THỨ BẨY, NGÀY 09 THÁNG 11 NĂM 2024 11:57

Nắng nóng đỉnh điểm, bệnh viện kín bệnh nhân

 

Bệnh nhân cấp cứu tại BV Thanh Nhàn ngày nắng nóng

 

Sáng Chủ nhật (19/5), khoa Cấp cứu Nội Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội) rất đông bệnh nhân. Trong những ngày nắng nóng vừa qua, mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 20 ca đột quỵ, gia tăng nhiều so với những ngày thường. Bác sĩ điều trị cho biết hầu hết các ca bệnh liên quan đến nắng nóng. Trong đó đáng chú ý có những bệnh nhân đang đi ngoài đường bị say nắng, say nóng, sốc nhiệt được người dân đưa vào cấp cứu. Đây phần lớn là những người phải làm việc hoặc đi quá lâu ở ngoài trời nắng, nhiều tia nắng chiếu thẳng vào vùng cổ, gáy. Ngoài ra có những bệnh nhân tăng huyết áp, thường xuyên đau đầu do nắng nóng... cũng phải nhập viện cấp cứu. Nhiệt độ cao bất thường cũng khiến nhiều trẻ nhập viện vì sốt cao, viêm đường hô hấp...

Tại Bệnh viện Bạch Mai, PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Phó trưởng khoa Cấp cứu cho biết, những đợt nắng nóng gay gắt, khoa thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh đang đi ngoài đường nóng thì ngất xỉu, sốc nhiệt, được người dân đưa vào cấp cứu. Đáng chú ý, không chỉ trẻ em, người già bị đổ bệnh do nắng nóng mà ngay cả những thanh niên khỏe mạnh cũng phải nhập viện vì say nắng, say nóng, thậm chí đã ghi nhận những ca tử vong, tổn thương não vì nắng nóng.

Nắng nóng gay gắt như hiện nay là thời điểm khiến người dân dễ đổ bệnh, và là nguyên nhân gây sốc nhiệt, nhất là người cao tuổi vì đối tượng này thường có nhiều bệnh mạn tính kèm theo như tăng huyết áp, đái tháo đường. Bên cạnh đó, các phản xạ của người già rất kém, sức chống đỡ không tốt. Vì vậy, khi tiết trời nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho các yếu tố nguy cơ, các bệnh trong cơ thể bất ổn thì rất dễ bị sốc nhiệt, đột quỵ phải nhập viện.

Bác sĩ Chi cho biết thêm, sốc nhiệt là tình trạng thường gặp những người ở dưới trời nắng nóng trong thời gian dài. Khi đó, tình trạng sốc nhiệt có thể xảy ra, người bệnh có thể rơi vào hôn mê. Biểu hiện sốc nhiệt thường là kích thích, lẫn lộn, thân nhiệt tăng cao 40-41 độ C, mất nước, bệnh nhân tiếp xúc nhiệt độ cao trong thời gian dài (như người làm việc ngoài trời, công nhân trong lò cao...).

Bù đủ nước, không để điều hòa quá lạnh

Bác sĩ Phạm Thị Trà Giang, Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Thanh Nhàn) cảnh báo, nhiệt độ vượt quá ngưỡng cơ thể chịu đựng có thể xảy ra nhiều biến cố. Để đối phó thời tiết nắng nóng của mùa hè chú ý bù đủ nước, có các phương tiện hỗ trợ chống nắng nóng khi ra ngoài hoặc làm việc.

Tại khoa Nhi (Bệnh viện Thanh Nhàn), số lượng bệnh nhi nhập viện tăng do thời tiết nắng nóng, chủ yếu các trẻ nhỏ sốt cao 39-40 độ, sốt virus, viêm phế quản. Bác sĩ Phạm Thị Như Hoa khuyến cáo, không bật điều hòa quá lạnh khiến trẻ dễ bị ốm, không để nhiệt độ quá chênh lệch với ngoài trời và bổ sung đủ nước cho trẻ. Trẻ em có sức đề kháng thấp, mức độ giữ thân nhiệt thấp hơn, do vậy, khi trẻ tiếp xúc nắng nóng trong thời gian dài hoặc ra ngoài trong nhiệt độ cao thường dẫn đến các bệnh tiêu hóa, hô hấp. Trẻ có biểu hiện sốt cao, nôn, sổ mũi…phải lập tức đưa đến bệnh viện điều trị.  

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh