CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 06:26

Năm tháng chưa xa...

 

Bên đồng đội - những người nằm lại mãi mãi tuổi hai mươi.

 

Nhìn lại mái đầu người nào cũng tiêu ít hơn muối, có người bạc trắng nhưng tính khí thì chẳng thay đổi, vẫn sôi nổi như thời trai trẻ, dù đã lên chức bà nội, bà ngoại, ông nội, ông ngoại. Lúc nào cũng vậy, đầu chương trình họp mặt truyền thống, chúng tôi đều dành một phút mặc niệm những đồng đội đã ngã xuống. Sau đó đến chương trình liên hoan, tiệc tùng, cùng hát vang những bài hùng ca một thời gian khổ, tưng bừng náo nhiệt. Sôi nổi nhất vẫn là tiết mục “ôn lại kỷ niệm xưa”. Những cựu TNXP chúng tôi hễ gặp nhau là hào hứng nói rất nhiều chuyện, nói đến... tết cũng chưa hết.

“Sống trên đời ai cũng có một thời đẹp nhất, với chúng tôi là năm tháng TNXP…”. Những ca từ đó đã gói trọn tâm sự một thời cháy bỏng của những cựu TNXP chúng tôi.

Thời gian lặng lẽ trôi, nhưng cứ mỗi độ tháng 3 về, lòng tôi lại nao nao chi lạ. Nỗi nhớ nhung quay quắt, những kỷ niệm xưa ùa về như chuyện mới hôm qua.  Ngày 28/3/1976, sau buổi lễ xuất quân tại sân vận động Thống Nhất, chúng tôi - hàng vạn chàng trai, cô gái hồn nhiên trong sáng đại diện cho tuổi trẻ thành phố như những đàn chim tỏa về khắp nơi đang đợi chờ sức trẻ. Bỏ lại sau lưng những mơ mộng hẹn hò của lứa tuổi đôi mươi, chúng tôi bước vào môi trường lao động mới, có kỷ luật, có kỹ thuật, đó là môi trường TNXP. Nơi chúng tôi đến là căn cứ lúc bấy giờ, vết tích chiến tranh với đầy rẫy hố bom còn hằn sâu trên mảnh đất hoang tàn này.

Từ những mảnh đất ngoại thành hoang vu, cằn cỗi đến những cánh đồng hoang hóa Long An hay bưng biền xa xôi miệt An Biên (Kiên Giang), Hồng Dân (Minh Hải); từ núi rừng hoang vu ở Xuyên Mộc (Bà Rịa - Vũng Tàu), Phú Giáo (Bình Dương) đến khu ngập mặn Cần Giờ đầy ô rô, cóc kèn, lau sậy… dấu chân TNXP đặt đến nơi nào, nơi ấy hồi sinh. Bàn tay lao động cần cù của những người trẻ tuổi đã biến những nơi này thành vành đai xanh, thành bờ xôi ruộng mật và những vườn cây cao su bạt ngàn.  Trên các vùng đất đó đã từng có biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu của TNXP thấm xuống mới có được ngày hôm nay. Đứng giữa đất trời nhớ thời đã qua, lòng tôi lâng lâng vui sướng vì mình đã cống hiến chút công sức vào xây dựng mảnh đất thân yêu.

 

Tuổi trẻ TNXP một thời sôi nổi.

 

Chị Phạm Thị Sen, Đoàn Thị Nở, cựu TNXP quận Gò Vấp kể: "Ngày 13/5/1976, chúng tôi cùng hơn 700 đội viên Liên đội TNXP lên đường vào khai hoang tại ấp Bến Trường, xã Hảo Đước, huyện Tân Biên, Tây Ninh. Gọi là ấp, nhưng chẳng thấy một bóng người. Theo sự chỉ đạo của cấp trên, TNXP đã chặt cây rừng, cắt tranh về làm nhà cho cụm kinh tế phát triển E1 và E". Vào khoảng giữa tháng 6/1976, đơn vị chia làm hai cánh quân. Một cánh gồm hai đại đội vượt sông Vàm Cỏ sang Tà Nông, ấp Bố Lớn, xã Hòa Hội khai thông đường, phát hoang chuẩn bị mặt bằng xây dựng vùng kinh tế mới hướng Bến Sỏi phía nam Tây Ninh. Đội còn lại di chuyển sang Cầu Vịnh, Phước Hưng, cách nơi đóng quân cũ vài cây số, tiếp tục nhận nhiệm vụ dựng khu kinh tế trọng điểm Hảo Đước. Đến cuối năm 1976, liên đội tiến sang Tà Chốt triển khai công tác mới, đốn cây rừng lắp dựng đủ 400 bộ khung nhà cho dân kinh tế mới lên lập nghiệp. Trải qua bao khó khăn, TNXP các vùng Tây Ninh, Đồng Nai, Sông Bé… đã biến những vùng đất cằn cỗi, đầy ắp bom đạn còn sót lại thành nơi xanh tươi, màu mỡ, thành những vùng quê trù phú…

Không lâu sau ngày TNXP lên đường xây dựng vùng kinh tế mới, từ đầu năm 1977, tình hình nước ta trở nên căng thẳng ở các vùng ven biên giới phía Tây Nam. Tháng 9/1977, quân Khmer Đỏ từ Campuchia đồng loạt tiến công sang đất nước ta. Trước tình hình đó, TNXP lại lên đường theo tiếng gọi của Tổ quốc... phục vụ tải thương, tải đạn và tham gia công tác hậu cần... hiện ngang đi qua cuộc chiến với hào khí ngất trời, bảo vệ Tổ quốc bằng sự hy sinh xương máu cho quê hương

 Giờ đây đứng trước những nấm mồ đồng đội... mãi mãi tuổi hai mươi... sao nghe bùi ngùi cay mắt... muốn cùng nhau hát lại khúc ca năm nào (Bài ca không quên) bài ca tôi đã hát... đêm ngày với quê hương... với đồng đội... tôi không thể nào quên ... tôi không thể nào quên... sao nghẹn ngào không nên lời.

HOÀNG GUITAR

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh