Nắng như đổ lửa: 2 người tử vong, nhiều người đột quỵ
- Sức khỏe
- 16:58 - 29/06/2019
Bệnh nhân cấp cứu do đột quỵ tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương
Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết mới đây Khoa Hồi sức tích cực của bệnh viện đã tiếp nhận 3 bệnh nhân được chuyển đến cấp cứu với các triệu chứng: Hôn mê sâu, sốt cao trên 40 độ, trụy tim mạch, tổn thương chức năng gan, thận và rối loạn đông máu nặng. Các bệnh nhân này đều có đặc điểm chung là lao động nhiều giờ trong điều kiện nắng nóng, không nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ.
Dù có biểu hiện choáng ngất và hôn mê nhưng do chưa được sơ cứu kịp thời nên khi được đưa vào viện, các bệnh nhân đã trong tình trạng sốc nhiệt nặng, tổn thương nhiều cơ quan nghiêm trọng. Mặc dù đã được cấp cứu điều trị tích cực bằng hạ thân nhiệt, lọc máu liên tục… nhưng 2 bệnh nhân đã không qua khỏi, 1 bệnh nhân vẫn đang nguy kịch do di chứng nặng nề về thần kinh, hôn mê kéo dài.
Bệnh nhân nhập viện do sốc nhiệt - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Theo giới chuyên môn, với tình hình thời tiết khắc nghiệt như hiện nay rất dễ dẫn đến các vấn đề sức khỏe do nóng như cháy nắng, chuột rút, ngất, say nắng, đột quỵ… Trong đó, nguy hiểm nhất là sốc nhiệt. Ghi nhận tại một số bệnh viện trên địa bàn Hà Nội, trong ngày 28-6, số bệnh nhân cấp cứu do đột quỵ tăng cao.
Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng Khoa Cấp cứu và đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), cho biết những ngày nắng nóng vừa qua, lượng bệnh nhân cấp cứu tăng 2 lần so với những ngày trước đó. Mỗi ngày tại khoa tiếp nhận từ 50-60 bệnh nhân cấp cứu, trong khi bình thường chỉ khoảng 20-30 bệnh nhân cấp cứu. Đáng lưu ý, các bệnh nhân cấp cứu, nhập viện chủ yếu do đột quỵ, đột quỵ não, đứng thứ hai là bệnh nhân viêm phổi. Trong khi đó, tại Khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), trung bình mỗi ngày có 120 trường hợp bệnh nhân vào cấp cứu. Trong đợt nắng nóng kéo dài này, đa phần các bệnh nhân là người cao tuổi.
"Nắng nóng tác động đến người cao tuổi theo 2 cách là trực tiếp và gián tiếp. Trong đó, sốc nhiệt là tác động trực tiếp lên người bệnh, nhất là những người cao tuổi đang lao động ngoài trời. Tác động gián tiếp của thời tiết tới sức khỏe của người già đó là làm cho các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp thay đổi theo chiều hướng tiêu cực dẫn đến các biến chứng là đột quỵ"- bác sĩ Thắng phân tích. Đáng lưu ý, bệnh viện đã tiếp nhận một số trường hợp khi đưa vào cấp cứu đã bị tử vong do đột quỵ. Người nhà bệnh nhân cho hay bệnh nhân ở nhà vẫn đi lại bình thường, chỉ hơi mệt và chủ quan, nhưng khi đưa vào viện thì tình trạng đã muộn, bệnh nhân đã xuất huyết não và không qua khỏi.
Số bệnh nhân tới khám và điều trị tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương cũng tăng cao
Bác sĩ Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết nắng nóng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đột quỵ mà là yếu tố thuận lợi khiến những người có các nguy cơ của đột quỵ não như tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, các bệnh lý mạch máu, loạn nhịp tim, bệnh van tim, bệnh lý chuyển hóa…
Trong khi đó, tại Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, mỗi ngày cũng ghi nhận hàng ngàn lượt bệnh nhân tới khám, điều trị. Bác sĩ Nguyễn Hoàng Huy, Bệnh viện Tai mũi họng Trung ương, cho biết thời tiết nắng nóng kéo dài làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp do nhiễm virus và vi khuẩn. "Những yếu tố thuận lợi để nhiễm bệnh là khi việc ra vào phòng điều hoà quá nhiều lần trong ngày làm cơ thể không kịp thích nghi, kéo theo nguy cơ bị cảm cúm, lạnh. Bên cạnh đó, việc vận động nhiều hơn trong những ngày hè (chơi thể thao, đi du lịch, bơi lội...), cơ thể phải tiêu hao năng lượng nhiều hơn, trong khi nhiều người lại không bù nước kịp thời dẫn đến tình trạng mất nước, sốc nhiệt nếu phải làm việc, vận động liên tục ở ngoài trời nắng nóng"- bác sĩ Huy lưu ý.
Theo các bác sĩ, sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Các triệu chứng thường gặp khác bao gồm buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất định hướng, và đôi khi mất ý thức hoặc hôn mê. Vì vậy, người dân khi nghi ngờ ai đó bị sốc nhiệt cần gọi số điện thoại cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất. Bất cứ sự trì hoãn việc tìm kiếm hỗ trợ y tế nào đều có thể khiến bệnh nhân tử vong.
Trước khi đưa đến bệnh viện, những người xung quanh cần thực hiện các phương pháp làm mát cho người sốc nhiệt như: Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước; áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân để làm giảm nhiệt độ cơ thể.
Theo D.Thu/ báo NLĐ