THỨ SÁU, NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2024 09:00

Nâng cấp trường Trung cấp Y Dược lên Cao đẳng: Cần thận trọng và chặt chẽ

 

Góc nhìn thực tế

Nhân lực y tế là nguồn lực đóng vai trò hết sức quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe toàn dân vì “hoạ - phúc” người bệnh ở trong tay thầy thuốc. Do vậy, ngày 7/10/2015 Bộ Y tế và Bộ Nội vụ đã ra Thông tư liên tịch Số  26/2015/TTLT-BYT-BNV, Số 27/2015/TTLT-BYT-BNV về việc chuẩn hoá cán bộ Y tế trình độ cao đẳng ở các cơ sở Y tế công lập thuộc Bộ Y tế, nhằm đảm bảo người dân được chăm sóc tốt hơn bởi những cán bộ Y tế có trình độ đạt chuẩn cao đẳng theo các nước trong khu vực ASEAN

Với mục đích nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và chăm sóc người bệnh, nhưng vô hình chung điều đó lại ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh của những trường Trung cấp có mã ngành chăm sóc sức khỏe…Đặc biệt, đối với các Trường tư thục theo chủ trương “xã hội hoá Y tế - Giáo dục” của Đảng và Nhà nước.

Các ngành đào tạo chăm sóc sức khỏe trong hệ thống đào tạo quốc dân nước ta phần nhiều là các trường CĐ, ĐH công lập và là trường đào tạo chuyên sâu vào những mã ngành chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, bên cạnh đó hệ thống đào tạo tư thục cũng tham gia đào tạo những mã ngành này khá nhiều, nhưng phần lớn thuộc các trường đa ngành và tập trung nhiều vào các Trung cấp ngoài  công lập.

Giờ thực hành của sinh viên trung cấp điều dưỡng y khoa Pastenr Hà Nội.   (Ảnh: Internet).

Với sự điều chỉnh về chính sách về tiêu chuẩn tuyển dụng về ngành y và các chính sách quản lý đã ảnh hưởng không nhỏ cho công tác tuyển sinh và đào tạo của hệ thống các trường trung cấp y dược ngoài công lập. Mặc nhiên, điều này đã ảnh hưởng và đặt ra tình thế “tồn -vong” của các đơn vị này.

Các trường trước ngưỡng cửa tồn tại hay tồn vong?

Mới đây Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan Nhà nước sẽ quản lý về lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp. Đây là quyết định  được thông báo chính thức tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua.

Nghị quyết này vừa được Chính phủ ban hành trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ tổ chức vào ngày 30 và 31/8. Theo đó, Chính phủ thống nhất giao Bộ LĐ-TB&XH là cơ quan quản lý nhà nước về Giáo dục nghề nghiệp, còn Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý nhà nước đối với các trường ĐH, CĐ chuyên nghiệp, các trường sư phạm…Trước đó, Bộ GD&ĐT đã bỏ điểm sàn hệ cao đẳng dẫn đến việc các Trường Cao đẳng trực tiếp cạnh tranh nguồn tuyển sinh với các Trường Trung cấp Y Dược với những phương án tuyển sinh riêng, điều kiện tốt nghiệp THPT. Việc mở rộng đầu vào của hệ thống các Trường Cao đẳng dẫn đến người học có những lựa chọn khôn ngoan hơn là học hệ Cao đẳng.

Cùng với đó, các Trường Cao đẳng Y Dược với ưu thế được Nhà nước trang bị về trang thiết bị, đất đai, nhân lực thiếu thì sẽ được điều động bởi các Sở Y tế và ít nhiều không phải lo lắng về các khoản thuế phải nộp, do các trường này không quản lý như các đơn vị trường ngoài công lập. Các đơn vị ngoài Công lập hoạt động như một “doanh nghiệp đặc thù”.

Đối với các trường ngoài công lập, do hoạt động trên nguyên tắc: Lấy thu bù chi đảm bảo có lợi nhuận, mọi chi phí đều được tính vào học phí của người học và nộp thuế cho Nhà nước theo quy định Luật Doanh nghiệp. Chính vì vậy, học phí thường cao hơn các trường công lập có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.Bên cạnh đó, Bộ Y tế và Bộ Nội vụ ra thông tư liên tịch Số  26/2015/TTLT-BYT-BNV, Số 27/2015/TTLT-BYT-BNV về việc chuẩn hoá cán bộ trình độ Cao đẳng trong các cơ sở Y tế công lập cũng  làm người học không muốn đi học Trung cấp bởi “căn bệnh” thích vào “công chức” của người dân.

Vướng mắc để nâng cấp?

Mới đây, một số trường Trung cấp Y Dược tư thục đã họp bàn đề nghị cơ quan quản lý giáo dục Nhà nước nâng cấp các trường này lên thành Trường Cao đẳng Y Dược để cho thuận lợi cho công tác tuyển sinh, và đáp ứng theo nhu cầu xã hội. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục phân tích, việc nâng cấp các Trường lên Cao đẳng là chính đáng, tuy nhiên cần đáp ứng những điều kiện cần và đủ theo quy định. Bên cạnh đó, trong quá trình nâng cấp cần có sự giám sát chặt chẽ từ các cơ quan quản lý nhà nước. 

Theo QĐ số: 121/2007/QĐ-TTg ngày  27/7/2007của Thủ tướng Chính phủ, đội ngũ giảng viên của trường cao đẳng cần đạt tỷ lệ  30% giảng viên có trình độ thạc sĩ trở lên, cán bộ quản lý như hiệu trưởng cũng phải có trình độ thạc sĩ trở lên, điều này khác hoàn toàn với các trường trung cấp.

Để thực hiện được việc nâng cấp từ Trường Trung cấp Y Dược lên Trường Cao đẳng Y Dược thì các trường phải cử cán bộ đi đào tạo sau đại học để tăng tỷ lệ cán bộ quản lý có trình độ Thạc sĩ - chuyên khoa I chứ không chỉ là việc tìm “hợp đồng” với các thầy có “đủ bằng cấp chuyên môn” nhưng lại ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, để hồ sơ đề án nâng cấp Trường lên Cao đẳng được hoàn thiện.

Bên cạnh đó, các Trường cũng cần đảm bảo các thiết bị máy móc y khoa dùng cho các phòng thực hành chuẩn trình độ Cao đẳng, không chỉ dừng ở những  “hợp đồng mua sắm tương lai” để mỗi khi cơ quan quản lý giáo dục Nhà nước đến kiểm tra  chỉ báo cáo ở dạng  “thiết bị giảng dạy nhập khẩu nước ngoài chưa chuyển về” hay   mượn hoặc thuê để hợp lý hóa trong quá trình kiểm tra của các cơ quan quản lý.Trong quy trình nâng cấp Trường trung cấp lên thành Trường Cao đẳng thì tiêu chí về diện tích đảm bảo cho chỉ tiêu tuyển sinh là khó khăn nhất. Theo đó, trường Cao đẳng phải có diện tích diện tích đất tối thiểu sử dụng phục vụ công tác đào tạo là 30.000 m2 đối với khu vực đô thị và 50.000 m2 đối với khu vực ngoài đô thị và sẽ tăng lên với những trường có quy mô đào tạo lớn.

Thực tế cho thấy, nhiều Trường Trung cấp Y Dược hiện nay vẫn chưa tự có cơ sở vật chất để xây dựng trường lớp, phần nhiều là đi thuê. Trong quy định thành lập Trường Trung cấp thì chỉ cho phép đi thuê trụ sở, trường lớp trong 5 năm đầu kể từ ngày có quyết định thành lập và các Trường sẽ phải cam kết xây dựng trường riêng sau 5 năm đi thuê mướn nếu không sẽ không đủ điều kiện hoạt động theo cam kết khi thành lập trường.

Sát nhập hay giải thể?

Thực tế hiện nay, một Trường Trung cấp Y Dược đang trong tình trạng “sức khỏe yếu”, không có nhiều “kháng thể” để có thể tồn tại với những thay đổi “môi trường kinh doanh” mới, và sắp tới. Do đó, có thể nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Y Dược là mong muốn thiết thực nhất.

Theo  dự thảo của Bộ LĐ-TB&XH, quy định điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Giáo dục nghề nghiệp đối với thành lập Trường Cao đẳng tối thiểu là 100 tỷ đồng và được đầu tư bằng các nguồn vốn hợp pháp, không bao gồm giá trị về đất đai. Nếu dự thảo này được thông qua thì không nhiều trường có đủ nguồn lực đáp ứng theo dự thảo trên?

Hơn nữa, các trường trung cấp y dược không thể có đủ nội lực để nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng Y Dược vì không có diện tích đất đủ theo quy định của Bộ GD&ĐT hay Bộ LĐ-TB&XH phải đạt 5 ha trở lên. Do thiếu tiêu chí đất xây dựng trường lớp (chưa tính tiêu chí khác như tài chính, nhân lực, trang thiết bị) nên các trường trung cấp khó có thể  nâng cấp thành Trường Cao đẳng Y Dược.  Bên cạnh đó một áp lực không nhỏ khí các Trường Trung cấp Y Dược phải dừng tuyển sinh một số mã ngành vào năm 2018, nguồn thu cũng sẽ bị ảnh hưởng không ít?

Nếu căn cứ theo điều lệ các trường trung cấp tư thục thì các trường nên vận dụng điều khoản chia, tách, sáp nhập các trường trung cấp với nhau để tạo thành sức mạnh tổng hợp để đủ các tiêu chí về đất, vốn, nhân lực nâng cấp lên trường cao đẳng đáp ứng yêu cầu chuẩn hoá cán bộ Y tế trình độ cao đẳng cũng như “thích ứng” với tình hình thực tế là một trong những  giải pháp tối ưu. Tuy nhiên, để thực hiện được hay không phụ thuộc rất lớn vào ý chí của các “ông chủ” doanh nghiệp “đặc thù” này. 

Phạm Tuấn - Chí Dũng

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh