THỨ SÁU, NGÀY 20 THÁNG 09 NĂM 2024 04:49

Nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc chiếm đến 75%

 

Chưa đầy 3 năm có hơn 1.100 trường hợp bị mua bán 
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán” và nhân rộng mô hình hoạt động Đội công tác xã hội tình nguyện, do Cục Phòng, chống TNXH (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức ngày 6/7 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục phòng, chống TNXH cho biết, theo số liệu từ Bộ Công an, từ tháng 11/2015 đến tháng 5/2018, toàn quốc xảy ra 885 vụ mua bán người với 1.158 đối tượng, lừa bán 2.319 nạn nhân. Các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 3.500 trường hợp, xác định 1.117 trường hợp là nạn nhân bị mua bán.

Ông Nguyễn Xân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống TNXH cho biết chưa đầy 3 năm có hơn 1.100 trường hợp bị mua bán

 

Tội phạm buôn người phần lớn là những thành phần không nghề nghiệp hoặc buôn bán tự do qua lại biên giới, chủ chứa mại dâm hoặc môi giới mại dâm. Chúng thường lợi dụng sự kém hiểu biết, thiếu thông tin của các nạn nhân, hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người, sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường, có hoàn cảnh khó khăn, và thông qua các trang mạng xã hội như: Zalo, Facebook, Webchat... để dụ dỗ, lôi kéo nhằm bán nạn nhân ra nước ngoài.
Đáng lo ngại, số nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc chiếm đến 75%, Lào và Campuchia là 11%, còn lại bị bán sang nước khác thông qua đường hàng không và đường biển.
Đại tá Phạm Tuấn Long, Cục quản lý Xuất Nhập cảnh (Bộ Công an) cho hay, trước diễn biến phức tạp của tình hình tội phạm mua bán người, nhiều năm qua Việt Nam đã phối hợp với các nước thực hiện tốt Hiệp định về tăng cường hợp tá, phòng chống mua bán người, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả các hoạt động phạm tội mua bán người qua biên giới và bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân sớm được trở về đoàn tụ với gia đình.
Từ năm 2016 đến nay, Cục quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam đã tiến hành xác minh 133 trường hợp nạn nhân bị mua bán theo con đường chính thức, còn thực tế số lượng nạn nhân có thể nhiều hơn, do nạn nhân trở về mà không thông qua cơ quan chức năng, hoặc do mặc cảm... Có trường hợp vừa là nạn nhân, vừa là tội phạm (trước từng là nạn nhân, nhưng sau đó quay lại lừa bán người khác), do đó việc xác định họ là nạn nhân hay tội phạm gặp nhiều khó khăn.
Tích cực hỗ trợ nạn nhân trở về, tái hòa nhập cộng đồng
Nạn nhân bị mua bán thường là phụ nữ, trẻ em vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa giáp biên giới và đang trong độ tuổi kết hôn không có việc làm ổn định, bị lừa bán làm vợ, con nuôi, bán làm lao động khổ sai, vào các cơ sở dihcj vụ, bị ép làm gái bán dâm... tại một số tỉnh, thành nổi lên như TP. Hồ Chí Minh, tội phạm mua bán người tìm đến những nơi chăm sóc, nuôi dạy trẻ mồ côi, bệnh viện phụ sản... để tìm cách tiếp cận, gạ gẫm những phụ nữ khó khăn, mang thai ngoài ý muốn nhằm mục đích mua bán trẻ sơ sinh, hoặc trẻ có nguy cơ bị bỏ rơi sau sinh.

Tích cực hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về (ảnh mh)
Thống kê từ năm 2016 đến tháng 5/2018, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với lực lượng công an, Bộ đội biên phòng tiếp nhận gần 1000 trường hợp nạn nhân bị mua bán trở về. Điển hình như Quảng Ninh tiếp nhận 228 nạn nhân, Điện Biên 131, Lai Châu 54, Lạng Sơn 31, Tây Ninh 44 nạn nhân...
Ở Thanh Hóa, hoạt động của tội phạm mua bán người rất tinh vi, chúng thường sử dụng mạng internet, Facebook, tìm các số điện thoại và chủ thuê bao có tuổi đời từ 13 đến 25 là học sinh các trường Phổ thông trung học, trường Trung cấp, Cao đẳng, Đại học để nhắn tin làm quen, sau một thời gian hẹn gặp chúng lừa đưa lên vùng biên giới đi mua hàng, đi du lịch.
Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã xuất hiện đối tượng lừa đưa các nạn nhân là người nước ngoài (quốc tịch Campuchia) xuất phát từ các tỉnh phía nam ra Quảng Ninh bán sang Trung Quốc kiếm lời; tỉnh Hậu Giang, nguy cơ xảy ra tội phạm mua bán người chủ yếu tình trạng lợi dụng kết hôn trá hình với người nước ngoài tập trung ở các nước Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc...; tỉnh Nghệ An, đối tượng phạm tội thường có mối quan hệ với đối tượng hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện ở các thành phố, thị xã, khu du lịch trong nước hoặc vùng giáp ranh Việt Nam - Trung Quốc. Một số đối tượng trước đây bị lừa bán nhưng sau đó đã trở lại địa phương để lừa phụ nữ, trẻ em đem bán. 
Sau khi tiếp nhận, 100%  nạn nhân đã được lực lượng chức năng tổ chức gặp gỡ, tư vấn và thực hiện chế độ hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng. Một số tỉnh, thành phố như đã phối hợp tích cực, có hiệu quả với các dự án của các tổ chức quốc tế, xây dựng một số mô hình tại cộng đồng, như mô hình “Nhà nhân ái” tại Lào Cai, “Ngôi nhà tình thương” tại An Giang, mô hình các nhóm tự lực tại Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên – Huế... 
Để đẩy mạnh công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, nhiều giải pháp đã được đưa tại tại hội nghị, trong đó trọng tâm là các giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân, tăng cường sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật.

CHU LƯƠNG

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh