THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 09:34

Nâng cao đời sống NCT ở nông thôn

“Gánh nặng kép” trên vai NCT

Bà Nguyễn Thị Lụa, 78 tuổi, ở Hạ Hòa (Phú Thọ) trải qua “ba lần đò” và sinh được 8 người con, nhưng rốt cuộc bà vẫn một thân một mình với hai sào ruộng và kiếm sống hằng ngày bằng những đồng tiền ít ỏi từ con cua, con ốc và ai thuê gì bà cũng làm hết, dù mỗi ngày chỉ kiếm được 20 - 30.000 đồng.

Tương tự, bà Bùi Thị Tý, xấp xỉ tuổi 80, chồng mất sớm, các con của bà đã trưởng thành, nhưng mỗi người một nơi xa, con trai út ở gần nhưng cũng không thường xuyên lui tới thăm bà, mỗi khi bà đau ốm lại phải nhờ hàng xóm mua hộ thuốc hoặc đi xe ôm ra trạm xá xã. Có những lúc ốm nặng, bà nhờ hàng xóm gọi con trai đến chở đi bệnh viện, thay bằng động viên mẹ thì anh con trai to tiếng: “Đã chết được đâu, sao bà thích đi bệnh viện thế”...

Ông bà Tuân, ngoài 70 tuổi, chỉ mình bà được hưởng trợ cấp mất sức với mức 1,3 triệu đồng/tháng, còn ông dù tuổi cao nhưng vẫn phải đi làm phụ xây, phụ hồ. Các con của ông bà mỗi người một hoàn cảnh, cũng chỉ lo đủ bữa ăn hằng ngày, không có dư để phụ giúp bố mẹ.

Trong khi ông bà vẫn còn nhiều việc phải lo như: Ma chay, hiếu hỉ, giỗ, tết… “Nhà ai cũng có công có việc, người ta giúp mình rồi, khi đến việc của họ thì cũng phải đáp lại chứ, nó như cái nợ đồng lần ấy mà. Chỉ có điều giờ mình tuổi cao, sức yếu không làm gì ra tiền nên càng thấy bí”, bà Tuân tâm sự.

Ảnh minh hoạ.                                 Nguồn ảnh: Internet.

Trường hợp của cụ Bùi Thị Tín thật ái ngại, xấp xỉ 90 tuổi, không may bị bệnh nặng, cụ đi lại rất khó khăn. Có 5 người con, nhưng các con của cụ còn nhiều khó khăn, mới đầu còn thay phiên nhau chăm sóc cụ, nhưng lâu dần họ đùn đẩy trách nhiệm và cho rằng, cụ ở cùng con nào thì người đó phải có trách nhiệm chăm sóc và mỗi tháng cụ cũng đã có 180.000 đồng trợ cấp rồi...

Cụ Luận, 90 tuổi, ở Yên Kỳ (Phú Thọ) cho biết: “Tuổi già một vui trong túi có tiền / Để đi hiếu hỉ không phiền cháu con / Hai vui được bữa cơm ngon / Ba vui đông con nhiều cháu rể dâu sum vầy. Ấy vậy mà giờ chỉ còn mỗi thân già này cùng thằng cháu đích tôn đang học lớp 7. Bố mẹ nó đi làm ăn xa biệt tăm, ngày Tết mới về thăm ông cháu. Thôi thì mình cũng vì con, vì cháu nên gắng sức vậy, may còn được ông trời thương cho thêm sức khỏe. Hàng tháng được 180.000 đồng tiền trợ cấp, tuy không nhiều nhưng mỗi tháng đều có tiền để mua muối mắm, chứ ở nhà nông nếu không bán con lợn, con gà thì chẳng mấy khi nhìn thấy đồng tiền trong nhà...”.

Nâng mức trợ cấp NCT lên 270.000 đồng/tháng

Ông Hoàng Văn Lịch, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch Người cao tuổi, xã Hương Xạ (huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) cho biết, chỉ tính riêng một xã đã có 50% NCT ở nhà trông cháu, NCT không đi làm được chiếm 15%, con cái của họ rất nghèo, chủ yếu họ sống nhờ vào tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà nước.

Theo ông Lịch, mức trợ cấp hiện nay cho NCT là 180.000 đồng/tháng nên nâng lên mức 270.000 đồng/tháng. Còn đối với NCT thuộc hộ nghèo, cô đơn, quả phụ nâng lên mức 360.000 đồng/tháng, như vậy mới đủ trang trải chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày phù hợp với giá cả thị trường hiện nay. Về độ tuổi của NCT, ông Lịch có kiến nghị, nên hạ mức tuổi qui định NCT hiện nay xuống 75, thay vì 80 như qui định, vì đa số NCT ở nông thôn không còn khả năng lao động chủ yếu họ sống dựa vào các con. Đồng thời, miễn giảm cho NCT các khoản đóng góp thuộc quĩ phúc lợi ở địa phương như: Quĩ y tế, phòng, chống bão lụt, quĩ khuyến học, chất độc da cam…Về chăm sóc sức khỏe, khám bệnh, NCT đều phụ thuộc vào con nên họ mong muốn được Nhà nước quan tâm nhiều hơn nữa. Thực tế, nhiều NCT rất ngại đi khám, chữa bệnh mặc dù có thẻ bảo hiểm y tế, nhưng khi đến viện phải xếp hàng và chờ đợi rất lâu, những trường hợp bệnh nặng phải nằm viện tiền viện phí và các loại thuốc đắt tiền không được hỗ trợ.Ông Lịch kiến nghị: “Mỗi khu nên thành lập câu lạc bộ cho NCT sinh hoạt, giải trí, tham gia các hoạt động thể dục thể thao để rèn luyện sức khỏe.  Hiện tại trong một xã chỉ có 2 - 3 khu có hoạt động tập dưỡng sinh, kinh lạc thao, văn nghệ nhưng cũng là tiền của NCT đóng góp chứ chưa được huyện, tỉnh hỗ trợ. Nên có báo của NCT và một số tờ báo của trung ương, địa phương qua đó NCT biết thêm thông tin để giáo dục cháu con tránh xa những điều xấu và làm những việc có ích cho xã hội”.

CÙ HOÀ/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh