THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 11:20

Nâng cao chất lượng công tác bảo trợ xã hội

 Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cùng đại diện UNICEF tại Việt Nam điều hành hội nghị    

Tăng cường trợ giúp xã hội

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm khẳng định: Công tác bảo trợ xã hội trong cả nước thực sự đã đạt được nhiều thành quả đáng ghi nhận. Nhất là đối với người cao tuổi, người khuyết tật đã được chú trọng chăm sóc. "Chúng ta đã tạo ra bước tiến rõ rệt về thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục mở rộng đối tượng thụ hưởng với hình thức hỗ trợ thích hợp, nâng dần mức trợ cấp xã hội thường xuyên phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. Không ngừng củng cố, nâng cấp hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, phát triển hàng loạt mô hình chăm sóc người có hoàn cảnh đặc biệt tại cộng đồng…”

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, hiện số người cần trợ giúp xã hội trong cả nước rất lớn, chiếm khoảng 20% dân số cả nước. Trong đó có khoảng 9,4 triệu người cao tuổi, 7,2 triệu người khuyết tật, 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 1,5 triệu hộ gia đình cần trợ giúp đột xuất hàng năm, 234.000 người nhiễm HIV, hơn 30.000 nạn nhân bị bạo lực gia đình…

 Đến hết tháng 12/2014, đã thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng và cấp thẻ BHYT cho trên 2,6 triệu người, trong đó có; 45 ngàn trẻ mồ côi, 115 ngàn người đơn thân nuôi con thuộc hộ nghèo, hơn 1,4 ngàn người cao tuổi, 770 ngàn người khuyết tật nặng, 195 ngàn hộ gia đình nhận chăm sóc trẻ em khuyết tật.

Đặc biệt, khi xây dựng chính sách, ngành LĐ-TB&XH đã chú trọng đến việc hỗ trợ các đối tượng cần bảo trợ. Kinh phí trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ BHYT và hỗ trợ chi phí mai táng cho các đối tượng khoảng hơn 11 ngàn tỷ đồng. "Hầu hết các chính sách trợ giúp xã hội đã bao phủ các nhu cầu cơ bản của đối tượng về nuôi dưỡng, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chứng năng hướng nghiệp, dạy nghề"- Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH khẳng định.

Cụ thể, ta đã có trên 10 Bộ Luật, 7 Pháp lệnh và hơn 30 Nghị quyết, Quyết định, hơn 40 thông tư, thông tư liên tịch và nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao hơn nữa công tác bảo trợ xã hội. Đưa các luật, các nghị quyết đi vào cuộc sống.

Nhiều mô hình hay, cách làm tốt

Từ những nỗ lực trong cả hệ thống chính trị - xã hội mà hàng loạt mô hình hay, cách làm tốt trong công tác bảo trợ xã hội đã được thực hiện. Trong lĩnh vực người cao tuổi, các mô hình “Sát cánh cùng người cao tuổi”, “Người cao tuổi tham gia bảo vệ môi trường và xây dựng nông thôn mới”, “Mắt sáng cho người cao tuổi”… đã được triển khai rộng khắp trong cả nước.

Đáng chú ý, đến nay 46 tỉnh, thành đã xây dựng Khoa lão khoa trong các bệnh viện để chăm sóc sức khỏe tốt nhất cho người cao tuổi. Do vậy, đã có hơn 2 triệu người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ, hơn 1,7 triệu người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe.

Báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH cũng khẳng định, trong lĩnh vực trợ giúp xã hội đối với người khuyết tật, nhiều mô hình sáng tạo như; “Người khuyết tật vượt khó”, “Chung tay lo nghề cho người khuyết tật”, “Người khuyết tật hòa nhập cộng đồng”… đã đi vào cuộc sống. Đã có trên 200 cơ sở dạy nghề cho người khuyết tật, mỗi năm tổ chức dạy nghề cho 9 ngàn người khuyết tật. Xây dựng 63 bệnh viện/ Trung tâm điều dưỡng-Phục hồi chức năng. "Quyết tâm xây dựng 100% các bệnh viện đa khoa chuyên khoa trung ương có khoa phục hồi chức năng".

Trong các lĩnh vực khác như; trợ giúp đột xuất cho đối tượng gặp hoàn cảnh khó khăn cũng đã thực hiện nhiều mô hình sáng tạo như; “Cùng nhau vượt khó”, “Không đầu hàng hoàn cảnh”…đã phủ rộng ở nhiều địa phương. Cùng với đó là các chính sách hỗ trợ kịp thời. Đặc biệt, từ năm 2011 trở lại đây, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 200 ngàn tấn gạo cứu đói, hỗ trợ hơn 2 ngàn tỷ  đồng để các địa phương hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai…Cùng với các cách làm hay, mô hình tốt này, chúng ta đã phát triển mạng lưới công tác xã hội và đội ngũ nhân viên công tác xã hội rộng khắp. Có 34 tỉnh, thành phố đã xây dựng mô hình trung tâm công tác xã hội. Nhiều tỉnh vận hành hiệu quả các trung tâm như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre, Thanh Hóa, Long An…

 

Quang cảnh hội nghị           

Những hạn chế cần tháo gỡ

 Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị,  Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận, ngoài các mặt ngành đã làm được thì chúng ta cũng còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân theo Bộ trưởng là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác trợ giúp xã hội, bảo trợ xã hội chưa đầy đủ, công tác tuyên truyền, giáo dục trong các tầng lớp nhân dân chưa sâu rộng. Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực trợ giúp xã hội còn thiếu, cơ sở vật chất của nhiều cơ sở trợ giúp xã hội còn chưa đáp ứng được nhu cầu…"Chính thế nên chúng ta phải chung tay tháo gỡ những khó khăn này. Bộ LĐ-TB&XH đưa ra nhiều định hướng, nhiệm vụ cần thiết như: Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia cung cấp dịch vụ trợ cấp xã hội, tiếp tục đổi mới cơ chế và phương thức quản lý… Nhiều định hướng khác cũng được Bộ trưởng đưa ra những giải pháp.

 

 Ông Jesper Moller- Phó trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam phát biểu

Các đại biểu dự hội nghị đều thống nhất, cần đẩy mạnh nghề công tác xã hội, tận tụy hơn trong việc chăm sóc những đối tượng cần trợ giúp. Mục tiêu đến năm 2020 là 50% người cao tuổi trực tiếp sản xuất kinh doanh được tăng thu nhập, gần 100% người cao tuổi được trợ cấp hàng tháng theo mức tuổi quy định. 100% người khuyết tật nặng được trợ cấp xã hội hàng tháng, 90% số người tâm thần được phục hồi chức năng, tăng khoảng 50% đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và công tác viên ngành công tác xã hội. 

Các chuyên gia đề nghị xây dựng Luật An sinh

Thảo luận về những khó khăn, vướng mắc trong triển khai công tác triển khai công tác bảo trợ xã hội, bà Nguyễn Thị Lan Hương- Viện trưởng Viện KHLĐ (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra quan điểm: Cần ban hành chuẩn hóa về mức sống tối thiểu, hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho đối tượng nằm trong khung bảo trợ xã hội. "Mức chuẩn trợ cấp cũng cần cân nhắc và áp dụng sát với cuộc sống. Nên hạ mức tuổi để được hưởng trợ cấp xã hội đối với người cao tuổi. Có thể ban hành Luật An sinh, hay lập Tổng cục An sinh"- bà Hương đề nghị.

Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị Xuân Mai -Trường Đại học Lao động - Xã hội khuyến nghị cần nhanh chóng đào tạo đội ngũ làm nghề công tác xã hội một cách chuyên nghiệp, biết lồng ghép từ kiến thức đã học với thực tế.

Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, ông Jesper Moller nói: "Một trong những mục tiêu quan trọng của bảo trợ xã hội là giảm bớt tổn thương và những cùng cực khó khăn của người yếu thế. Chúng ta quyết tâm tạo ra môi trường công bằng, nhất là với đối tượng là trẻ em. Đẩy mạnh việc nuôi dưỡng lượng trẻ em bị tổn thương là việc làm cấp bách". Đánh giá Việt Nam đã có nhiều chính sách tốt, tuy nhiên vẫn còn tản mát và chưa đi vào chiều sâu ông Jesper Moller cho rằng, với sự khởi động chương trình hỗ trợ của Ngân hàng thế giới và UNICEF tại Việt Nam nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đã được hưởng lợi. Tuy nhiên vẫn còn thiếu hụt khung pháp lý về nghề công tác xã hội. "Cần xây dựng luật công tác xã hội một cách hợp lý nhất"- ông Jesper Moller chia sẻ.

 

Một số nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện ngay trong năm 2015:

Tiến hành rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo trợ xã hội; Trợ giúp xã hội đột xuất kịp thời đối với người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai; Tập trung nguồn lực thực hiện tốt các Đề án (Đề án phát triển nghề công tác xã hội, trợ giúp xã hội phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2011-2015, trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2011-2015, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giai đoạn 2011-2020, tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong việc xây dựng, thực hiện chính sách trợ giúp xã hội); Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp trong lĩnh vực bảo trợ xã hội đi vào chiều sâu.

NGỌC MINH - HÀ ĐẠO

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh