Nâng cao chất lượng đào tạo lái xe góp phần giảm tai nạn giao thông
- Công nghệ mới
- 20:23 - 09/02/2018
Với chức năng đào tạo, sát hạch để cấp GPLX từ hạng A1 đến hạng F, đào tạo đội ngũ thuyền viên đường thuỷ nội địa, đào tạo nâng bậc thợ công nhân kỹ thuật xây dựng cầu, đường, lái xe, cẩu , kích kéo …
Những năm qua, bên cạnh những thuận lợi, trường Trung cấp nghề GTVT Thái Bình gặp không ít khó khăn trong công tác tuyển sinh và tổ chức đào tạo các ngành nghề mới, đặc biệt là sự cạnh tranh cả trong và ngoài tỉnh trong công tác đào tạo lái xe. Bên cạnh đó, giá nhiên liệu và các khoản chi phí tăng nhiều lần dẫn đến tăng chi phí đào tạo… đã tác động không nhỏ đến hoạt động của nhà trường.
Trước thực tế đó, ông Tống Duy Chinh- Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: “Để đáp ứng nhu cầu học lái xe ngày càng cao của nhân dân, nhà trường đặc biệt chú trọng đến công tác nâng cao chất lượng đào tạo, thường xuyên bổ sung các nội dung mới vào giảng dạy, tổ chức Hội thi thao giảng, tự kiểm tra trình độ… để nâng cao năng lực trình độ đội ngũ Giáo viên. Trong giảng dạy lý thuyết, nhà trường ứng dụng công nghệ thông tin để học viên được tiếp cận phương pháp giảng dạy thông qua hệ thống máy chiếu, mô hình thực tế… Các môn học như Luật Giao thông đường bộ, đạo đức người lái xe, kỹ thuật lái xe được chú trọng đúng và đủ về nội dung, thời gian.
Bên cạnh việc kết hợp giữa các bài giảng lý thuyết và thực hành, nhà trường còn tổ chức cho các học viên lái xe ô tô đi thực tế để làm quen trên những đường, phố trong nội thị lúc giờ tan tầm đông người, trên đại lộ, các cung đường miền núi khó khăn, phức tạp…nhằm nâng cao kỹ năng, cách xử lý các tình huống gặp phải trên đường… Ngoài ra còn mở các lớp học tuyên truyền về trật tự an toàn giao thông để giáo dục đạo đức và nâng cao ý thức cho người lái xe, đảm bảo học viên sau khi tốt nghiệp có kỹ năng thực hành tốt, có tư cách đạo đức và ý thức tổ chức kỷ luật đặc biệt là ý thức thực hiện văn hoá giao thông”.
Học viên Bùi Thị Lụa ở huyện Hưng Hà nói: “từ nhà tôi đi sang thành phố Hưng Yên còn gần hơn lên Thành phố Thái Bình để học lái xe. Nhưng tôi vẫn chọn trường Trung cấp nghề GTVT Thái Bình để học, dù phải đi xa một chút nhưng bù lại Trường Trung cấp Nghề GTVT Thái Bình có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, học viên tham gia học được đào tạo bài bản và được giáo viên hướng dẫn, giảng dạy nhiệt tình, tạo tâm lý yên tâm, thoải mái nên bước vào thi chứng chỉ và sát hạch tôi cảm thấy rất tự tin, không thấy run và lo sợ bị trượt”.
Ông Ðinh Văn Thọ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Tháng 9 năm 2016, Trung tâm sát hạch lái xe được sáp nhập vào Trường đã tạo điều kiện cho nhà Trường mở rộng quy mô đào tạo, tăng cường đội ngũ giáo viên, thuận lợi trong kế hoạch đào tạo lái xe. Ngày 12/9/2017, Nhà trường được Sở GTVT Thái Bình kiểm tra và cấp Giấy phép đào tạo lái xe với lưu lượng là 970 học viên/ ngày.
Bãi tập và phương tiện học lái xe của trường Trung cấp nghề GTVT Thái Bình
Năm 2017 trường Trung cấp nghề GTVT Thái Bình, đã đào tạo được 11.068 học viên lái xe môtô các loại hạng A, đào tạo mới và nâng hạng lái xe ôtô các hạng cho 3.239 học viên, đào tạo vận hành máy thi công nền, vận hành xe nâng hàng 41 học viên, đào tạo hệ Trung cấp - Công nghệ ô tô 41 học viên. Phục vụ sát hạch lái xe ô tô các hạng: cho 5.176 học viên (trong đó hạng E 167 học viên), sát hạch lái xe Mô tô hạng các loại hạng A cho 13.355 học viên….
Hiện nay cơ sở vật chất của Trường tuy đã được đầu tư khá đồng bộ với phương tiện và nhiều trang thiết bị phục vụ đào tạo về lý thuyết, thực hành cùng với sân tập loại 1 (theo qui định của Bộ Giao thông Vận tải) rộng 32.000m2… Nhưng để đáp ứng công tác đào tạo nhà trường tiếp tục tăng cường đầu tư số đầu phương tiện dạy thực hành lái xe. Năm 2017 bằng nguồn vốn huy động từ cán bộ, nhân viên và giáo viên, nhà trường đã đầu tư mua mới thêm 06 xe Toyota Vios trị giá gần 4 tỷ đồng để phục vụ cho thi sát hạch hạng B. Hiện nay nhà trường có 92 xe ô tô các loại phục vụ dạy thực hành và sát hạch lái xe, 5 xe máy công trình các loại, một số mô hình, ca-bin điện tử phục vụ cho công tác đào tạo, giảng dạy lái tàu thủy nội địa, công nghệ ô tô…
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo bên cạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện tập lái, sửa chữa, bảo dưỡng, nâng cấp các xe đang trong quá trình sử dụng… Nhà trường tiếp tục đổi mới công tác giảng dạy, cập nhật và áp dụng các phương pháp khoa học, công nghệ tiên tiến vào quá trình giảng dạy, tăng thời gian thực hành lái xe, chú trọng giáo dục đào tạo học viên một cách toàn diện đảm bảo học viên sau khi tốt nghiệp có kỹ năng thực hành tốt, có tư cách đạo đức và ý thức tổ chức kỷ luật. Đặc biệt là ý thức thực hiện văn hoá giao thông, qua đó góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện gây ra.