Năm nay, nhiều công nhân ăn Tết xa nhà
- Y học 360
- 16:00 - 30/01/2021
Sau nhiều hôm suy nghĩ, cuối cùng gia đình chị Bùi Kim Anh, công nhân Cty Việt Nam Samho (huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) quyết định không về quê ăn Tết.
Quê chị Kim Anh ở Hà Tĩnh, còn quê chồng của chị ở Thanh Hóa nên mỗi dịp về quê khá tốn kém. Những năm trước vợ chồng chị đều quê ăn Tết nhưng 2 Tết vừa rồi con nhỏ nên tính Tết năm nay sẽ về ăn Tết cùng bố mẹ. Tính đi tính lại, Tết năm nay gia đình chị lại không về quê. "Thế là đã năm thứ 3 gia đình tôi phải ở lại TP Hồ Chí Minh để ăn Tết. Nhớ nhà, nhớ bố mẹ nhưng đành phải gác lại niềm vui nhỏ đó", chị Kim Anh thở dài và cho biết, cả năm nay, thu nhập của hai vợ chồng giật gấu vá vai, may mắn lắm còn một ít tiền tiết kiệm từ những năm trước nên không phải vay nợ. Nếu cả nhà về quê nội, quê ngoại, tiết kiệm lắm cũng hết gần vài chục triệu đồng. Nếu đi vay tiền để về quê, sang năm mới không biết công việc có nhiều, làm có đủ trả nợ hay không.
Chồng chị Kim Anh làm thợ hồ, thu nhập thất thường. Chị bảo, tháng nhiều việc nhất thì được khoảng 6 triệu đồng nhưng có tháng không có đồng nào vì làm công việc này nặng nhọc, vất vả nên dễ ốm. Năm nay, do dịch COVID-19, nhiều tháng chồng chị không có việc làm. Bản thân chị mấy tháng dịch COVID-19 bùng phát, Cty phải giãn việc, có tháng chỉ có 3 triệu đồng. Giờ Cty đã có việc ổn định trở lại nhưng lương cũng chỉ được hơn 5 triệu đồng/tháng, trong khi đó tiền thuê nhà, tiền nuôi hai con ăn học, cộng với sinh hoạt phí nên tháng nào tiêu hết tháng đó. "Những năm trước còn tiết kiệm đủ tiền về Tết nhưng năm nay khó khăn quá đành chấp nhận ở lại thành phố. Biết bố mẹ buồn, nhớ con cháu nhưng không có cách nào khác", chị Kim Anh ngậm ngùi chia sẻ.
Ngồi trong căn nhà trọ cấp bốn đã xuống cấp, chị Hoàng Thị Hoa (thôn Bầu, Đông Anh, Hà Nội) ngấn lệ khi nhắc đến Tết. Hai vợ chồng chị đều làm công nhân ở Hà Nội đã 14 năm nay, năm nào anh chị cũng thu xếp để về quê ăn Tết cùng gia đình. Năm nay, sau nhiều đêm bàn tính, hai vợ chồng cùng con nhỏ sẽ ở lại Hà Nội dịp Tết này. Chị Hoa bùi ngùi nói: "Làm gì có tiền để về quê ăn Tết dù rất muốn về nhà. Mang tiếng là đi làm ở Hà Nội lâu năm, về quê cũng phải có đồng quà, tấm bánh dù ít hay nhiều để gửi biếu bà con chứ. Rồi còn đủ thứ chi tiêu phát sinh, mà tôi thì tiền ăn hằng tháng cho gia đình cũng chắt chiu lắm mới đủ".
Tết năm nay, anh Dương Tấn Minh (công nhân tại KCN Bắc Thăng Long, Hà Nội) được tặng vé xe về quê ăn Tết. Khi nhận được thông tin sẽ được tặng vé xe về quê dịp Tết nay cả gia đình anh phấn khởi. Thế nhưng, sau khi suy đi tính lại gia đình anh Minh lại quyết định báo cáo công ty không nhận vé vé, dành cho người khác. "Hôm đi báo cáo không nhận vé xe, tôi buồn lắm. Đi làm quanh năm Tết không được sum vầy cùng gia đình, họ hàng, làng xóm nhưng về quê ăn Tết đâu chỉ có tiền xe, tiền tàu. Ngày tết chi phí đắt đỏ gấp nhiều lần so với ngày thường. Ở quê tôi khó khăn lắm nên nếu tiết kiệm được chút nào hay chút ấy, gửi giúp bố mẹ và mọi người ở quê. Năm nay, công nhân chúng tôi ít việc, thu nhập giảm sút nên đành phải giảm chi tiêu. Mong rằng năm mới công việc nhiều hơn để Tết năm tới được về quê".
Khảo sát tại nhiều khu nhà trọ ở TP Hồ Chí Minh, số lượng công nhân ở lại ăn tết nhiều hơn mọi năm. Ông Huỳnh Văn Tuấn, chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM cho biết, năm nay số lượng công nhân không về quê ăn tết sẽ tăng nhiều so với năm trước. Theo nắm bắt tình hình thì số lượng công nhân ở lại ăn tết sẽ khoảng 60-70%. Theo đó, sẽ có khoảng 166.000 - 193.000 lao động trong tổng số khoảng 277.000 người lao động đang làm việc tại các khu chế xuất - khu công nghiệp ở lại ăn tết tại TP. Hồ Chí Minh. Theo Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, trong năm 2020 đã có 93 doanh nghiệp thông báo bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, với khoảng 20.000 lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 1.500 lao động nghỉ việc không hưởng lương và gần 11.000 lao động tạm ngừng việc có hưởng lương.