CHỦ NHẬT, NGÀY 19 THÁNG 01 NĂM 2025 03:52

Năm Thân nói chuyện dạy khỉ

 

 

Trường huấn luyện khỉ leo cây hái dừa ở Surat Thani, Thái Lan  

Đây là một trải nghiệm đời sống hoang dã độc đáo ở ngay trái tim đất nước Chùa Tháp. Ngôi trường dạy khỉ đầu tiên được nâng lên thành Phân khoa đại học có giáo trình chia thành từng lớp đàng hoàng. Nếu có dịp du lịch Thái, bạn đừng bỏ qua cơ hội thăm trường này. Vì ngoài lòng hiếu khách của dân bản địa, du khách sẽ được hòa mình vào cảnh thiên nhiên, tâm hồn như mở rộng phấn khích khi chứng kiến lũ khỉ theo từng lớp học nghề: Leo cây hái dừa.

Từ năm 1957, nhờ gia đình có vườn dừa, anh chàng người bản địa có cái tên Somporn đã bắt đầu dạy lũ khỉ leo cây hái dừa, một công việc không dễ dàng gì đối với con người. Trước khi Somporn “làm thầy”, lũ khỉ ở vùng này cũng được dạy hái dừa, nhưng bị dạy bằng roi vọt, áp chế bạo lực. Thầy Somporn đã thay đổi kiểu huấn luyện “nhân văn” hơn, không đòn đánh, không đe dọa bạo hành. Từ cái ngày chú khỉ Khai Nui của Somporn được vinh dự cầm cờ diễu hành trong ngày khai mạc Đại hội Thể thao Quốc gia năm 1993, ngôi trường này vang danh khắp nước Thái, rồi được cả thế giới biết đến qua truyền miệng từ các du khách.

“Lính khỉ” được Taliban huấn luyện vào chiến trường Afghanistan.

Các bạn đừng nghĩ, vì khỉ là giống giỏi leo trèo nên việc lên cao hái dừa đâu khó đến nỗi… con người phải dạy. Thực sự loài khỉ ở Surat là một dòng khỉ đặc biệt, là giống macaque có đuôi tựa đuôi heo, thường được dân bản địa gọi là Ling Klang. Loài khỉ này sinh ra lông màu đen, nhưng lớn lên biến thành một lớp lông màu nâu ôliu phủ toàn cơ thể trừ phần trắng dưới bụng, còn trên đỉnh đầu màu nâu đậm hơn hay có khi là lông đen mọc tròn quanh mặt. Chúng cao khoảng gần 60cm, nặng nhất chừng 15kg và thường sống được 26 tuổi đời.Những chú khỉ được chọn huấn luyện để mỗi ngày có thể hái được từ 700 đến 1.500 trái dừa. Nhiệm vụ đầu tiên của giáo viên phải để “học trò” thoải mái trong môi trường mới, mà không cần phải dùng đến roi vọt, hay các đòn trừng phạt bạo lực khác. Đây quả là bước quan trọng và cũng là khó khăn nhất trong việc huấn luyện khỉ, vì loài này tương đối táy máy và… rắn mặt. Bài học đầu tiên là luyện với một chiếc hộp gỗ có cột thép cao bên trong, đầu cột có treo một trái dừa trong tư thế có thể vặn đứt. Lũ khỉ đứng từ xa nhìn “thầy” vặn dừa sẽ tò mò và rồi muốn bắt chước làm theo. Bây giờ “thầy” mới cho “học trò” tập dùng tứ chi vừa đụng vào, vừa thao tác vặn dừa cùng với mình. Cột thép dần dần được thay bằng thân tre có lá dừa ngụy trang để làm đạo cụ học tập. Thành thạo thao tác bẻ dừa, khỉ được lên cấp, khỉ tự xử lý dây buộc quanh mình để leo lên cây dừa. Tất cả những bài học ấy thuộc lớp tiểu học. Giáo trình này mất từ 3 đến 6 tháng và các “phụ huynh” phải trả học phí 6.000 Baht/con khỉ cho thầy. 

Lên đến trung học cấp I, số học viên ít dần. Khỉ nào vượt qua sẽ tiếp tục học cách chuyền từ cây này sang cây khác, cách bỏ dừa đã hái vào bao để chuyển đến bất cứ địa điểm nào chủ muốn. Quá trình này cũng mất thêm 3 tháng và ngốn học phí của chủ đến 25.000 Baht/con. Chỉ vào được trung học cấp II là những chú khỉ thành thạo leo cây, hái, gom dừa và chúng sẽ được học thêm những tài mọn khác để mua vui cho du khách, nhưng thường là làm theo những gì chủ chúng muốn, chẳng hạn biết ngồi sau xe mô tô của chủ hay chủ sai gì làm được đó. Dừa là một trong những mũi nhọn nông nghiệp của Thái Lan, với sản lượng mỗi năm 1 triệu tấn, thu về 80 triệu USD, việc dạy khỉ hái dừa là một sáng tạo có lợi cho nông dân trồng dừa ở đây.

 Qi Defang- đại sư phụ dạy khỉ làm xiếc của Trung Quốc

Dù đã 70 tuổi, nhưng sư phụ Qi Defang thuộc vùng Anhui Suzhou Yongqiao, (Trung Quốc), vẫn dành hết tâm huyết để huấn luyện khỉ cho những gánh xiếc, bên cạnh một vài loài gia súc khác như dê, cừu. Với 30 năm trong nghề, những đệ tử khỉ của ông đã rải đi khắp đất nước, góp mặt trong nhiều gánh xiếc lớn nhỏ, thi thố những kỹ xảo chúng thụ huấn. Khác với cách huấn luyện có tính “nhân văn” ở trại huấn luyện khỉ tại Surat Thani (Thái Lan), khỉ ở đây phải học với những ông thầy nghiêm khắc. Chúng tuân thủ giáo trình vì sợ roi, vọt, những ánh mặt lạnh lùng, đe dọa và cả những hình phạt. Cũng chính vì những lẽ ấy mà ngôi trường huấn luyện thú nói chung và khỉ nói riêng của thầy Qi Defang, thường bị các hội bảo vệ động vật địa phương cũng như quốc tế phản đối. Đỉnh điểm là năm 2013, một chương trình mang tên “Phát triển sở thú quốc gia” đã yêu cầu ngăn chặn những hành vi xúc phạm, bạo hành, đe dọa và đánh đập thú vật trong các trường dạy thú làm xiếc. Tuy nhiên, với truyền thống xiếc có lịch sử 300 năm của làng Anhui Yongqiao, những phản đối ấy cũng khó làm thay đổi tình hình. 

Ngoài được “đào tạo” hái dừa, những chú khỉ ở Thái Lan còn được huấn luyện để mua vui cho du khách.

Huấn luyện khỉ làm sát thủ ở chiến trường

Theo truyền thông Anh quốc, quân nổi dậy Taliban, ở Afghanistan đã từng bí mật triển khai chương trình huấn luyện khỉ sử dụng súng ống để tấn công các đội quân Mỹ. Một video đã xuất hiện cho thấy, những “tay khủng bố con cháu Tôn Ngộ Không” này đang tập luyện với AK 47 và súng máy hạng nhẹ Bren, ở vùng thổ dân Waziristan, nằm giữa biên giới Pakistan và Afghanistan. Nếu đúng là thế thì “lính khỉ” đã được Taliban sử dụng để đối đầu với lính robot chuyên rà bom mìn sát thương để mở đường của Mỹ. Đây cũng là chiêu mà quân nổi dậy Taliban dùng để khiêu khích các cộng đồng bảo vệ động vật phương Tây phải lên tiếng kêu gọi Mỹ rút quân khỏi đất nước của họ. Oái oăm ở chỗ, chính nó cũng là trò “gậy ông đập lưng ông” mà nước Mỹ phải hứng chịu. Bởi trước đây CIA được tin là đã huấn luyện lính khỉ chiến đấu trong chiến trường Việt Nam thời kỳ những năm 1960 - 1970.  

NGHI THIỆN/Lao động và Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày
Tin nên đọc
Báo dân sinh
Báo dân sinh
Báo dân sinh