da chân của trẻ bị cháy.
Áo chống nắng nên chọn loại làm từ chất liệu lanh, cotton và loại may 2 lớp sẽ có tác dụng chống nắng và cách nhiệt tốt hơn. Tránh chọn loại áo làm từ vải cứng và thô cọ xát vào da sẽ khiến bé khó chịu. Trong trường hợp trẻ đi bộ và đoạn đường ngắn, trẻ chỉ cần mang ô và đeo khẩu trang, chú ý cho trẻ đi dưới hàng cây nếu có. Chỉ cho trẻ đi bộ khi quãng đường ngắn và trời không nắng gắt.
- Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, màu sắc tươi sáng
Chất liệu luôn là ưu tiên hàng đầu khi chọn trang phục cho trẻ, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng. Mẹ nên chọn những bộ quần áo làm bằng những loại vải thoáng mát và nhẹ, được làm từ sợi tự nhiên như vải cotton, vải lanh, thay vì sợi tổng hợp (polyester và tơ nhân tạo). Mẹ cũng nên kiểm tra đúng loại vải cotton bằng cách sờ tay vào vải cảm giác mềm tay, có độ xốp, bề mặt thô, không bóng, khó giặt.
Những quần áo làm từ vải thoáng mát, nhẹ, mỏng, mềm sẽ có khả năng thấm hút mồ hôi nhanh hơn, tạo cho trẻ cảm giác thoáng mát và thoải mái. Ngoài ra, bố mẹ cũng nên lưu ý cho trẻ mặc quần áo sáng màu để ít hấp thụ nhiệt, giúp trẻ mát mẻ hơn. Quần áo màu trắng và màu pastel (màu nhạt) được ưu tiên hàng đầu trong mùa hè nóng bức.
Khi đi ngủ, một số bố mẹ thường lo trẻ bị lạnh nên không dám cho trẻ mặc quần áo cộc. Nhưng như vậy, trẻ lại dễ bị nóng, đổ mồ hôi và nếu không được lau khô sẽ thấm ngược vào trong, gây viêm phế quản, viêm phổi. Nếu bật điều hòa khi ngủ, bố mẹ có thể mặc quần áo mỏng dài tay cho trẻ. Còn không, bố mẹ nên mặc áo cộc tay cho trẻ vào mùa hè.
Hạn chế các hoạt động thể lực mạnh và vận động ngoài trời
Bố mẹ có thể tham khảo dự báo thời tiết để lên kế hoạch các hoạt động ngoài trời phù hợp cho trẻ. Trong những ngày nhiệt độ thời tiết lên cao, tốt nhất nên hạn chế các hoạt động ngoài trời, hoạt động thể lực đòi hỏi nhiều sức lực, phải vận động nhiều.
Nếu bắt buộc có các hoạt động ngoài trời, bố mẹ, người chăm sóc trẻ nên tìm những địa điểm có bóng râm và tổ chức vào lúc nắng không gắt. Việc lựa chọn không gian cho trẻ vui chơi, học tập cũng cần đảm bảo thoáng mát, mật độ không quá dày đặc sẽ khiến trẻ khó thở, mất sức.
Một vấn đề khác bố mẹ cần lưu ý nữa là không để trẻ bị sốc nhiệt khi di chuyển giữa các không gian có chênh lệch nhiệt độ lớn, như từ ngoài vào phòng sử dụng điều hòa nhiệt độ.