Nâng cao nhận thức của người dân về Cộng đồng ASEAN
- Tây Y
- 22:32 - 24/02/2020
Đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là một trong những ưu tiên của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN trong năm 2020. Tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) lần thứ 22 tổ chức tại Băng cốc, Thái Lan, các Bộ trưởng đã nhất trí thông qua lộ trình thực hiện hoạt động này. Theo đó, Bộ Lao Động - Thương Binh & Xã Hội sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức các Hội nghị cấp quan chức phụ trách Cộng đồng (SOCA) nhằm chuẩn bị cho đánh giá giữa kỳ kế hoạch tổng thể.
Hội nghị có sự tham gia của gần 60 đại biểu gồm các Quan chức cấp cao và cán bộ phụ trách Cộng đồng Văn hóa – Xã hội đến từ 10 nước thành viên ASEAN, Ban thư ký ASEAN, các đại biểu đến từ các cơ quan Bộ, ngành của Việt Nam (Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Công An…) cùng các chuyên gia tư vấn khu vực hỗ trợ cho đánh giá.
Tại phiên khai mạc, ngài Kung Phoak, Phó tổng thư ký ASEAN, đại diện cho Ban thư ký ASEAN đã có bài phát biểu khai mạc. Tiếp đó, bà Hà Thị Minh Đức, Trưởng đoàn SOCA Việt Nam, thay mặt nước chủ nhà chào mừng các đại biểu và khai mạc Hội nghị.
Trong bài phát biểu của mình bà Hà Thị Minh Đức đã nhắc lại vắn tắt về chủ đề Gắn kết và chủ động thích ứng của năm chủ tịch ASEAN 2020 và 5 ưu tiên của năm Chủ tịch. Phó Tổng thư ký và bà Hà Thị Minh Đức đều nhấn mạnh Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN, một trong 3 trụ cột chính của ASEAN, tiếp tục thúc đẩy những tác động tích cực của hội nhập quốc tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân ASEAN. Việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa ASEAN đến 2025 sẽ đảm bảo khu vực đạt được những tiến bộ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, tăng cường quan hệ đối tác và nâng cao nhận thức của người dân về Cộng đồng ASEAN và bản sắc ASEAN. Vì vậy, việc có một hệ thống giám sát, đánh giá là vô cùng quan trọng để theo dõi được việc thực hiện Kế hoạch tổng thể và những kết quả hữu hình.
Hội nghị tập trung xem xét, thảo luận về đề cương, các chỉ số đánh giá cũng như lộ trình và nội dung chính sẽ được xây dựng trong Báo cáo đánh giá giữa kỳ Kế hoạch Tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN. Trên cơ sở đó, các nước thành viên ASEAN sẽ thực hiện đánh giá ở cả cấp quốc gia và khu vực trong năm 2020, làm tiền đề cho việc thúc đẩy thực hiện Kế hoạch Tổng thể của Cộng đồng trong giai đoạn 2021-2025, góp phần đạt được Tầm nhìn ASEAN 2025. Dự kiến, Báo cáo đánh giá sẽ là một trong những văn kiện trình Cấp cao ASEAN lần thứ 37 thông qua vào tháng 11 năm 2020.
Hội nghị hẹp của SOCA sẽ tập trung vào việc thảo luận các cơ chế điều phối, các vấn đề liên ngành quan trọng của Cộng đồng cũng như các cách thức để tăng cường hơn nữa vai trò của SOCA trong thời gian tới. Tại Hội nghị hẹp, Việt Nam cũng sẽ trao đổi rõ hơn về những ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN nói chung và trong Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN nói riêng nhằm tạo sự ủng hộ và đồng thuận đối với các nước thành viên trong năm bản lề quan trọng của Cộng đồng.
Kết quả của Hội nghị là một trong những nội dung quan trọng được báo cáo tại Hội nghị SOCA lần thứ 28 và Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN lần thứ 23, diễn ra vào ngày 5-8 tháng 4 tại Đà Nẵng, ngay trước Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36.
Trong thời gian diễn ra Hội nghị, các đại biểu cũng có cơ hội tìm hiểu thêm về văn hoá và cuộc sống sinh hoạt của người dân địa phương tại Đà Lạt. Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN (cùng với hai trụ cột còn lại là Cộng đồng Chính trị - An ninh và Cộng đồng Kinh tế). Hội đồng Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN điều phối hoạt động của Cộng đồng Văn hoá – Xã hội ASEAN với thành viên là các Bộ trưởng phụ trách Cộng đồng của các nước. Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Lao Động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung là thành viên của Hội đồng. SOCA là cơ quan cấp quan chức hỗ trợ cho Hội đồng.